Sáng 16-11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW của các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp tham gia thảo luận tại điểm cầu Lào Cai. Dự tại điểm cầu Thanh Hóa còn có đại diễn lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Trung du và miền núi Bắc Bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và 21 huyện, thị xã phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP đạt từ 8 đến 9%/năm. Đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 39,8%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70 đến 75%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 2 đến 3%/năm; đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sỹ/vạn dân. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân bằng ½ bình quân chung cả nước; số hộ nghèo giảm xuống dưới 10%; có 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu định hướng hội thảo, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW Trần Tuấn Anh, nhấn mạnh: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của cả nước. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và 9 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực, chủ động của các địa phương, việc phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tăng trưởng tương đối nhanh, cao hơn mức trung bình cả nước. Bộ mặt của vùng đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc, bảo đảm hòa bình, hữu nghị với các nước làng giềng; các tổ chức cơ sở Đảng và hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững chắc. Một số địa phương trong vùng đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa rất quan trọng để củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo Nghị quyết số 37-NQ/TW đề xuất Bộ Chính trị chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phù hợp với bối cảnh mới; đặc biệt là các giải pháp đột phá để thảo gỡ những nút thắt trong phát triển vùng, liên vùng và khai thông nguồn lực đầu tư cho phát triển, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ tiềm năng, lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong tổng thể quốc gia; phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; làm rõ hơn tính khách quan, xu hướng tất yếu của việc phát triển vùng trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong phát triển vùng và đề xuất các cơ chế, chính sách trong giải quyết những khó khăn, nhất là việc đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở các tỉnh.
Điểm cầu Thanh Hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã phân tích, làm rõ hơn về những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế, bất cập, những điểm “nghẽn” về chính sách để thu hút nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng về lợi thế của vùng. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và các định hướng về liên kết phát triển vùng, phát triển hạ tầng giao thông; phát triển các hanh lang kinh tế nhằm thúc đẩy sự liên kết vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
Theo đó, những bất cập, hạn chế trong liên kết vùng được các đại biểu đưa ra đó là chưa có hội đồng điều phối và cơ chế điều phối vùng; thiếu hụt nguồn lực và cơ chế để điều tiết lợi ích được tạo ra từ liên kết vùng; thiếu quy hoạch tích hợp vùng và cơ chế giám sát; thiếu kết nối giữa các địa phương và thiếu kết nối đa phương thức.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và thách thức đang đặt ra vối với vùng, các đại biểu đã đề xuất các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đường hướng phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã rõ ràng hơn. Do vậy, cùng với sự quan tâm của Trung ương về tạo nguồn lực, các địa phương cũng có quyết tâm cao hơn để nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân. Trong đó, khu vực miền núi Thanh Hoá nói riêng có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình rộng đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nên kết cấu hạ tầng khu vực này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự liên kết trong quy hoạch với vùng và các địa phương khác trong vùng.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Tuấn Sinh đề xuất Trung ương cần có quy hoạch chung cho phát triển vùng trung du và miền núi Bắc bộ, tập trung nguồn lực hơn nữa để tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển chung cho cả vùng và cho cả nước.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW khẳng định: Các đại biểu đã có những phát biểu tham luận rất quan trọng và bám sát Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thông qua các ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra những kết quả tích cực cũng như những hạn chế bất cập, những điểm “nghẽn” trong liên kết phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn trong liên kết, phát triển vùng.
Đồng chí đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW cũng thống nhất quan điểm với các đại biểu, vấn đề liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu nên cần thay đổi nhận thức, tư duy của cả hệ thống chính trị để liên kết vùng được chặt chẽ, bền vững, thực sự là động lực tăng trưởng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong thực hiện liên kết vùng cần chú trọng liên kết về xây dựng, quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về giao thông, liên kết giáo dục và đào tạo, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch... Đồng thời, tăng cường liên kết phát triển vùng bảo đảm tính phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; hình thành được các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo định hướng phát triển của các địa phương trong tổng thể phát triển vùng.
Để quy hoạch và phát triển vùng, thì nguồn đầu tư của Trung ương vẫn là chủ yếu và có vai trò dẫn dắt, khai thông các nguồn lực xã hội. Cùng với đó, cần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của các địa phương bảo đảm phát triển hài hoà về kinh tế và an ninh sinh thái, quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, ổn định dân cư, chống di dân tự do, phát triển đô thị, gắn với đầu tư xây dựng nông thôn mới và tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, với tính chất đặc thù của lao động vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cần có những cơ chế, chính sách riêng biệt để giải quyết hài hoà yếu tố phát triển bền vững, lâu dài về kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đồng chí đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW, cho rằng việc đề xuất Bộ Chính trị có nghị quyết mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 định hướng đến 2045, là cần thiết và phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Trần Thanh