Như chúng ta đã biết, cục diện vòng bảng môn Bóng đá Nam tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (Á Vận hội/ ASIAD XVIII) bỗng những đổi thay bất ngờ khi tại lễ bốc thăm lại, lá thăm đã đưa U23 UAE vào bảng E (Palestine được bổ sung vào bảng A) - khiến “cửa đi tiếp” của đội bóng tại quê hương tòa tháp đôi Petronas nổi tiếng vốn đã rất hẹp giờ gần như... đóng kín!
Đối thủ của Malaysia trước đấy vốn đã toàn những “ông kẹ” như Hàn Quốc, Bahrain, nay thêm sự hiện diện của một thế lực Tây Á là UAE nên chẳng có gì ngạc nhiên khi huấn luyện viên trưởng Ong Kim Swee đang tính tới phương án... bỏ cuộc.
Bàn về tâm thế “người Mã”, hẳn chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện tương tự từng diễn ra ở hậu trường đội bóng áo đỏ có ngôi sao vàng nơi ngực trái ở vòng loại Asian Cup 2015 - sân chơi không chỉ “ngoài tầm với” mà ở đó, chúng ta luôn phải nhận những trận thua “vỡ mặt”. Không ngạc nhiên khi trong số 26 cầu thủ được VFF “chọn mặt gửi vàng” năm ấy, ngoại trừ một số tên tuổi đã quen “ăn cơm đội tuyển” như Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Quyết, Lê Tấn Tài, Phạm Thành Lương, Huỳnh Quốc Anh... thì gần 2/3 thành viên còn lại đều thuộc dạng “lính mới” mà ở quốc nội họ chơi đâu đó ở giải hạng Nhất, thậm chí là hạng Nhì - một cuộc hội quân mà không khó để “đọc vị”: HLV Hoàng Văn Phúc đã chấp nhận “buông súng” trước thời điểm Asian Cup 2015 khởi tranh.
Không thể phủ nhận một sự thật đắng ngắt là trên nhiều phương diện, Asian Cup cũng như ASIAD, trong một tương lai gần không dành cho những nền bóng đá “thấp bé nhẹ cân” như Việt Nam, Malaysia. Việc hai đội tuyển nói trên, một chọn giải pháp cử “quân xanh” tham dự, một tính phương án “bỏ của chạy lấy người” là điều có thể hiểu được bởi những “phép tính” này sẽ giúp tiết kiệm chi phí di chuyển, ăn nghỉ (với Malaysia) hoặc tạo điện kiện cho đội nhà dưỡng sức, dốc toàn lực để tập trung cho các giải đấu vừa tầm (như SEA Games, AFF Cup). Thêm nữa, cổ nhân có câu “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ấy thế nhưng, trên sân cỏ nói riêng, thể thao nói chung, hành động bỏ cuộc (dẫu chỉ trong suy nghĩ) luôn là “điểm trừ” rất nặng.
Sanya Richards Ross - nữ vận động viên quốc tịch Mỹ không chỉ khiến cả thế giới ngã mũ thán phục với thành tích 4 Huy chương Vàng Olympic và 5 lần dẫn đầu giải vô địch điền kinh thế giới mà còn nổi tiếng với câu nói: Tôi có thể chấp nhận thất bại, nhưng không chấp nhận bỏ cuộc khi chưa nỗ lực hết mình! Còn tại giải điền kinh HAJ Hannover Marathon diễn ra trên nước Đức cách đây vài tháng, dẫu không thể đứng trên bục cao nhất thì Michael Kunyuga cũng đã chinh phục được người hâm mộ cả thế giới khi qụy ngã trước vạch đích vì kiệt sức song bằng một nỗ lực phi thường, anh đã cố gượng gậy, chống hai tay bò về đích.
Trở lại câu chuyện của bóng đá Malaysia ở đầu bài viết, có lẽ khi công khai ý định bỏ cuộc, dường như HLV Ong Kim Swee đã quên mất tôn chỉ của Pierre de Coubertin, người được xem là “cha đẻ” của Thế vận hội Olympic hiện đại, rằng: Điều quan trọng nhất trong các cuộc thi Olympic không phải là chuyện thắng thua, mà là được tham gia thi đấu!