Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.000 ha rừng thông, tập trung chủ yếu ở các huyện Như Thanh, Tĩnh Gia, Hà Trung, Hậu Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa.
Trong đó, có hơn 5.000 ha rừng thông do các chủ rừng Nhà nước quản lý đã được quan tâm phát dọn thực bì và đốt cháy trước dưới tán rừng thông để giảm vật liệu cháy. Khoảng 4.000 ha còn lại do UBND các xã quản lý, giao cho các hộ bảo vệ, chăm sóc nhưng do chưa đủ điều kiện khai thác nhựa, không có nguồn thu và không có tiền công chăm sóc, bảo vệ nên các hộ chưa quan tâm phát dọn thực bì dưới tán rừng. Điển hình như nhiều khu rừng thông ở các xã: Hà Lâm (Hà Trung), Triệu Lộc, Châu Lộc, Tiến Lộc, Thành Lộc (Hậu Lộc); Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa)... lớp thảm thực bì, cành khô, lá rụng dưới tán rừng có nơi dày từ 1,5 m đến 1,8 m nếu người dân dùng lửa bất cẩn, cháy rừng sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào... Ngoài ra, do lá thông rụng phân hủy chậm dẫn đến thảm thực bì dầy, lượng nước trong lá thông ít, thân cây lại có dầu kết hợp với ràng ràng, sim mua, lau lách đang là mối lo cháy rừng trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Để bảo vệ rừng thông trong mùa nắng nóng năm 2018, các tháng vừa qua, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đặc biệt là rừng thông tại các huyện, thành phố và một số xã, chủ rừng Nhà nước thuộc vùng trọng điểm cháy rừng, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ rừng thực hiện nhiệm vụ PCCCR, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR của nhân dân. Từ tỉnh, đến huyện, xã, chủ rừng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để chữa cháy rừng. Các huyện có rừng thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng chỉ đạo các xã, chủ rừng tiến hành sửa chữa, xây dựng mới đường băng cản lửa và làm giảm vật liệu cháy trên diện tích rừng thông có nguy cơ cháy cao...
Tuy nhiên, một số địa phương, chủ rừng mặc dù các biện pháp PCCCR đề ra nhưng thực hiện không triệt để, nhất là biện pháp xử lý vật liệu cháy khu vực rừng thông; công tác tuần tra, kiểm tra, trực kiểm soát lửa rừng,... còn hạn chế đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng thông rất cao.
Đề nghị các hạt kiểm lâm cần phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ rừng Nhà nước, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động PCCCR; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCCR, tổ chức diễn tập thực hành thành thạo các nội dung chữa cháy rừng theo phương án đã lập để khi xảy ra cháy rừng các địa phương, chủ rừng sẽ chủ động chữa cháy kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.