Triệu Thị Trinh - một người hùng tài, trí lực vượt trội, võ nghệ cao cường và mang chí khí, hoài bão lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm sinh ra ở làng Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định). Chứng kiến cảnh đất nước lầm than rơi vào tay giặc Ngô, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đứng lên dấy binh khởi nghĩa chống lại quân giặc.

Sau một thời gian chuẩn bị căn cứ, tập hợp lực lượng, chuẩn bị lương thảo... năm 248, từ vùng núi rừng Ngàn Nưa (thuộc địa phận huyện Triệu Sơn ngày nay). Bà Triệu cùng nghĩa quân đã tiến về xuôi và làm nên những chiến công oanh liệt tại căn cứ Bồ Điền, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), làm lung lay tận gốc rễ ách đô hộ tàn bạo của nhà Ngô. Mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng, song cuộc khởi nghĩa là minh chứng hùng hồn cho tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trước các thế lực ngoại xâm. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa đã thêm vào trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một tên tuổi lớn: “Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh”. Để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, Nhân dân đã lập đền thờ Bà dưới chân núi Gai; xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng. Đặc biệt, người dân làng cổ Phú Điền còn tôn Bà là Thần Hoàng làng và thờ tại đình làng Phú Điền.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là sự kết hợp giữa các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp. Quần thể này bao gồm các hạng mục công trình liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và nơi thờ tự Bà, bao gồm: Đền Bà Triệu; lăng mộ Bà Triệu; mộ ba ông tướng họ Lý; miếu Bàn Thề; đình Phú Điền và đền Đệ Tứ. Toàn bộ quần thể di tích được quy hoạch trên diện tích 3,8 ha, thuộc địa phận xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Trong đó, nổi bật và giàu giá trị nhất là Đền Bà Triệu.

Có nhận định cho rằng, về lịch sử xây dựng, Đền Bà Triệu phải có trước năm 549 và Bà cũng là người phụ nữ phong kiến Việt Nam đầu tiên được phong Thần. Về sau Bà còn được các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê - Nguyễn sắc phong thần linh và là Phúc thần của làng Phú Điền.

Đền Bà Triệu được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với bố cục tổng thể từ ngoài vào trong: Cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung.  Tiền đường rộng 3 gian. Gian giữa tiền đường thờ bách gia trăm họ, hai bên thờ thánh cô, thánh cậu. Điểm nhấn đặc biệt ở tiền đường là những cây cột đá cổ có kiến trúc khá độc đáo và đặc biệt.

Qua tiền đường là trung đường, với 5 gian rộng rãi, gian giữa thờ Bà Triệu, phía trên là hai bức đại tự, bức phía trong ghi chữ “Thánh cung vạn tuế”; hai bên cột cái có câu đối: “Tượng đài kim hạt sanh Ngô tướng/ Cổn Vũ Long chương hộ quốc thần” (dịch nghĩa: Lúc bình sinh áo vàng cưỡi trên đầu voi là tướng đánh giặc Ngô/ Khi mất hóa thần, mình khoác áo Long Cổn, là vị thần bảo vệ cho đất nước); còn cột quân cũng có đôi câu đối: “Nữ thủ quân qua danh trấn cổ/ Tượng đầu trước lũ tích ô kim (dịch nghĩa: Nữ hào kiệt xuất quân ra trận tiếng tăm chấn động năm xưa/ Ngự trên đầu voi dẹp giặc chứng tích còn đến ngày nay).

Hậu cung Đền Bà Triệu nằm ở vị trí cao và sâu nhất, với kiến trúc bằng gỗ, gợi cảm giác uy nghi, trầm mặc. Gian giữa thờ Bà Triệu, bên tả thờ thân mẫu, bên hữu thờ thân phụ Bà. Nơi này được gọi là cấm cung, và thông thường, chỉ duy nhất người trông giữ đền được vào làm nhiệm vụ. Nối giữa tiền đường, trung đường và hậu cung là những bậc tam cấp, với các cặp rồng đá uốn lượn, uy nghi chầu phục.

