Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có sứ mạng và mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, khu vực Nam Sông Hồng - Bắc Trung Bộ và cả nước. Trải qua 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là sự tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng như sự hợp tác hiệu quả, chất lượng theo chiều sâu với các đối tác trong và ngoài nước, Nhà trường đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, từng bước hội nhập với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và khu vực và đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
Chất lượng quản lý đào tạo ngày được tăng cường tương xứng với vị thế phát triển của Nhà trường và yêu cầu của xã hội. Nhà trường chú trọng vào công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới và phát triển Chương trình đào tạo. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên với trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học theo định hướng đại học ứng dụng. Hiện nay, Trường có 4 Phó giáo sư; 64 Tiến sĩ, 146 Thạc sĩ, ngoài ra còn có sự cộng tác tham gia giảng dạy và nghiên cứu thường xuyên của các GS, PGS, TS, chuyên gia kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo của Trường. Chương trình đào tạo luôn được cập nhật, bám sát nhu cầu xã hội, lấy người học làm trung tâm, chú trọng thực hành, rèn kỹ năng nghề, đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Chương trình đào tạo có sự tham gia góp ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
Một trong những nhiệm vụ được nhà trường đặc biệt chú trọng là công tác tuyển sinh. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của xã hội, xu hướng và dự báo thị trường lao động đối với các ngành, nghề và việc trường đang hướng đến tự chủ đại học nên nhà trường tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh, mở rộng thị trường tuyển sinh và các ngành/chuyên ngành đào tạo. Năm 2022, Nhà trường tuyển sinh 1 chuyên ngành Tiến sĩ Quản lý Văn hoá; 2 chuyên ngành Thạc sĩ (Thạc sĩ Quản lý Văn hoá và Quản lý công); 23 ngành/chuyên ngành đào tạo Đại học: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Thanh nhạc, Đồ họa, Thiết kế thời trang, Luật, Ngôn ngữ Anh, Quản lý Nhà nước, Công nghệ truyền thông, Quản lý Văn hoá (gồm 3 chuyên ngành: Chính sách văn hoá và quản lý nghệ thuật, Quản lý di sản văn hoá, Tổ chức sự kiện), Thông tin - Thư viện (gồm 3 chuyên ngành: Thư viện - Thiết bị trường học, Văn thư -Lưu trữ, Công nghệ thông tin ứng dụng), Du lịch (gồm 2 chuyên ngành: Quản trị du lịch, Hướng dẫn du lịch), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản lý Thể dục Thể thao, Công tác xã hội; 3 ngành trung cấp chính quy (Hội họa, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây) và 7 chứng chỉ sơ cấp nghề (Nghiệp vụ nhà hàng, Quản trị khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ lễ tân khách sạn, Nghiệp vụ buồng, May công nghiệp, Thiết kế đồ họa).
Tổng chỉ tiêu Nhà trường đăng ký là 2.252, bao gồm: Tiến sĩ, thạc sĩ, đại học chính quy, đại học liên thông chính quy, bằng đại học thứ 2, đại học liên thông vừa làm vừa học, trung cấp năng khiếu.
Năm 2022, Nhà trường tiếp tục tuyển sinh Đại học chính quy theo hai phương thức và khuyến khích học sinh Đăng ký xét tuyển theo cả hai phương thức để tăng tỷ lệ trúng tuyển, cụ thể như sau:
Điểm nổi bật trong môi trường đào tạo của nhà trường là: (1) Sinh viên được học tại môi trường giáo dục đại học thân thiện, hiện đại, được tham gia các hoạt động thực tập, thực tế, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học phù hợp với chuyên ngành đào tạo. (2) Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; giáo trình, tài liệu luôn được cập nhật; thư viện điện tử ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, truy cập internet tốc độ cao miễn phí... đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu thông tin và nghiên cứu cho người học. (3) Cơ hội trải nghiệm thông qua các chương trình học tập và thực tập, thực tế tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phù hợp. Vượt lên trên ưu thế đó, điều quan trọng nhất là sinh viên được học trong môi trường học tập phát huy tính sáng tạo - chủ động, xây dựng tinh thần tự học và luôn học hỏi để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Thông qua nhiều kênh tiếp nhận ý kiến, sinh viên cởi mở bày tỏ quan điểm, đồng thời đưa ra kiến nghị cho các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học và rèn luyện tại Trường. Điều này không chỉ thể hiện tư duy dân chủ, đổi mới của tập thể lãnh đạo Nhà trường, rút ngắn khoảng cách giữa người làm công tác quản lý và sinh viên, mà còn tạo cho sinh viên cảm nhận được vai trò chủ thể của mình trong hoạt động dạy và học tại trường đại học, từ đó ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình khi còn đang học tập và rèn luyện trên ghế nhà trường.
Sinh viên nhà trường đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong nhiều lĩnh vực: HSSV liên tục đạt giải cao tại các hội thi tiếng hát HSSV các trường chuyên nghiệp, các trường Văn hoá Nghệ thuật toàn quốc, giọng hát hay trên sóng truyền hình; hội thi, triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế; nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ghi nhận và đánh giá cao; gần đây nhất 03 sinh viên, học viên nhà trường đã dành được 04 huy chương vàng Seagame 31: (1) SV Nguyễn Duy Tuyến - Lớp Quản lý Thể dục thể thao K9 dành huy chương vàng môn Pencak Silat; SV Cao Thị Duyên - Lớp Quản lý Thể dục thể thao K10 dành 02 huy chương vàng nội dung lặn 100m đôi chân vịt đơn nữ và tiếp sức 4 x 100m vòi hơi chân vịt hỗn hợp nam nữ; HV Nguyễn Thị Hương - Lớp Cao học Quản lý Văn hóa K6 dành huy chương vàng môn Taekwondo hạng cân 73kg.
So với các trường đại học công lập khác, chi phí đào tạo của nhà trường phù hợp, chế độ ưu đãi cao (học bổng, trợ cấp xã hội, ký túc xá dành cho sinh viên ở xa ...). Nhà trường thực hiện triển khai nhiều ưu đãi về chế độ, chính sách học bổng hấp dẫn (30%, 50%, 100% học phí). Các ngành sư phạm chính quy 4 năm theo quy định của Nhà nước sinh viên nằm trong chỉ tiêu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và có đơn cam kết sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục tối thiểu 5 năm được miễn học phí và được nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo 3,63 triệu đồng/tháng . Nhà trường thực hiện cam kết đầu ra đối với các ngành thuộc lĩnh vực Du lịch, Thiết kế thời trang, Đồ họa... thông qua ký hợp tác đào tạo đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước; các ngành đào tạo khác Nhà trường sẽ hỗ trợ việc làm trong quá trình học tập và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.
Với bề dày truyền thống, uy tín, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; môi trường học tập năng động, linh hoạt; chú trọng thực hành, tăng cường trải nghiệm, đào tạo hướng theo nhu cầu xã hội; đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt huyết; Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ là sự lựa chọn tin cậy đối với người học./.
Nội dung & Ảnh: VH
Đồ họa & Trình bày: MH.