"Thương vụ này tiếp cho tôi rất nhiều adrenaline, tôi đến đây với quyết tâm giành được danh hiệu Champions League, thậm chí là cú ăn đôi với Milan".

Đó là những lời khẳng định chắc "như đinh đóng cột" của Ibrahimovic, "gã giang hồ Balkan" của đội tuyển Thụy Điển, phần còn lại, như chúng ta đã biết, chính là lịch sử.

Dù AC Milan sau đó không thể giành được cú ăn đôi vì thất bại trước Tottenham ở vòng 16 đội, một trận đấu đã trở thành kinh điển vì pha "túm cổ" của Gennaro Gatttuso với trợ lý Joe Jordan bên phía “Gà Trống”, nhưng có thể nói, mùa giải đầu tiên của Ibrahimovic là một mùa giải thành công với cá nhân anh, nhất là khi xét đến sự đi xuống của AC Milan trong quãng thời gian đó.

Đến với AC Milan, khi đội bóng này đang trong giai đoạn suy tàn, nhưng Ibrahimovic chưa bao giờ nản chí. Ở mùa giải đầu tiên, anh ghi được 14 bàn, thực hiện 11 pha kiến tạo, con số có thể được xem là đỉnh cao với một cầu thủ đã bước vào tuổi 30 như anh. Sang đến mùa giải tiếp theo, Ibrahimovic có được 28 bàn thắng và 6 kiến tạo sau 32 trận ra sân ngay từ đầu cho AC Milan. Thật đáng tiếc cho Ibra khi AC Milan của anh trắng tay ở mùa giải đó.

Không biết có phải vì số phận của anh là dành cho những “đế chế suy tàn” hay không mà Ibrahimovic rất có duyên với những đội bóng như thế. Sau AC Milan là Manchester United, đội bóng khi đó đang đặt những viên gạch đầu tiên cho một cuộc cải tổ sâu rộng thời hậu Sir Alex Ferguson.

Mùa giải 2016-2017 có thể được xem là một mùa giải đáng nhớ với NHM Man United vì hai "vụ nổ". Vụ nổ thứ nhất đó là Jose Mourinho, "Người Được Chọn" thực sự của sân Old Trafford, đến với cái nơi mà người ta luôn nghĩ ông thuộc về. "Vụ nổ" thứ hai, đó là Paul Pogba, "đứa con hoang đàng" trở về với sân Old Trafford sau những tháng ngày gặt hái thành công trong màu áo Juventus.

Thế rồi, Ibrahimovic đến với sân Old Trafford. Một "quả bom" dường như át hết tầm ảnh hưởng của hai "vụ nổ" trước đó. Những người làm bóng đá Anh thời điểm 7 năm trước khó có thể tin được Ibra, người khi đó đã bước vào tuổi 35, lại quyết định chọn Premier League, một giải đấu có thể được xem là khắc nghiệt nhất Châu Âu, làm bến đỗ tiếp theo cho sự nghiệp của mình.

Làm sao một "ông lão" có thể thích nghi được với lối đá cường độ cao tới chóng mặt của Premier League? Cái giải đấu từng được người ta nói rằng "đến Lionel Messi cũng không thể tồn tại" được ? Đây chính là câu trả lời của Zlatan Ibrahimovic: 17 bàn thắng, 5 kiến tạo sau 28 trận, trong đó có đến 27 trận là anh vào sân từ đầu ở Premier League, cùng với đó là 2 danh hiệu Carabao Cup và UEFA Europa League ở mùa giải đó.

Cũng là một gã kiêu ngạo, cũng là một cầu thủ có cái tôi lớn, cũng đến với Man United khi đã bước qua sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Nhưng vì sao Ibrahimovic lại chiếm trọn sự yêu thương của người hâm mộ Man United khi đó? Hóa ra, anh không hoàn toàn kiêu ngạo như người ta vẫn nói! Ibrahimovic có thể tuyên bố "tôi là chúa ở thành Paris", anh có thể ghi những bàn thắng cực kỳ đẹp từ khoảng cách ngoài vòng cấm như cái cách anh biến Joe Hart thành "phông nền" cho siêu phẩm của anh ở trận giao hữu giữa Anh và Thụy Điển cách đây 11 năm trước. Nhưng mỗi khi vào sân, anh luôn là người đóng góp cho các đồng đội và là một phần của tập thể.