Không gian kiến trúc Đền Bà Triệu được bố cục hài hòa, uyển chuyển, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng. Trải qua biết bao thế hệ, đến nay Đền Bà Triệu đã được “hồi sinh” với một diện mạo bề thế, khang trang, là điểm đến tâm linh bậc nhất xứ Thanh, thu hút đông du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Cách Đền Bà Triệu không xa là đình làng Phú Điền. Đây không chỉ là một công trình văn hóa - kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và giàu giá trị, đình làng Phú Điền còn là nơi lưu giữ và trao truyền lịch sử, những dấu tích về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và Nhụy Kiều tướng quân; là nơi để Nhân dân làng Phú Điền thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn đối với Bà Triệu và cầu mong những điều tốt đẹp, bình an đến với gia đình và đất nước. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Thời gian đầu đình làng được xây dựng ngoài rìa làng. Sau khi đình cũ bị hư hại, vào thời Nguyễn, Nhân dân đã lựa chọn thế đất cao giữa làng, góp tiền, góp sức xây dựng đình làng và gìn giữ đình làng đến ngày nay.

Đình được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo, trạm khắc tinh vi thể hiện bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa lúc bấy giờ. Đình được xây dựng theo lối cấu trúc hình chữ Đinh quy mô bề thế với 5 gian và 6 vì kèo gỗ. Tiền đường có cấu kiện kiến trúc được chạm trổ khá tinh xảo với nhiều mảng chạm khắc truyền tải nội dung ấn tượng. Nhà Hậu cung được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian 2 trái cùng các vì kèo gỗ kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy”.

Theo lệ hàng năm, gần ngày giỗ của Bà Triệu, từ mùng 1 đến 24-2 âm lịch, bà con trong làng ra đình và đền thờ để dâng lễ tưởng nhớ tỏ lòng thành kính, công ơn của Bà Triệu. Lễ phẩm dâng Bà Triệu được Nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ đầy với các loại bánh, trái, xôi, gà. Việc tổ chức lễ hội, đặc biệt vào những năm chẵn, được làng chuẩn bị rất cẩn thận, long trọng và thường kéo dài từ ngày 19 đến hết 23-2 mới làm lễ yên vị. Vào chính lễ, tại đình làng không chỉ diễn ra các nghi lễ truyền thống mà người dân còn tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc của làng Phú Điền như: nấu cơm thi, đánh đu dây, đánh cờ người... Ngoài ra, vào ngày 2-10 âm lịch hàng năm (tương truyền là ngày sinh của Bà Triệu) người dân làng Phú Điền tổ chức Lễ cơm mới, mừng ngày bà sinh. Nhà nào cũng chuẩn bị lễ vật tươm tất lên đình để dâng Thành Hoàng làng, thể hiện lòng biết ơn đối với Bà.

Nằm trong Quần thể di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, khu lăng mộ của Bà và mộ ba ông tướng họ Lý là nơi in đậm dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa. Khu lăng mộ Bà Triệu và ba anh em họ Lý được quy hoạch thành một tổng thể thống nhất. Khu vực tâm linh này được bao bọc bởi hệ thống cây xanh bốn mùa, tạo nên khung cảnh vừa tĩnh lặng, vừa hữu tình. Từ chân núi, muốn đến với khu lăng tháp, sẽ phải vượt qua hơn 300 bậc đá quanh co, dốc đứng. Khi lên đến những bậc đá cuối cùng, không gian thoáng đãng mà linh thiêng của khu lăng tháp hiện ra trước mặt. Chính tại đỉnh núi này, 1.775 năm về trước, Bà Triệu đã cùng nghĩa quân tử chiến đến phút cuối cùng với quân xâm lược. Trên lăng mộ Bà, dường như khói hương chưa bao giờ ngưng tắt. Và ngọn tháp sừng sững giữa trời, bao năm tháng thi gan cùng tuế nguyệt, như minh chứng cho tinh thần anh dũng quật cường và khí tiết oanh liệt nghìn thu của người nữ anh hùng dân tộc.

Được xem là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, các di sản văn hóa nói chung, trong đó có Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng cao của Nhân dân, cũng như góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nhiệm vụ đặt ra cho hậu thế.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc phục hồi, tôn tạo di tích, năm 1979 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận quần thể tưởng niệm Bà Triệu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đến năm 1996 công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đối với đình làng Phú Điền. Đặc biệt, ngày 28-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo kết luận về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Trên cơ sở hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích lịch sử Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, do Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-CT ngày 27-1-2004 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đến nay, về cơ bản các hạng mục công trình của quần thể di tích đã được trùng tu, tôn tạo và có diện mạo khang trang, bề thế như hiện nay.

Với những giá trị độc đáo, linh thiêng cùng sự trường tồn với thời gian, quần thể di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu đã chứng minh giá trị tự thân trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Để rồi, trở thành mạch nguồn dưỡng nuôi đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Nội dung và ảnh: Nhóm PV CT-XH

Đồ họa: Mai Huyền