Bắt tay vào giai đoạn phục hồi sản xuất, ngành công nghiệp của tỉnh gặp không ít thách thức khi giá nguyên liệu, chi phí vận tải... tăng cao. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành và nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp (DN), Thanh Hóa không chỉ được xếp trong top các tỉnh phục hồi sản xuất khá mà còn được ghi nhận mức tăng trưởng cao trong ngành công nghiệp.
Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Ảnh: Minh Hằng
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành trong tháng 6-2022 tăng 5,23% so với tháng trước và tăng 20,86% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 10,56% so với tháng trước và tăng 7,11% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,84% so với tháng trước và tăng 20,77% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 23,8% so với tháng cùng kỳ... Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,07% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,46%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,36%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 32,87%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,51% so với cùng kỳ.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, cho biết: Động lực phục hồi và tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm đến từ 23/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu được ghi nhận tăng so với cùng kỳ. Trong đó, có nhiều sản phẩm tăng cao, như: điện sản xuất, quần áo may sẵn, giày thể thao, tinh bột sắn, dầu ăn, xi măng, sắt thép... Sở dĩ các ngành này đạt được kết quả tăng trưởng cao, ngoài nguyên nhân do các nhà máy truyền thống vẫn duy trì sản xuất phát triển, thì một số nhà máy mới đi vào sản xuất đã gia tăng đáng kể năng lực sản xuất của ngành, như: Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; Nhà máy Sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân (Triệu Sơn); Nhà máy May xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực (Triệu Sơn).
Điển hình cho sự tăng trưởng bứt phá trong những tháng đầu năm là ngành sản xuất may mặc, giày dép, với tốc độ tăng trưởng có thể nói vượt kỳ vọng. Thống kê từ Sở Công Thương cho thấy, sản lượng hàng hóa may mặc 6 tháng đầu năm đạt tới 233,7 triệu cái, tăng 38,3% so với cùng kỳ. Mặt hàng sản xuất giày thể thao đạt 89,4 triệu đôi, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sau 2 năm chuỗi cung cầu hàng hóa may mặc chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, bước sang năm 2022 khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát, lượng đơn hàng may mặc đến với các DN khá đều đặn. Ở các DN lớn, lượng đơn hàng có thể tăng từ 40 - 50%, doanh thu tăng 30 - 40% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Lâm cũng cho biết thêm: Mặc dù đơn hàng sản xuất nhiều, nhưng DN trong ngành cũng đối mặt với không ít thách thức. Ngoài khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng, dầu khiến cước vận tải hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu lao động, DN còn phải đối mặt với khó khăn do nguyên phụ liệu nhập từ thị trường Trung Quốc bị chậm trễ tại các thời điểm nước này thực hiện chính sách “Zero COVID”. Trước bối cảnh này, Hiệp hội Dệt may đã sớm tìm hiểu, kết nối và tổ chức cho các DN chủ động liên kết chia sẻ nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường đầu vào từ các nguồn hàng trong nước, thực hiện đàm phán lùi thời gian giao hàng... Nhiều DN đã ngày càng chủ động hơn cả về khâu đầu vào và đầu ra sản xuất. Điển hình như tại Công ty TNHH May Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), hiện đơn vị đã cơ bản đủ nguyên liệu cho sản xuất đến hết quý III-2022. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH May Huệ Anh, cho biết: Từ nhiều năm nay, ngoài Trung Quốc, DN đã chủ động tìm kiếm nguồn cung từ thị trường Hàn Quốc và trong nước; đồng thời, linh hoạt các phương án, hình thức giao, nhập hàng. Do vậy, 16 chuyền may của đơn vị vẫn đang hoạt động hết công suất, bảo đảm sản xuất ổn định và đáp ứng được tiến độ giao hàng cho các đối tác đến từ thị trường Mỹ, EU và một số nước châu Á.
Ngoài may mặc, giày da, ngành sản xuất điện cũng đạt mức tăng trưởng sản lượng cao (36,2%). Ngoài các nhà máy thủy điện đang vận hành ổn định, các cấp, các ngành trong tỉnh đã sát sao trong công tác chỉ đạo, thi công để đưa các dự án sản xuất điện mới đi vào vận hành đúng tiến độ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất điện của tỉnh. Điển hình như Tổ máy số 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã chính thức vận hành ngày 11-1-2022 và đã được đấu nối thành công lên đường dây 500 KV Bắc - Nam, cung cấp thêm khoảng 3,9 tỷ kWh điện mỗi năm, hiện thực hóa từng bước mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, như: bia các loại 19,8 triệu lít, tăng 14,7%; thuốc lá 113,4 triệu bao, tăng 3,4%; xi măng 9,7 triệu tấn, tăng 13,9%; clinker 2,4 triệu tấn, tăng 22,9%; sắt, thép gần 1,17 triệu tấn, tăng 12,3%; thức ăn gia súc 84.000 tấn, tăng 31,9%; phân bón gần 92.000 tấn, tăng 9,5%... Được biết, các ngành sản xuất này phần lớn đều chịu tác động không nhỏ bởi nguyên liệu đầu vào tăng giá, chi phí logictics 2 chiều tăng do tác động của giá xăng, dầu. Tuy nhiên, mỗi DN đều đã có những giải pháp riêng để điều tiết sản xuất. Điển hình như trong ngành sản xuất phân bón, từ đầu năm đến nay, trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các DN sản xuất đang thực hiện nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất, cung ứng ra thị trường với giá tốt nhất. Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị, Khu Công nghiệp Hoàng Long, TP Thanh Hóa, chia sẻ: Trước bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, DN luôn phải có phương án dự phòng, đa dạng nguồn nguyên liệu sản xuất như ký hợp đồng với nhiều đối tác, linh hoạt các phương án điều tiết, bổ sung. Ngoài ra, công ty cũng nghiên cứu, thay thế một số nguyên liệu, linh động hơn trong công nghệ sản xuất để ổn định sản xuất. Chủ động ứng phó trong giai đoạn tới, đơn vị sẽ chú trọng đầu tư sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, các loại phân bón chuyên dùng nhằm gia tăng giá trị hàng hóa. Với người tiêu dùng sẽ giảm sản lượng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng.
Chủ động khắc phục khó khăn, đa dạng hóa sản xuất và thị trường đầu ra, ngành công nghiệp Thanh Hóa đã khẳng định được vị thế phát triển khá vững chắc trong giai đoạn bắt tay vào phục hồi sản xuất. Công nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao và là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa GDRP của tỉnh tăng 13,41% so với cùng kỳ. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của các DN, ngành công thương, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cũng luôn đồng hành, nắm bắt khó khăn, kiến nghị các giải pháp phù hợp; đồng thời, hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ DN kết nối cung cầu và tận dụng có hiệu quả những lợi thế, cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia để mở rộng các thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường xuất và nhập khẩu.
Theo đánh giá của ngành công thương, hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, là điều kiện thuận lợi để các DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong nội bộ ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo có định hướng xuất khẩu như hàng may mặc, da giày, thép, xi măng... tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sẽ gia tăng trong giai đoạn kinh tế của các nước trên thế giới từng bước được phục hồi trong bối cảnh kiểm soát được dịch COVID-19. Các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết cũng tiếp tục tạo thuận lợi cho các DN trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, Tổ máy số 2, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 sẽ vận hành thương mại, tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất của ngành. Trong thời gian tới, các dự án công nghiệp lớn đã khởi công, như: Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 2; cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính TF Group tại huyện Hậu Lộc; Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam; Nhà máy lốp COFO Việt Nam... hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, ngành công nghiệp Thanh Hóa sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mới với giá trị cao hơn.
Nhóm PV Kinh tế
Bài 5: Vững vị thế “đầu tàu”, khẳng định tầm phát triển.