14:46 07/08/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Trong khuôn khổ Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá tại Cảng biển Nghi Sơn, do UBND tỉnh tổ chức chiều 7-8, phóng viên Báo Thanh Hóa ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế nhằm mục tiêu phát huy tối đa dư địa khai thác Cảng biển Nghi Sơn, đưa Cảng biển Nghi Sơn trở thành cảng biển trọng điểm của khu vực và cả nước

Doanh nghiệp, nhà đầu tư "hiến kế" khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Trong khuôn khổ Hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá tại Cảng biển Nghi Sơn, do UBND tỉnh tổ chức chiều 7-8, phóng viên Báo Thanh Hóa ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế nhằm mục tiêu phát huy tối đa dư địa khai thác Cảng biển Nghi Sơn, đưa Cảng biển Nghi Sơn trở thành cảng biển trọng điểm của khu vực và cả nước

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Ông Lê Xuân Cương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá: Đơn giản hoá thủ tục thông quan, đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hoá và đầu tư, kinh doanh tại Cảng biển Nghi Sơn

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Ông Lê Xuân Cương, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị.

Hơn 15 năm kiến thiết, phát triển hạ tầng, xây dựng, vận hành, khai thác Cảng biển Nghi Sơn, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư…và các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng đầu tư, kinh doanh tại Khu Kinh tế Nghi Sơn theo phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Theo đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên quan để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển; kịp thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được thông suốt, thuận lợi.

Để tiếp tục tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất, nhập khẩu qua hệ thống Cảng biển Nghi Sơn, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, đồng hành với các hãng tàu, doanh nghiệp khi mở tuyến và thực hiện xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, dễ thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Cảng biển Nghi Sơn. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan thông qua triển khai hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS; vận hành Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tích cực thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng lộ trình đảm bảo 100% doanh nghiệp đã tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức khai báo điện tử. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh góp phần giảm thời gian thông quan, chi phí của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mô hình hợp tác, đối thoại hải quan - doanh nghiệp trên nền tảng doanh nghiệp là vị trí trung tâm; thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các yếu tố tác động gây khó khăn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, thông quan hàng hóa tại cảng Nghi Sơn để có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của doanh nghiệp, xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào một môi trường kinh doanh thuận lợi. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Thanh Hóa sẽ làm nhiệm vụ kết nối giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh cảng, đại lý làm thủ tục hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics… gặp gỡ, nắm bắt cơ hội kinh doanh qua địa bàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn…

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hoá thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Thanh Hóa cần có thêm những chính sách khuyến khích đặc thù

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hoá thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.

Tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Nghi Sơn đã được xác định là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Cảng biển Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và Cảng biển Nghi Sơn.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong phát triển Cảng Nghi Sơn, được cụ thể hóa rất rõ trong những chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh thu hút đầu tư cảng cũng như khuyến khích hàng hóa thông qua cảng. Việc tập đoàn CMA-CMG - một trong những tập đoàn đứng đầu thế giới về vận chuyển container quốc tế, đã quyết định mở hoạt động logistics, đưa các chuyến tàu container đến với Cảng biển Nghi Sơn là bước ngoặt quan trọng cho phát triển hệ thống Cảng biển Nghi Sơn, trở thành dấu mốc đưa Nghi Sơn từ một cảng nội địa thành cảng biển có tính chất quốc tế, khẳng định lợi thế và năng lực của Nghi Sơn hoàn toàn có thể tiếp nhận và xử lý hàng hóa container vận chuyển quốc tế.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được trên thực tế, để phát triển Cảng biển Nghi Sơn vẫn còn tồn tại rất nhiều những thách thức. Sản lượng hàng hóa tại chỗ của miền Trung nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng không nhiều. Kết cấu hạ tầng cảng biển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho cảng biển phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động, các dịch vụ liên quan đến logistics chưa hỗ trợ được nhiều cho chủ hàng, trong khi chi phí dịch vụ lại khá cao, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao; việc phát triển cảng biển và dịch vụ logistics chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn. Khả năng thu hút được hàng container còn hạn chế...

