Item 1 of 4

Từ những năm 90, miền cát cháy Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn ngày nay) đã được các tổ chức, đối tác Nhật Bản đánh giá cao. Khi ấy, Cảng Nghi Sơn mới hình thành sơ khai những hạng mục đầu tiên. Trong một chuyến khảo sát thực địa, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các doanh nghiệp (DN) đã từng nhận định rằng, Nghi Sơn có tiềm năng xây dựng một cảng nước sâu chuyên dụng. Cùng với việc đầu tư các cơ sở hạ tầng kết nối, sẽ là cơ hội để nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Đi trước một bước, năm 1997, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn - công trình có nguồn vốn Nhật Bản, với số vốn 650 triệu USD được đầu tư xây dựng. Đây cũng là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên trên vùng đất xứ Thanh, là dấu mốc đặt nền móng cho những thành công của tỉnh Thanh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Sau thành công của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, từ những năm đầu thập niên 2000, “siêu dự án” Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (LHLHDNS) cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản và các bên liên doanh triển khai những công việc đầu tiên. Với tổng mức đầu tư gần 9,3 tỷ USD, LHLHDNS là dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam tại thời điểm xây dựng. Đây là tổ hợp chế biến sâu tầm cỡ thế giới và phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực, với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Trong cơ cấu nguồn vốn của dự án - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), các nhà đầu tư Nhật Bản chiếm tới hơn 40%. Trong đó, Công ty Idemitsu-Nhật Bản đầu tư 35,1% và Mitsui Chemicals-Nhật Bản đầu tư 5,7%.

Từ khi đi vào vận hành chính thức (tháng 11-2018), mặc dù có những thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới, do kết cấu, công nghệ phức tạp của nhà máy, nhưng NSRP luôn nỗ lực tái cấu trúc để vận hành dự án hiệu quả. Thống kê từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, từ chuyến tàu đầu tiên mang tên Millenium năm 2017 đến chuyến tàu mang tên Viễn Thuỵ Dương cập Cảng Nghi Sơn vào ngày 8-3-2023 vừa qua, đã có 150 chuyến tàu chở gần 41 triệu tấn dầu thô từ đất nước Cô-Oét cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với số thu thuế từ nhập khẩu dầu thô đạt hơn 49.000 tỷ đồng. Trong năm 2022 vừa qua, LHLHDNS đã đóng góp 18.000 tỷ đồng thuế nhập khẩu và 5.000 tỷ đồng thuế môi trường cùng các loại thuế khác cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Bước tăng trưởng quan trọng này đã đánh dấu bước ngoặt đưa tỉnh Thanh chính thức gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách từ 50.000 tỷ mỗi năm. Số thu ngân sách từ dự án này sẽ còn tăng lên nhiều lần nếu các hạng mục đầu tư tiếp theo của dự án được thực hiện theo kế hoạch.

Không chỉ đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu xăng dầu trong nước, từng bước hiện thực hóa chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, LHLHDNS còn tạo tiền đề căn bản cho nhiều ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển. Tại đây, đã có 12 sản phẩm lọc dầu, hóa dầu được sản xuất và xuất bán ra thị trường như: Khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa, Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh. Các sản phẩm hóa dầu này sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chế biến để sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Dư địa của ngành công nghiệp lọc dầu - hóa dầu vẫn còn rất nhiều với dự định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong chiến lược đầu tư 4 trung tâm dầu khí trọng điểm quốc gia, trong đó, lấy Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm của miền Bắc và LHLHDNS làm hạt nhân.

Trong chuyến làm việc cuối năm 2020 với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN đánh giá: “Cùng với xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn làm khu liên hợp dầu khí trọng điểm miền Bắc, PVN sẽ phát triển thêm các DN dầu khí phụ trợ để phát triển đầy đủ các ngành như phân phối kinh doanh sản phẩm hóa dầu, xây dựng hệ thống cảng, tổng kho phân phối các sản phẩm khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu,... Đặc biệt, PVN sẽ xây dựng khu chế biến khí và cung cấp khí hóa lỏng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khu công nghiệp trong vùng theo đúng định hướng phát triển năng lượng xanh của Chính phủ. Nếu mục tiêu này thành hiện thực, Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm dầu khí như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”.

Item 1 of 4

Sau gần 4 năm LHLHDNS chính thức đi vào hoạt động, trong những ngày tháng 8 mùa thu lịch sử của năm 2022, Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục chào đón dự án “tỷ đô” thứ 2 do Nhật Bản liên danh với các nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng đi vào vận hành - Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Sau 18 triệu giờ công an toàn, mồ hôi, tâm huyết của hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư và công nhân, 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 hòa lưới điện quốc gia thành công lên đường dây 500KV Bắc - Nam, đưa thêm 7,8 tỷ Kwh điện từ Nghi Sơn đi khắp đất nước Việt Nam. Dự án do Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. “Đây là một trong số rất ít nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn (USC) với hiệu suất cao, góp phần giảm tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. NS2PC hướng tới sẽ khởi động vận hành xanh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26” - ông Hirohide Sagara, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) đã khẳng định về công nghệ “sản xuất xanh” trong lễ khánh thành nhà máy.

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa, tạo thêm việc làm cũng như triển khai hiệu quả nhiều chương trình sinh kế, an sinh xã hội cho Nhân dân vùng dự án. Sự kiện của nhà máy đã góp phần hiện thực hóa lộ trình đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, với kỳ vọng cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và khoảng 6 triệu hộ gia đình.

Hiện nay, trong số 141 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký đầu tư 14,415 tỷ USD thì 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chiếm tới 86% số vốn (12,532 tỷ USD). Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Sức lan tỏa của những dự án lớn như LHLHDNS, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn,... đã tạo ra “lực hấp dẫn” thu hút nhiều dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và tỉnh Thanh Hóa trong hiện tại và tương lai.

Cùng với những dự án trong lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến - chế tạo, nhiều nhà máy may có vốn đầu tư bằng nguồn vốn Nhật Bản cũng được đầu tư xây dựng với quy mô công suất lớn, điển hình như Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH Nomura Thanh Hóa, Công ty TNHH Yotsuba, Công ty TNHH Sunhomes Laboratory Việt Nam... đang tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong tỉnh, với giá trị hàng hóa xuất khẩu cao và đóng góp tích cực cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa.

Nhật Bản - 1 quốc gia khó tính, thận trọng khi nghiên cứu, lựa chọn đầu tư dự án đã lựa chọn Thanh Hóa là “bến bờ” của những “siêu dự án”. Thành công này là kết quả của tình hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Đó cũng là “trái ngọt” từ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, đối tác, nhà đầu tư trong hành trình đồng lòng vươn tới trung tâm công nghiệp cấp vùng của tỉnh Thanh.

Item 1 of 5

Nội dung: Minh Hằng

Ảnh: Nhóm PV phòng Kinh tế

Đồ họa: Mai Huyền