Có được quãng thời gian tạm gọi là tươi đẹp ở Man United, nhưng có một điều mà Ibrahimovic không thích ở Man United, đó là nửa đỏ thành Manchester sống dựa vào quá khứ nhiều tới mức phát chán. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với trang tin The Guardian, Ibrahimovic đã chia sẻ như sau về cái căn bệnh "sống chết trong quá khứ" của Man United:  "Ở đó người ta nói quá nhiều về quá khứ. Lúc mới đến, tôi nói với họ rằng: "Tôi đến đây để tập trung vào hiện tại và để viết lên câu chuyện của mình". Nhưng khi bạn tập trung quá nhiều vào quá khứ, nó sẽ trở thành một vòng lặp. Vậy nên, bạn phải tập trung vào hiện tại, nếu không thì vào viện tâm thần mà chữa".

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, khi được yêu cầu nhận xét về Premier League, giải đấu vẫn luôn khiến người Anh tự hào, Ibrahimovic đã đưa ra một câu trả lời có thể khiến NHM của hạng đấu cao nhất “xứ sở Sương mù” cảm thấy buồn lòng: "Premier League bị đánh giá quá cao về mặt kỹ năng. Tuy vậy, nó vẫn có những cái "chất" riêng: nhịp độ trận đấu, tốc độ trận đấu. Có thể anh là cầu thủ hàng đầu thế giới, nhưng nếu không kiểm soát được hai thứ này, anh sẽ trở thành "gã thất bại" ngay lập tức. Ở giải Tây Ban Nha, Italia hay Pháp, người ta chú trọng kỹ năng  nhiều hơn, chính vì vậy mà Premier League có nhiều cầu thủ ngoại đến vậy. Có thể nói, họ là những người đem đến yếu tố kỹ năng cho Premier League".

Ở Serie A, việc một cầu thủ thi đấu đủ lâu để chơi với con của đồng đội cũ không phải là điều gì đó hiếm gặp. Gianluigi Buffon chính là một điển hình cho điều này. Thủ môn người Italia đã từng thi đấu bên cạnh Enrico Chiesa và Lilian Thuram khi cả ba cùng khoác áo Parma. Cho đến khi đã bước vào tuổi 45, thủ thành huyền thoại này vẫn ra sân để đối mặt hay sát cánh cùng con trai của những đồng đội cũ ở Parma như Marcus Thuram, con trai của Lilian Thuram hay Federico Chiesa, con trai của Enrico Chiesa.

Zlatan Ibrahimovic cũng có được vinh dự đó. Anh đối đầu với Paolo Maldini khi anh còn thi đấu cho Juventus. Còn trong lần trở lại màu áo đỏ-đen của thành Milan, anh được sát cánh bên cạnh con trai của Paolo Maldini, đó là Daniel Maldini. Chỉ khác là thay vì chơi ở vị trí hậu vệ như bố của mình, chàng trai 22 tuổi này lại thi đấu ở vị trí tiền vệ công.

Vậy, có gì khác giữa Paolo Maldini, đối thủ của Ibra, và Daniel Maldini, đồng đội của Ibra? “"Thằng cu là một gã "trai tốt" đúng nghĩa. Còn ông bố của nó thì, nếu lão ấy muốn giết bạn, lão ấy sẽ giết bạn luôn đấy. Tôi lấy làm vui khi họ không giống nhau vì áp lực của đứa con khi bị so sánh với bố nó là rất lớn, nhất là khi bố nó có sự nghiệp vĩ đại như thế. Chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ thằng bé. Nó là tài năng lớn đấy, nhưng tôi cũng căn dặn nó: "Mày cứ chơi tốt vào, chiến đấu hăng say vào, rồi đến một ngày nào đó, chú tin là mày sẽ trở thành đầu lĩnh". Tôi rất hạnh phúc khi được đối đầu với bố thằng cu rồi sau đó trở thành đồng đội của nó. Có lẽ, một ngày nào đó, tôi sẽ được thi đấu chung với con của Daniel".