Việc phát triển Cảng biển Nghi Sơn thành cảng biển quốc tế sẽ cần phải có sự đầu tư rất lớn, và quan trọng là cần thu hút được thêm các hãng tàu cả quốc tế và nội địa về làm hàng tại cảng. Để làm được điều này, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung bộ cũng đang đẩy mạnh thu hút nguồn hàng qua các cảng, bên cạnh những giải pháp phát triển logistics của trung ương, tỉnh Thanh Hóa cần có thêm nữa những chính sách khuyến khích đặc thù nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ xử lý hàng hóa tại cảng biển, các hạ tầng bến bãi lân cận khu vực cảng biển; thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo nguồn hàng tại chỗ và thu hút, tận dụng được nguồn hàng từ Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan ra biển...

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh: Xây dựng được mức cước ưu đãi, cạnh tranh cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh.

Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch thành cảng đặc biệt, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ - Xuất khẩu Quang Minh chuyên sản xuất giấy thô và kinh doanh các loại nông sản xuất khẩu tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Hiện công ty có 3 nhà máy sản xuất, với công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động của cả Việt Nam và Lào với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, đơn vị thực hiện vận chuyển bằng đường bộ, vận chuyển hàng hóa đến các nước. Doanh nghiệp rất đang rất quan tâm tìm hiểu đầu tư để mở rộng dịch vụ tại khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tăng năng lực khai thác và đã tiến hành khảo sát tại Cảng biển Nghi Sơn trong vài năm gần đây.

Theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy phát triển dịch vụ tại Cảng biển Nghi Sơn có tiềm năng về lâu dài. Qua khảo sát cung đường và mặt hàng đi từ Cảng Nghi Sơn, chúng tôi nhận thấy chủ yếu hàng hóa đi và đến các quốc gia, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để xuất và nhập nguyên liệu sản xuất giấy xuất khẩu của doanh nghiệp tôi khá phù hợp.

Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn, tôi đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường kết nối các hãng tàu vận tải cùng hợp tác phát triển các loại hình dịch vụ tại đây để xây dựng được mức cước ưu đãi, cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp làm dịch vụ xếp dỡ tại cảng nghiên cứu áp dụng mức giá cạnh tranh so với các cảng ở các địa phương có cảng biển khác. Qua đó, góp phần giảm chi phí tổng thể, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục thông quan tại Cảng biển Nghi Sơn. Các đơn vị làm thủ tục thông quan cũng hỗ trợ thêm về thủ tục hành chính để các tàu giải phóng nhanh hàng hóa, giúp các doanh nghiệp nhận hàng nhanh chóng và giảm chi phí cho các hãng tàu.

Ông Nguyễn Hữu Hoan, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa: Cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng hải tại Cảng biển Nghi Sơn

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Ông Nguyễn Hữu Hoan, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa trình bày tham luận tại hội nghị.

Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ với hai bến tổng chiều dài 390m có thể đón tàu lên đến 7 vạn DWT giảm tải và hệ thống kho, bãi ngoại quan, kho chứa hàng, bãi container và bãi chứa hàng có tổng diện tích lên đến 15ha. Chính vì vậy đã thu hút được lượng hàng qua Cảng biển Nghi Sơn ổn định hằng năm lên đến 4,5 triệu tấn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang vận hành và khai thác 8 tàu dịch vụ công suất lên đến 4.000 HP, để lai dắt các tàu chở dầu thô và xuất thành phẩm cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong đó có những tàu trọng tải siêu lớn lên đến 320.000 DWT. Bên cạnh đó, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa cũng đã mở rộng và cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp, nhà máy trong Khu kinh tế Nghi Sơn, doanh nghiệp đã hình thành chuỗi dịch vụ logistics, đưa ra các giải pháp logistics door-to-door cho các doanh nghiệp XNK trong và ngoài tỉnh. Với nguồn lực về khai thác cảng như hiện tại, chúng tôi tin tưởng hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng XNK hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn.

Để góp phần vào việc phát triển dịch vụ cảng tại khu vực Nghi Sơn, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Thanh Hóa sớm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng hải bao gồm: nạo vét luồng Nam Nghi Sơn, mở rộng bán kính cong tại cảng để tiếp nhận tàu có tổng chiều dài trên 220m, để doanh nghiệp kinh doanh cảng có thể đón tàu đáp ứng nhu cầu khách hàng. Xây dựng mạng lưới kết nối, diễn đàn hoạt động thường xuyên, từ đó có định hướng kịp thời để doanh nghiệp cảng, hãng tàu, đơn vị xuất nhập khẩu có cơ hội tham gia, chia sẻ, nắm bắt thông tin nhằm xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư mạng lưới giao thông hiện đại kết nối trực tiếp từ Cảng biển Nghi Sơn đến các cụm công nghiệp, rút ngắn quãng đường và chi phí đường bộ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Bá Thi, đại diện Công ty TNHH Kuwait Việt Nam Petrochemicals: Kỳ vọng sẽ thực hiện xuất khẩu 100% lượng hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Ông Hoàng Bá Thi, đại diện Công ty TNHH Kuwait Việt Nam Petrochemicals phát biểu tại hội nghị.

