Mùa xuân đã giăng mắc khắp nẻo và sức xuân căng tràn đang “nhuộm” lên bức tranh sự sống sắc màu tươi vui. Nương theo “góc nhìn” mùa xuân, cảm giác như có một sức sống mới đang nhen nhóm dậy nơi dải đất địa đầu Quang Chiểu. Để rồi, xuân trên bản Pùng cũng là mùa khởi đầu cho cuộc sống mới, tràn trề hy vọng...
Một góc bản Pùng.
Quang Chiểu cách đây chừng chục năm, trên con đường độc đạo dẫn từ trung tâm huyện trở vào, chỉ thưa thớt vài chục nóc nhà. Cũng con đường ấy, mùa mưa đất nhão nhoẹt, trơn như đổ mỡ; còn khi trời nắng, bụi đỏ cuốn lên che kín mặt người. Cái khó, cái khổ vốn là một loại “đặc sản” chẳng hề hiếm có khó tìm ở mảnh đất biên giới này. Đứng chân ở “cái nôi” gian khó ấy, nên đời sống người dân bản Pùng cũng “nhuốm” một màu ảm đạm. Bản Pùng xưa kia còn có tên là bản Khé. Tên gọi này bắt nguồn từ suối Khé chạy qua bản, nên người dân mượn luôn cái tên ấy để gọi cái nơi mình sinh sống. Sau này, bản Khé được đổi thành bản Pùng, do bản có một cây cổ thụ to và lâu năm có tên là Tào Pùng. Không ai hiểu vì sao người dân lại mượn cỏ cây, sông suối để đặt tên cho bản. Hẳn vì sự giản đơn, dễ hiểu? Nhưng biết đâu đấy, sâu xa hơn có thể là tình cảm gắn bó của con người với mảnh đất chôn rau, dẫu đầy gian khó mà cũng rất đỗi bình yên, thân thuộc và tươi đẹp?
Bản Pùng nằm lọt giữa trập trùng núi và được bao quanh bởi các ngọn pom Tén Kéo, pom Xà Lộ, pom Pù Om, pom Pù Khằm... Cũng bởi địa hình cách trở, nên hồi mới chia tách huyện Quan Hóa, cả bản chỉ vỏn vẹn hơn trăm nóc nhà và hơn 700 khẩu. Mãi về sau, có thêm vài hộ là giáo viên, bộ đội, người buôn bán từ xuôi chuyển lên làm ăn, rồi định cư luôn. Bởi bao quanh bốn bức tường núi nên cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, ăn bữa nay lo bữa mai. Cũng vì cái đói, cái nghèo và sự xa xôi cách trở, nên việc bán buôn giao thương, việc học hành của trẻ nhỏ, việc chăm nom sức khỏe con người mỗi khi ốm đau bệnh tật... đều chẳng dễ dàng gì...
Nhưng rồi, cũng chừng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, nhờ sức mạnh từ “cây đũa thần” là các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, xã Quang Chiểu nói chung, bản Pùng nói riêng, đã từng ngày thay da đổi thịt. Đặc biệt, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, mảnh đất nơi địa đầu từng một thời gian khó này, đã và đang cho thấy sức vươn mạnh mẽ. Với phương châm “tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ”, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, xã Quang Chiểu đã chủ động lựa chọn, xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Xây dựng nông thôn mới bản Pùng” từ năm 2017. Qua 4 năm – một quãng thời gian không dài – bản Pùng đã cán đích 14 tiêu chí nông thôn mới.
Có hay không một nguyên cớ kỳ diệu nào đó, đã tiếp sức mạnh để bản Pùng mở ra một trang phát triển mới cho riêng mình? Từng có dịp trò chuyện với ông Lương Văn Làn – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu, cũng là người đã “theo đuổi” đề án “Xây dựng nông thôn mới bản Pùng” từ khi nó mới manh nha. Chúng tôi được ông chia sẻ rằng, để xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới ở một bản vùng cao biên giới, thì sự nỗ lực vượt khó phải gấp nhiều lần. Nếu sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, của huyện là cơ sở - tiền đề - động lực quan trọng; thì huy động nguồn nội lực trong Nhân dân và phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sẽ là yếu tố quyết định sự thành – bại và tính bền vững của cả quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Xác định phát triển kinh tế tạo nền tảng cho xây dựng nông thôn mới, xã Quang Chiểu chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, gia trại, trang trại; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao, hướng tới sản xuất hàng hóa... Cũng nhờ thay đổi tư duy làm ăn, phát triển kinh tế nên nhiều hộ đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả; biết chuyển đổi đất trồng ngô, lúa rẫy, sắn phù hợp cho năng suất, chất lượng cao; biết thay đổi tập quán chăn nuôi để nhân đàn trâu bò lên hàng trăm con... Đặc biệt, bà con đang biết dựa vào tiềm năng là diện tích trồng rừng lên đến 52,9 ha, để vừa phát triển sản xuất, vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường rừng và cân bằng sinh thái.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại bản Pùng cũng được chú trọng. Bên cạnh đó là làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, coi trọng vệ sinh từ gia đình - “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” đến cộng đồng; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc... Đặc biệt, với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và tinh thần gần dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong từng tiêu chí, cho nên, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sau 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở bản Pùng đã có nhiều khởi sắc. Đến cuối tháng 11-2020, 14/14 tiêu chí bản nông thôn mới đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đặc biệt, bản đã huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí thực hiện 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách các cấp hỗ trợ 2,5 tỷ; phần còn lại do Nhân dân đóng góp). Ngày 20-1-2021, bản Pùng vinh dự đón nhận quyết định bản NTM. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực vượt bậc của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quang Chiểu nói chung, người dân bản Pùng nói riêng.
Bản Pùng nay đã khoác lên mình “tấm áo mới” – rạng rỡ như cánh hoa rừng bung nở dưới bình minh. Khi ngọn gió xuân thổi dịu dàng trên tán lá, mơn trớn nụ đào còn ngái ngủ và tràn xuống gõ cửa từng nếp nhà, cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được “luồng gió mới” của ấm no và hạnh phúc, rồi sẽ ở lại với bản Pùng...
Bài và ảnh: Trần Hằng