Chương trình hành động của Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Cao Mạnh Linh - Đơn vị bầu cử số 2

Chương trình hành động của Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Cao Mạnh Linh - Đơn vị bầu cử số 2

Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu Chương trình hành động của Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV Cao Mạnh Linh - Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay tôi là Phó Vụ trưởng Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Thư ký nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Được Trung ương giới thiệu về ứng cử tại tỉnh Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu bản sắc văn hóa, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và rất nhiều tiềm năng phát triển, tôi rất vinh dự và tự hào.

Với thời gian 17 năm công tác ở Văn phòng Quốc hội, qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nên đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội, nhất là giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật và giám sát, đặc biệt là giám sát hoạt động tư pháp. Do đó, được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 là cơ hội để tôi có điều kiện thuận lợi đóng góp nhiều hơn vào hoạt động của Quốc hội, vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và của tỉnh nhà.

Nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 15, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu dân cử theo quy định của pháp luật, tôi sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, cầu thị học hỏi từ các vị Đại biểu Quốc hội các khóa, các chuyên gia và từ Nhân dân, tận tâm, trách nhiệm thực hiện tốt các công việc sau đây:

Thứ nhất, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội, trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; nghiêm túc thực hiện việc tiếp xúc cử tri theo quy định; luôn liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với cử tri; tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của cử tri; phản ánh kịp thời, trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; chủ động, tích cực đôn đốc, giám sát việc giải quyết của các cấp, các cơ quan đối với các vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị để báo cáo lại cho cử tri.

Thứ hai, tham gia đầy đủ, trách nhiệm các hoạt động của Quốc hội trong xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt quan tâm tới những khu vực còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tôi sẽ chú trọng tham gia đóng góp ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, các giải pháp tổ chức thực hiện để vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất- kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho người dân, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, chú trọng tham gia ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các chính sách cơ bản như: (1) cơ chế, chính sách để đẩy nhanh công tác giảm nghèo, bảo đảm bền vững và thực chất; (2) chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân tương xứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước; (3) chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, phù hợp với xu thế già hóa dân số; (4) chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, phù hợp với khối lượng công việc, nhiệm vụ mà những cán bộ này phải đảm nhiệm; (5) chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu hút đa dạng các nguồn lực để đầu tư phát triển các mạng lưới giáo dục, đào tạo; (6) chính sách, pháp luật để tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

Thứ ba, tận tâm, trách nhiệm trong công tác giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Kịp thời kiến nghị và kiên trì theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết của các cấp, các cơ quan và người có thẩm quyền, đặc biệt là đối với những vấn đề được Nhân dân, cử tri quan tâm như: (1) việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân; (2) việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên; thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; (3) việc cải cách thủ tục hành chính; chất lượng, hiệu quả đầu tư công, chống tham nhũng, lãng phí, thu hồi tài sản tham nhũng; (4) công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; (5) công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thứ tư, đối với tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh nhiều thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nếu được cử tri tin tưởng bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 15, ngoài các vấn đề đã nêu ở trên, tôi sẽ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa góp tiếng nói chung với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành ở Trung ương để hoàn thiện pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó tập trung vào các vấn đề như: cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cảng biển, công nghệ thông tin; đẩy mạnh đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi; phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị tăng cao gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân vùng biển, đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, gắn với phát triển du lịch; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Tôi rất vui mừng được giới thiệu về ứng cử tại thị xã Bỉm Sơn và 5 huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Vĩnh Lộc. Trong những năm qua, 6 huyện, thị xã chúng ta đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và nhất là dịch bệnh Covid-19, nên chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, gia tăng sản suất công nghiệp, phát triển dịch vụ; phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn hạn chế; công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý môi trường, xử lý rác thải có thời điểm, có nơi còn chưa tốt; công tác xây dựng nông thôn mới chưa đạt kết quả như mong muốn, một số nơi còn thiếu bền vững; việc phát huy giá trị của các di sản văn hóa địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc quê hương; đời sống của người dân chưa thực sự ổn định… Đây không chỉ là những thách thức đặt ra trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân đối với 6 huyện, thị xã mà còn là những khó khăn, thách thức đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 15, tôi sẽ cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kịp thời có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và tỉnh Thanh Hóa ban hành các chính sách, chủ trương tạo những điều kiện để 6 huyện, thị xã chúng ta khắc phục các khó khăn, vướng mắc, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.

T.H

Xuất bản: 3:12:05:2021:11:43

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM