Ngày 26-10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến góp ý vào dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Toàn cảnh Kỳ họp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: VOV).
Dự án Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 31 điều, xây dựng theo hướng trách nhiệm và quyền hạn của Cảnh sát cơ động; quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, đến thời điểm này đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, nhưng nay tiếp tục đặt ra những bất cập, khó khăn, vướng mắc, nên dự án Luật đề xuất lần này sửa đổi, bổ sung 93 điều và bãi bỏ 3 điều.
Các ĐBQH tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Thanh Hóa.
Cho ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các ĐBQH đều cho rằng, việc ban hành 2 dự án luật này là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đóng góp ý kiến váo dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu nhất trí cao việc qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do đó việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các đại biểu cho rằng cần làm rõ và sâu sắc hơn tính “vũ trang”, tính “cơ động”, yêu cầu tác chiến nhanh, xử lý những tình huống khẩn cấp của lực lượng cảnh sát cơ động trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Các ĐBQH tham dự Kỳ họp tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đề nghị rà soát, cân nhắc quy định rõ phạm vi, nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, tránh việc quy định trùng lặp, chồng chéo với nội dung hợp tác quốc tế của các cơ quan, đơn vị, lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng. Bổ sung giới hạn độ tuổi trong việc tuyển dụng lực lượng Cảnh sát cơ động; quy định thời gian cụ thể thời gian công tác trong thực hiện chế độ, chính sách; cần làm rõ cấp quyền phê duyệt phương án tác chiến…
Cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các ĐBQH đã trao đổi, góp ý về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; chính sách nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Cụ thể về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 36, Điều 1), một số đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1, vì việc quy định riêng về quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước là không cần thiết và không tạo sự thống nhất trong thực hiện thủ tục hành chính.
Mặt khác, liên quan đến khoản 37, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành...
Quốc Hương