Công ty TNHH Kuwait Việt Nam Petrochemicals (KVPC) là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đang thực hiện bao tiêu sản phẩm hạt nhựa polypropylene của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới từ 250- 300 nghìn tấn hạt nhựa, hiện diện trên 60 quốc gia ở khắp các thị trưởng Châu Á, Châu Âu, Mỹ và Mỹ La tinh.

Trong 7 tháng năm 2023, tổng lượng hàng công ty xuất khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn đạt hơn 30% tổng lượng hàng xuất khẩu, tăng gấp 6 lần so với năm 2021. Điều này cho thấy sự phát triển nhanh và mạnh, là kết quả đáng mừng đối với hoạt động XNK tại Cảng biển Nghi Sơn nói chung và với doanh nghiệp nói riêng khi tận dụng được lợi thế cảng cảng biển tỉnh nhà.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tại Cảng biển Nghi Sơn của doanh nghiệp, như: Hiện tại chỉ có 1 hãng tàu CMA khai thác Cảng biển Nghi Sơn với tần xuất 1 chuyến/ tuần, hạn chế về các tuyến, vì vậy chúng tôi chỉ xuất được đến 7 quốc gia qua Cảng biển Nghi Sơn. Bên cạnh đó, chưa có sự cạnh tranh về giá cước dẫn đến doanh nghiệp cũng không có nhiều lựa chọn, cơ hội xuất khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn trong việc xuất khẩu tại Cảng biển Nghi Sơn như thiếu container rỗng, quy trình thủ tục gắp vỏ container, nâng hạ container còn kéo dài thời gian, thiếu linh hoạt trong việc cấp container khiến doanh nghiệp khó chủ động sắp xếp xuất hàng…

Với sự hỗ trợ của tỉnh Thanh Hóa, cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, hãng tàu, cảng biển trong việc tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh hoạt động XNK, chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa có thể xuất khẩu 100% lượng hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn chứ không chỉ 30% như hiện tại.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá: Cần thêm các giải pháp nhằm đa dạng hóa chủng loại, mặt hàng xuất khẩu và tăng tần suất các chuyến vận tải qua Cảng biển Nghi Sơn

Doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” khai thác tối đa dư địa Cảng biển Nghi Sơn

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị.

Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp thực hiện XNK hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container quốc tế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp XNK hàng hóa bằng container qua Cảng biển Nghi Sơn. Tuy nhiên, hiện nay Cảng biển Nghi Sơn vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu qua cảng.

Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hoá đánh giá rất cao việc tỉnh kịp thời tổ chức hội nghị này để tìm ra các “điểm nghẽn”, từ đó, có giải pháp phù hợp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tăng cường làm thủ tục XNK tại Cảng biển Nghi Sơn.

Để tiếp tục tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn, Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa đề nghị tỉnh cần tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến Khu kinh tế Nghi Sơn và các tuyến đường trục chính có tính kết nối liên vùng.

Về vấn đề giá cước vận tải, đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục đấu mối, hợp tác, liên kết với các hãng tàu có lợi thế ở khu vực Đông Á cùng hợp tác, liên kết để hạ giá thành phí dịch vụ vận chuyển qua Cảng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm và duy trì bền vững hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn.

Tăng cường công tác giám sát các hoạt động xếp dỡ hàng hóa, hoạt động vận tải đường bộ, kiểm soát giá cước vận chuyển nội địa, bảo đảm tính ổn định, cạnh tranh công bằng, tránh việc chèn ép giá, gây đình trệ, bức xúc đối với các doanh nghiệp thực hiện XNK; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đa dạng hóa chủng loại, mặt hàng xuất khẩu và tăng tần suất các chuyến vận tải qua Cảng biển Nghi Sơn.

Đồng thời, tập trung theo dõi, đánh giá tình hình hàng hóa XNK, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cảng biển Nghi Sơn. Qua đó, nắm bắt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và các khu vực lân cận, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Cảng biển Nghi Sơn để có những giải pháp đáp ứng về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn…

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, tiếp nhận thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực XNK.

Nhóm PV Thời sự


Nhóm PV Thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]