Lần đầu đặt chân đến với Milan, Ibrahimovic đối mặt với một sân San Siro đang đi đến bờ vực của sự suy tàn, một AC Milan hỗn loạn tới mức phải đổi chủ tới hai lần, một AC Milan bao gồm những cầu thủ đang bước vào sườn dốc bên kia sự nghiệp, cùng với đó là những chàng trai trẻ thiếu kinh nghiệm. Thì trong lần trở lại thứ hai, anh được thi đấu ở một tập thể trẻ trung đang trong quá trình xây dựng lại hình ảnh của mình. Nhờ đó mà ở mùa giải thứ ba thi đấu cho AC Milan tính từ lần trở lại sân San Siro, anh đã đem về danh hiệu Scudetto, danh hiệu mà đội bóng sọc đỏ-đen đã khao khát trong một thập kỷ có lẻ.

Ngày trở lại huy hoàng, ngày ra đi của anh cũng huy hoàng không kém. Trong lễ tri ân của CLB dành cho biểu tượng một thời của mình, đã có những người hâm mộ đến sân ngày hôm đó phải rơi nước mắt trước giây phút chia tay thần tượng của mình. Bản thân Ibrahimovic cũng đã phải rơi nước mắt, có cảm giác ngày hôm đó anh không phải là cái gã đã từng tuyên bố mình là “vị thần của Paris”, mà chỉ đơn giản là Ibrahimovic, người đã từng "làm mưa làm gió" trên các sân cỏ Châu Âu.

Tạm biệt Ibrahimovic cũng chính là tạm biệt một thế hệ cầu thủ đã từng khiến cho không biết bao cậu bé 9X chúng ta phải "mất ăn mất ngủ", thậm chí trốn cha mẹ để xem bóng đá đêm trên chiếc TV nhòe màu năm nào. Tạm biệt Ibrahimovic cũng chính là tạm biệt một cá tính nổi bật của bóng đá thế giới, một thứ cá tính đã từng khiến cho Pep Guardiola phải cảm thấy khó chịu, một cá tính "độc nhất" trong bóng đá hiện đại.

Có thể người ta sẽ nhớ tới Ibrahimovic theo những cách khác nhau. Có người sẽ nhớ đến anh như chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới, có người sẽ nhớ tới anh như một gã "lắm mồm" hay khoác lác của bóng đá thế giới. Nhưng dù có thế nào đi nữa, người ta cũng sẽ phải công nhận rằng: Ibrahimovic đã sống một đời trọn vẹn vì bóng đá, đã cống hiến hết mình cho các đội bóng mà anh từng khoác áo.

Ibra vô song là vậy, nhưng có lẽ, khi khép lại sự nghiệp vĩ đại của mình, "gã giang hồ Balkan" sẽ có chút tiếc nuối khi anh không thể đem vào phòng truyền thống đồ sộ của mình hai danh hiệu, đó là Champions League, danh hiệu cao quý nhất ở cấp CLB của bóng đá Châu Âu, và danh hiệu World Cup, danh hiệu cao quý nhất ở cấp độ ĐTQG của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, việc không có hai danh hiệu này cũng không thể thay đổi một sự thật, đó là Ibrahimovic sẽ luôn được nhớ tới, sẽ luôn được nhắc tên mỗi khi người ta nói đến một cầu thủ "đặc biệt" trong làng túc cầu, một cầu thủ không chỉ để lại dấu ấn bên trong sân cỏ mà còn ở bên ngoài sân cỏ. 

Có lẽ, để kết thúc cho bài viết này, chúng ta sẽ cùng đọc lại những dòng nhận xét của Mino Raiola, một người đại diện cũng cá tính không kém Ibrahimovic, về thân chủ của mình trong một cuộc phỏng vấn cho kênh Radio RMC Sport của Pháp:  "Zlatan còn hơn cả khách hàng của tôi đấy, nó là cả con tim của tôi. Nếu tôi nghĩ nó không đủ giỏi để chơi ở Pháp hay bất cứ nơi đâu, tôi đã ngăn nó ngay rồi. Nhưng tôi tin nó vẫn là tiền đạo tốt nhất thế giới thời điểm hiện tại. Nó "ngon" hơn bất cứ thằng cầu thủ nào. Nó ngon hơn Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Đó là ý kiến của cá nhân tôi và tôi có quyền nói thế. Tôi không biết trần đời này có ai cao 1m93 mà đá giỏi như Messi và khỏe như Ronaldo không nữa?".

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền