Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Việt Nam - là người có quốc tịch Việt Nam tính đến ngày bầu cử (23/5/2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.
Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau.
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo 4 nguyên tắc sau đây: Nguyên tắc bầu cử phổ thông, Nguyên tắc bình đẳng, Nguyên tắc bầu cử trực tiếp, Nguyên tắc bỏ phiếu kín.
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu họ được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND, đồng thời trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc và hiểu rõ hơn người ứng cử để cân nhắc bầu chọn những người đủ tiêu chuẩn.
Căn cứ Nghị quyết số 64/NQ-HĐBCQG, ngày 03-3-2021 của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Quyết định số 22/QĐ-UBBC, ngày 20-02-2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Thông báo số 24/TB- UBBC về việc công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.