Trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển nhanh chóng, thị trường các quốc gia Hồi giáo ngày càng được chú trọng và xác định tiềm năng lớn. Tuy nhiên, hàng hóa thâm nhập vào thị trường này cần phải có chứng nhận Halal - một trong những tiêu chuẩn bắt buộc. Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã, đang tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất và làm tiêu chuẩn Halal nhằm tìm kiếm, kết nối với thị trường các quốc gia Hồi giáo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm đường phèn tinh khiết Lam Sơn của Lasuco đã đạt chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo.
Có mặt từ rất lâu trên thị trường, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) hiện có 7 sản phẩm đã được cấp chứng nhận Halal Malaysia, gồm: đường RE, đường trắng thượng hạng Lam Sơn, đường kính trắng Lam Sơn, đường vàng Lam Sơn, đường phèn tinh khiết Lam Sơn, đường nâu đen thượng hạng Lam Sơn, mật rỉ. Ông Lê Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Lasuco, cho biết: Hiện nay, Lasuco đã đưa các sản phẩm đạt chứng nhận Halal xuất khẩu sang thị trường các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á, Đông Nam Á, Trung Đông. Chúng tôi đánh giá thị trường này rất tiềm năng với dân số đông. Bên cạnh đó, sản phẩm tiêu dùng của các nước này rất phù hợp với sản phẩm kinh doanh chiến lược của Lasuco. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn về nguyên liệu, đồng thời, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu của khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, nhận thấy tiềm năng của thị trường này khi các mặt hàng thủy, hải sản của Thanh Hóa được nhiều người tiêu dùng Hồi giáo ưa chuộng, từ năm 2012, DN đã tìm hiểu, hoàn chỉnh các quy trình sản xuất và mời đơn vị làm chứng chỉ Halal về khảo sát, chứng nhận. Hiện, công ty có sản phẩm ngao luộc đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn Halal. Đại diện DN cho biết, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng năm qua thị trường này của DN chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và đang được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 DN đã có chứng nhận Halal cho các sản phẩm. Ngoài 2 DN trên, còn có Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan với sản phẩm đường nâu, đường vàng loại 1, đường trắng tinh luyện, đường trắng thượng hạng; Công ty CP Thương mại, vận tải và Chế biến hải sản Long Hải và Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa với sản phẩm chả cá surimi đông lạnh; Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam với sản phẩm dầu ăn; Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP, với sản phẩm nước uống đóng chai, nước ion kiềm đóng chai.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các DN tại Thanh Hóa đã có quan hệ hợp tác với thị trường các nước Hồi giáo từ rất sớm, với nhiều sản phẩm gia công, xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, các nước Trung Đông. Tuy nhiên đến nay, hiện mới có 7 DN được cấp chứng chỉ Halal để xuất khẩu sang thị trường các quốc gia Hồi giáo, với giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng còn nhỏ trong cơ cấu, sản lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Nguyên nhân là DN hiện vẫn còn gặp khó khăn khi tìm hiểu, tiếp cận thông tin về thị trường Halal do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh. Bên cạnh đó, để đạt được chứng nhận Halal cũng không dễ dàng do hiện nay ở trong nước mới chỉ có một số tổ chức tư nhân kiểm định và cấp chứng nhận Halal. Các chứng nhận này lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận ở tất cả các quốc gia cho tất cả mặt hàng. Ngoài ra, tiêu chuẩn Halal không chỉ áp dụng cho sản phẩm đầu ra, mà là cả quy trình, từ dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn, cho đến khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản... đều phải theo tiêu chuẩn Halal nên chi phí ban đầu DN đầu tư để đạt được chứng nhận Halal cũng lớn hơn nhiều so với chi phí sản xuất sản phẩm xuất khẩu thông thường.
Với những lợi thế, tiềm năng, điều kiện tự nhiên sẵn có, tỉnh Thanh Hóa xác định, dư địa để khai thác, xuất khẩu sang thị trường Halal là rất lớn, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, như các mặt hàng hải sản, dứa đóng hộp, sắn lát, quế, mật ong rừng... hoặc trong các lĩnh vực mới như dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch...
Để tăng cường xuất khẩu sản phẩm của tỉnh Thanh Hóa sang thị trường các quốc gia Hồi giáo, các DN đề xuất ngành công thương cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng kênh thông tin chính thức để giới thiệu về thị trường Halal, nhu cầu thị trường, thông tin đối tác và nhất là hướng dẫn quy trình, thủ tục được cấp chứng nhận Halal tại từng quốc gia, từng mặt hàng khác nhau để các DN tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, tạo cơ hội cho các hoạt động xúc tiến, hợp tác, trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức, DN trong nước, trong tỉnh với thị trường Halal. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các DN khi tham gia giao dịch với thị trường Halal, nhất là với các đối tác mới, thị trường mới.
Bài và ảnh: Bách Nguyên