Phóng viên (P.V) Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Minh Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa. Dưới đây là nội dung:
Đồng chí Lê Minh Nghĩa: Quy hoạch giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, vùng và cả nước. Vì vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực thực hiện, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngay sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên là giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành đơn vị cấp tỉnh, có trách nhiệm xây dựng các phương án phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích hợp vào quy hoạch; do đó, ngay từ những bước đầu triển khai lập Quy hoạch tỉnh đã có sự tham gia tích cực, đầy đủ của các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Công tác tổ chức lấy ý kiến tham gia vào quy hoạch, lấy ý kiến thành viên hội đồng thẩm định quy hoạch được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc; UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ các sở, ngành cấp tỉnh đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để trực tiếp giải trình các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý, từ đó sớm có ý kiến tham gia bảo đảm chất lượng, thời gian và tiến độ lập quy hoạch.
Một nguyên nhân quan trọng khác đó là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến quá trình tổ chức lập Quy hoạch tỉnh cũng như các nội dung của quy hoạch. Qua mỗi bước thực hiện, UBND tỉnh đều báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh, từ đó tạo sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác quy hoạch; đồng thời, tạo cơ sở để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất của tất cả các cấp, các ngành, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, tỉnh thứ 6 được hội đồng thẩm định thông qua quy hoạch và tỉnh thứ 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27-2-2023.
Đồng chí Lê Minh Nghĩa: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy hoạch đầu tiên của tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch; do đó, quá trình xây dựng quy hoạch có nhiều điểm đặc biệt, mới so với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trước đây. Điểm đầu tiên đó là Quy hoạch tỉnh được xây dựng có sự tham gia của tất cả các sở, ngành cấp tỉnh, phương án phát triển của từng ngành, lĩnh vực đều được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh mà không cần phải xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, trừ các quy hoạch về xây dựng, đất đai theo quy định của Luật Quy hoạch. Theo thống kê, trước đây cả tỉnh có trên 100 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhưng nay đã tích hợp hết vào Quy hoạch tỉnh, từ đó bảo đảm tính đồng bộ, logic trong tổ chức thực hiện.
Tiếp theo đó là nội dung tích hợp, Quy hoạch tỉnh được lập chú trọng nhiều hơn đến phương án, định hướng phát triển chung cho các ngành, lĩnh vực, không đi sâu vào phân tích, đánh giá, định hướng phát triển từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm cụ thể; đồng thời, quan tâm hơn đến việc bố trí không gian phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị và nông thôn gắn với phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai nên vừa bảo đảm được sự linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm được định hướng phát triển chung của cả tỉnh.
Một điểm đặc biệt nữa đó là Quy hoạch tỉnh đã định hình được tỉnh Thanh Hóa theo từng thời kỳ; theo đó, đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Đây là lần đầu tiên mục tiêu phát triển thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Bác khi về thăm Thanh Hóa được đưa vào Quy hoạch tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đồng chí Lê Minh Nghĩa: Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% trở lên, đây là mục tiêu phấn đấu rất cao trong bối cảnh kinh tế cả nước nói chung, kinh tế của tỉnh nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quá trình lập quy hoạch đã đánh giá đầy đủ các cơ sở để đạt được mục tiêu trên, đó là: Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên cơ sở những kết quả, thành tựu trong phát triển kinh tế đã đạt được của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020, đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để tỉnh phát huy những kết quả đạt được trong những năm tiếp theo. Thứ hai, Thanh Hóa vẫn còn nhiều dư địa, lợi thế nổi trội để tiếp tục phát triển đa ngành, đa nghề, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch và nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã và đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, tạo thế và lực mới cho tỉnh trong những năm tiếp theo. Thứ tư, tập thể lãnh đạo tỉnh năng động, tiên phong, sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Đồng chí Lê Minh Nghĩa: Quy hoạch tỉnh được phê duyệt mới là bước đầu, để sớm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, việc đầu tiên là tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch cũng như việc công bố công khai các tài liệu, hồ sơ, bản đồ liên quan đến Quy hoạch tỉnh để các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn thể Nhân dân biết. Đồng thời với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để công bố quy hoạch, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch với các nội dung, nhiệm vụ hết sức cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện. Khẩn trương tổ chức triển khai việc điều chỉnh, bổ sung và lập mới quy hoạch chuyên ngành về đất đai, xây dựng để phù hợp với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch; rà soát lại danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo từng thời kỳ để kịp thời công bố, đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án mới, tạo thêm động lực mới cho tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, bảo đảm cho việc thực hiện và đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.