NSND Hoàng Hải, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội VHNT Thanh Hóa là một trong 3 gương mặt văn nghệ sĩ xứ Thanh vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022 với cụm 4 tác phẩm: Kịch múa “Vĩnh biệt hoa anh túc”; tiết mục múa “Hò sông Mã” (đồng biên đạo múa NSND Hoàng Hải, NSND Lê Ngọc Cường); tiết mục múa “Hướng đăng”, tiết mục múa “Khúc khải hoàn” (đồng biên đạo múa NSND Hoàng Hải, Trịnh Xuân Định).

Với những dấu mốc cùng thành tựu đã đạt được trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, sẽ không phải là nói quá khi ví NSND Hoàng Hải như “cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật múa xứ Thanh. Nhưng bao giờ cũng vậy, ông luôn giữ một niềm đam mê cháy bỏng, tâm thế lao động nghệ thuật nhiệt thành, trách nhiệm, một lối sống thân tình, cởi mở. Ông chỉ xem mình như con ong cần mẫn, chăm chỉ tích cóp vị ngọt, chắt chiu, tôi luyện thành những giọt mật sánh quyện dâng đời. Điều quan trọng nhất, cái cốt lõi làm nên thành công trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của NSND Hoàng Hải, đó là sự gắn bó thủy chung với mạch nguồn, tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương.

Từng có thời gian phục vụ tại đoàn văn công, sau đó đi học và tốt nghiệp những ngôi trường danh giá về nghệ thuật: Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Nhạc viện Hà Nội, NSND Hoàng Hải trải bước chân mình trên mọi nẻo đường để thu thập tư liệu, kiến thức về dân ca, dân vũ xứ Thanh. Từ miền núi cao cho đến đồng bằng, ven biển, nơi nào có dân ca, dân vũ độc đáo, NSND Hoàng Hải đều đặt chân đến. NSND Hoàng Hải chia sẻ: “Xứ Thanh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Tinh hoa văn hóa ấy là tài sản, chất liệu quý báu để mỗi người nghệ sĩ, bằng tài năng, tâm huyết của mình, thỏa sức sáng tạo, chắp cánh bay cao vươn xa”.

Nhìn lại hành trình nghệ thuật của NSND Hoàng Hải nói chung, 4 tác phẩm vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhiều người băn khoăn tự hỏi: Là chất liệu tuyệt vời dân ca dân vũ quê Thanh đã làm nên tên tuổi NSND Hoàng Hải như đã có hôm nay? Hay chính sự tài năng, sức sáng tạo của người nghệ sĩ ấy đã nâng tầm dân ca dân vũ quê hương? Chẳng thể nào tách bạch bởi trong mỗi tác phẩm, cả hai dường như đã cùng hòa quyện, cùng thăng hoa, tỏa sáng.

Như cái cách NSND Hoàng Hải sử dụng chất liệu dân ca dân vũ Đông Anh để sáng tác nên tiết mục múa “Hướng đăng” độc đáo, đầy sáng tạo. Những động tác múa uyển chuyển, mượt mà kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Những điệu hò “dô tả dô tà” vừa mộc mạc, gần gũi vừa trữ tình, khi khoan thai lúc lại vang dội theo những chuyến đò dọc lả lướt đêm trăng được khắc họa trong tiết mục múa “Hò sông Mã”.

NSND Hoàng Hải là một trong những người rất thành công với múa Xuân Phả. Từ những năm 1972, ông đã tìm đến vùng đất “2 vua” Thọ Xuân, gặp gỡ những nghệ nhân gạo cội nhất của làng lúc bấy giờ suốt 2 tháng để cốt làm sao mở rộng hiểu biết, học được những nét độc đáo, hấp dẫn, hồn cốt của múa Xuân Phả. “Muốn đạt được sự sáng tạo thì mỗi tác giả phải là người nắm chắc cốt lõi căn bản. Thăng hoa được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng không có căn bản, nền tảng vững chắc thì không thể làm được”.

Chỉ riêng với Xuân Phả, NSND Hoàng Hải đã định hình những dấu mốc khó ai vượt qua. Còn nhớ, một “Vó ngựa Lam Kinh” quy tụ 150 diễn viên múa biểu diễn suốt quãng đường từ Quảng trường Ba Đình đến Nhà hát lớn Hà Nội suốt 4 tiếng đồng hồ trong sự trầm trồ, thán phục của người xem. Ông cũng là người đưa nét đẹp, độc đáo của múa Xuân Phả giới thiệu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, trong chương trình Hành trình văn hóa nổi tiếng một thời. Cũng chính những thành công với múa Xuân Phả đã góp phần đưa NSND Hoàng Hải đến với danh hiệu cao quý - Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Đến nay, nhiều người biết đến NSND Hoàng Hải không chỉ là nhà biên đạo múa mà còn là người chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ sáng tác, giảng viên bộ môn biên đạo dàn dựng múa tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và người mải mê, tâm huyết sưu tầm, bảo tồn và phát triển, đưa dân ca dân vũ xứ Thanh lên sân khấu chuyên nghiệp và gặt hái nhiều “trái ngọt”.

Những năm công tác tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, năm nào NSND Hoàng Hải cũng tổ chức đưa đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn tại vùng sâu, vùng xa, biên cương của Tổ quốc để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con dân bản nơi đây. Ông muốn đưa những lời ca, tiếng hát, điệu múa của quê hương đi khắp muôn nơi, tô thắm thêm cho đời. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi hỏi “sau thành công này, ông sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo của mình như thế nào?”, NSND Hoàng Hải ôn tồn nói: “Khi nào vẫn còn đủ sức khỏe, đủ minh mẫn, mình vẫn không ngừng cống hiến, theo nhiều cách khác nhau”. Đó cũng là cách ông nỗ lực từng ngày bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Trong mỗi bước đường vươn tới, ông vẫn nhớ mãi lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh (tên thật là Lê Văn Tĩnh), sinh ra và lớn lên ở làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang (nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân), mảnh đất lưu dấu nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống. Từ mạch nguồn ấy đã nuôi dưỡng, ươm mầm cho nhiều tên tuổi cất cánh bay cao, vươn xa trên hành trình VHNT như Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ…  

Bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ, đến nay, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã gây dựng cho mình một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Ông là tác giả của hơn 30 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, ký và thơ. Kí sự “Hàm Rồng… ngày ấy (2 tập, Từ Nguyên Tĩnh - Lê Xuân Giang); tập truyện ngắn “Mối tình chàng Lung mù”, “Trường ca Hàm Rồng”, tiểu thuyết “Cõi người”, “Truyền thuyết sông Thu Bồn”…

Với những người trẻ yêu thích công việc viết lách như chúng tôi, mỗi lần ghé thăm tư gia hay có dịp được ngồi trò chuyện cùng nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đều cảm thấy như mình được học hỏi, được truyền lửa sáng tạo. Ông vẫn thường khuyên nhủ: “Phải chịu khó học, chịu khó đọc, tìm tòi và biến những điều tích lũy được thành tri thức, vốn liếng để lớn lên với nghề”. Nghĩa là với ông, sự học là vô bờ bến, học theo nghĩa rộng lớn nhất của nó.

Đó có lẽ là kinh nghiệm mà ông đúc kết từ chính hành trình cuộc đời. Ông luôn hào sảng, bộc trực và có phần tếu táo rằng: Mình chỉ là “người nhà quê” - một “người nhà quê” đã đi qua đủ đầy thăng trầm và thăng hoa, đủ “bi hài trong cõi nhân gian”. Từ Nguyên Tĩnh bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình từ trong khói lửa chiến tranh. 10 năm sống và chiến đấu anh dũng trong làn mưa bom bão đạn bảo vệ cầu Hàm Rồng - góp phần cùng quân và dân Thanh Hóa viết nên bản anh hùng ca bất tử.

Ông làm thơ, viết báo, từng có những bài thơ, những bài báo phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1971, khi có chủ trương thành lập tổ viết sử của Trung đoàn 28, ông Từ Nguyên Tĩnh cùng các ông Lê Xuân Giang, Nguyễn Ngọc Khuê là những cái tên được lựa chọn. Từ anh lính “nhà quê” được “cất nhắc” lên tổ viết sử, ông Tĩnh có cơ hội gặp gỡ nhà cách mạng Lê Mạnh Trinh, lúc bấy giờ là Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng. Chính Lê Mạnh Trinh là người “vỡ lòng” cho anh lính nhà quê Từ Nguyên Tĩnh chuyện viết sử.

Cuộc đời luôn thử thách chúng ta với muôn vàn ngã rẽ. Cuộc đời đưa đẩy ông Tĩnh có thời gian làm cán bộ tuyên truyền của Tỉnh ủy Khánh Hòa, phục viên trở về quê chuẩn bị tay cày, tay cấy thì khăn gói quả mướp lên Hà Nội, thi đỗ vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Tốt nghiệp ra trường, ông Tĩnh cũng lặn lội tìm kiếm cơ hội, qua nhiều vị trí công tác, làm đến Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng xem như một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời.

Có một điều rất thú vị trong hành trình văn chương của Từ Nguyên Tĩnh. Hành trình ấy vốn khởi đầu bằng thơ, những sáng tác đầu tiên được biết đến cũng là thơ. Nhưng cuộc đời lại một lần nữa thử thách đặt ông vào ngã rẽ, chuyển hướng sang văn xuôi. Quãng thời gian 1989-1993, ông Tĩnh liên tục đăng tải các tác phẩm văn xuôi trên báo Văn Nghệ, dần định hình tên tuổi trong làng văn. Nguyên nhân của sự chuyển hướng ấy là gì? Ông Tĩnh điềm đạm nói: “Thơ kiệm lời mà mình lại có nhiều điều muốn tỏ bày. Hiện thực sống và chiến đấu cứ ngồn ngộn lên bao điều muốn nói”. Việc chuyển hướng sang viết văn tựa hồ như ông đang tìm một phương thức biểu đạt xác đáng nhất, thỏa mãn nhất cho tâm hồn.

Mỗi người cầm bút đều có một “vùng nguyên liệu”, một mảnh đất để thâm canh gieo mùa vụ. Từ Nguyên Tĩnh thử nghiệm mình ở nhiều lĩnh vực và cũng là một trong số ít những người có khả năng ghi được dấu ấn trên nhiều sân chơi như thế. Với thơ, chỉ tính riêng Trường ca Hàm Rồng, Từ Nguyên Tĩnh đã rất nổi bật. Ở địa hạt văn chương, độc giả nhớ mãi về kí sự “Hàm Rồng… ngày ấy” (2 tập, viết cùng nhà văn Lê Xuân Giang), những tác phẩm truyện ngắn thấm đẫm nhân văn, tình đời, tình người… Tiểu thuyết “Cõi người”, “Truyền thuyết sông Thu Bồn” khẳng định một tên tuổi sáng giá của nền văn xuôi hiện đại nước nhà.

Tập truyện ngắn “Mối tình chàng Lung Mù” (năm 1992) là thành quả từ “mối duyên đầu” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trên địa hạt văn xuôi. Và tròn vẹn 30 năm sau, tập truyện ngắn đầu tiên ấy đã đưa tên tuổi nhà văn Từ Nguyên Tĩnh lên tầm cao mới, trong niềm vinh dự và tự hào khi được trao tặng Giải thưởng cao quý - Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Với những ai dõi theo hành trình sáng tạo văn học đều yêu mến tài năng, khâm phục ý chí, nỗ lực, ham học hỏi của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Ông Tĩnh chia sẻ: Con đường đến với nghề viết nói chung có 3 yếu tố. Học trong trường lớp, tích lũy thực tiễn và quá trình gạn lọc thực tiễn ấy kết hợp với tư tưởng, sáng tạo để làm nên hình hài tác phẩm. Mấy ai trên cuộc đời này sinh ra đã có được thiên bẩm, phần nhiều là do nỗ lực, tự học hỏi, tự trau dồi. Khi ước mơ, sự tích lũy càng dày thì cơ hội chạm đến thành công càng cao. Và một điều quan trọng nhất đối với người cầm bút, là không được làm gì phản bội lại con người. Con người vẫn là gốc rễ của mọi sự sáng tạo. Có lẽ, chính quan điểm về nghề vừa mộc mạc, chân thực vừa sâu sắc, kiên định như thế đã làm nên vị thế của một Từ Nguyên Tĩnh trên văn đàn xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung.

Những ngày này, tư gia của Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (VHDG) Cao Sơn Hải luôn hân hoan tiếng nói, tiếng cười. Nhiều người thân, bạn viết ở xứ Thanh đến chúc mừng ông Cao Sơn Hải nhân dịp ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đời người trí thức, đó là một niềm vinh dự lớn lao biết chừng nào.

Nhà nghiên cứu VHDG Cao Sơn Hải sinh ra và lớn lên tại mường Voong, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, trong gia đình nông dân nghèo. Từ đồng đất quê hương, bên những áng xường rạo rực, say đắm, ngân nga của bà, của mẹ đã từng ngày nuôi lớn tâm hồn, tình yêu, ước mơ, khát vọng trong ông. Ông Hải nuôi lớn ước mơ trên từng con chữ, mong mỏi lớn nhất là được cống hiến sức mình làm giàu đẹp thêm cho quê hương, đất nước.

 Ông trải qua nhiều cương vị công tác: Dạy học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, hoạt động khuyến học… Dù ở bất kì cương vị nào, đứa con ưu tú của bản Mường ấy vẫn luôn giữ được cốt cách, vẫn không ngừng rèn luyện, trau dồi, không ngừng nỗ lực và cống hiến hết mình.

Trong lĩnh vực văn hóa dân gian Mường xứ Thanh, Cao Sơn Hải đã lừng lững ở đó một chân dung, tầm vóc với những công trình, tác phẩm ghi dấu ấn như: “Thành ngữ Mường”, “Những bài ca đám cưới Mường”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng”, “Lễ tục vòng đời người Mường”, “Luật tục Mường”, “Sử thi Đẻ đất đẻ nước - một cách tiếp cận, Truyện nàng Nga - đạo Hai Mối, Nàng Út Lót - đạo Hồi Liêu, truyện nàng Ờm - chàng Bông Hương… Dường như, cả cuộc đời hoạt động, ông chưa từng rời khỏi “nơi chôn nhau cắt rốn” - vùng văn hóa cội nguồn của mình.

Đây thực sự là những công trình nghiên cứu có giá trị to lớn về mặt khoa học, văn hóa - xã hội. Nó không chỉ góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất và người xứ Mường thông qua việc khái quát lại, chỉ ra cách hiểu, cách nhìn nhận, cách tiếp cận đúng về ngôn ngữ, luật tục, văn hóa dân gian Mường... Hơn hết, thông qua các công trình này, nhà nghiên cứu VHDG Cao Sơn Hải đã lan tỏa được tình yêu mến, trân trọng những tinh hoa văn hóa Mường tới đông đảo các tầng lớp trong xã hội; khơi dậy trong lòng họ ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Mường. Một điều đặc biệt trong hầu hết các công trình nghiên cứu của ông Cao Sơn Hải đó là luôn được biểu đạt dưới hình thức song ngữ - điều mà không phải ai cũng có đủ tâm và tài để xây dựng nên.

Bởi tấm lòng hết mực thủy chung, dốc lòng dốc sức như thế, ở tuổi 88, khi mái đầu đã bạc trắng thời gian, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT với chùm 3 tác phẩm: “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Lễ Pồn Pôông eng cháng” (song ngữ), truyện thơ “Nàng Út lót  -đạo Hồi Liêu” (tình ca dân tộc Mường, song ngữ)… Giải thưởng cao quý ấy là “quả ngọt” của cả một đời người tận tụy.

Nhìn những trang bản thảo đang dang dở trên bàn làm việc, cái cách ông Cao Sơn Hải hào hứng chia sẻ về dự định tiếp theo của mình, chúng tôi càng thấy cảm phục, trân trọng hơn. Dường như, ông không bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi trong hoạt động chuyên môn. Ông cho biết: “Tôi đang làm bản thảo 2 cuốn sách: Chữ Mường và Từ điển Mường. Mỗi cuốn xem chừng cũng vài trăm trang”.

Chẳng biết hành trình cuộc đời có thể đi đến bao lâu nhưng ông Hải vẫn cứ say mê, miệt mài với mong mỏi lớn nhất là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường.

Nội dung: Hương Thảo

Ảnh: Hoàng Đông

Đồ họa: Mai Huyền