Trong số hơn 30 lĩnh vực công nghiệp chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa, nhiều sản phẩm vốn có ưu thế cạnh tranh với nhiều thế mạnh liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, lịch sử phát triển, điều kiện trung chuyển cũng như thị trường tiêu thụ. Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp marketing nhằm lan tỏa thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Vận chuyển sản phẩm thép VAS đi xuất khẩu tại Cảng Nghi Sơn.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức vinh danh 172 DN đạt thương hiệu quốc gia năm 2022. Cùng với các DN vốn hóa lớn như Vinamilk, Viettel, Vinhomes, Masan..., Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã tự hào trở thành Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, khẳng định sự phát triển và tin tưởng mạnh mẽ vào một trong những “ông lớn” trong ngành thép. Ngoài phát triển thị trường trong nước, hiện nay thép VAS đã chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Được biết, ngoài năng lực sản xuất lớn (4,35 triệu tấn phôi vuông và 2,5 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm), các sản phẩm thép VAS còn được sản xuất trên dây chuyền sản xuất hiện đại số 1 thế giới từ Danieli (Italya). Đồng thời, được kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng thép từ khâu đầu vào tới khâu đầu ra theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS), tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM). Tháng 6-2022 vừa qua, thép VAS đã chinh phục thêm thị trường Guatemala - Trung Mỹ và cũng là thương hiệu thép đầu tiên của Việt Nam đặt dấu ấn tại thị trường này.
Cùng với ngành thép, Thanh Hóa là “thủ phủ” xi măng của cả nước. Hiện nay, 4 nhà máy xi măng đã đi vào hoạt động của tỉnh Thanh Hóa có 9 dây chuyền sản xuất, với sản lượng sản xuất gần 20 triệu tấn xi măng hàng năm. Các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đều chú trọng cải tiến công nghệ và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất xi măng để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Hiện nay, các nhà máy đều áp dụng công nghệ sản xuất lò quay phương pháp khô có hệ thống trao đổi nhiệt. Đây là công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến và thông dụng nhất hiện nay, với các thiết bị chính và quan trọng, như: Lò nung, máy nghiền được chế tạo bởi các hãng sản xuất nổi tiếng thế giới, như Polysius, FL.Smith, Loesche, Kawasaki... Việc sản xuất trên các dây chuyền công nghệ hiện đại đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu xi măng thương phẩm, tạo lợi thế về thị trường tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung xi măng dư thừa như hiện nay. Các sản phẩm xi măng mang thương hiệu của Thanh Hóa hiện cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Philipines, Lào, Thái Lan...
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương nhận định: Sự phát triển về tốc độ, sản lượng ngành công nghiệp đạt mức 15 - 20% trong những năm vừa qua chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của một số ngành công nghiệp lợi thế, như: Các sản phẩm lọc hóa dầu (xăng, dầu, khí hóa lỏng, polypropylene, benzene), thép cán, xi măng, dầu ăn, điện... Đáng nói, trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, các sản phẩm lọc hóa dầu chỉ chiếm 30 - 50%, chứng tỏ sản xuất công nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào công nghiệp lọc hóa dầu. Nhiều ngành sản xuất đang ngày càng được chú trọng đầu tư về quy mô, công suất cũng như chất lượng và thương hiệu sản phẩm như thép, phân bón, nông sản chế biến...
Theo lộ trình hướng đến một tỉnh công nghiệp, Thanh Hóa hướng tới tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm từ 50 - 70% GRDP của tỉnh. Với những điều kiện thuận lợi như kết cấu hạ tầng công nghiệp từng bước được hoàn thiện, có Khu Kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nổi trội, có nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Cảng nước sâu Nghi Sơn, hệ thống cảng biển, vận tải quốc tế, dịch vụ logistics... là những tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển về quy mô ngành công nghiệp đặt ra.
Theo hoạch định, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, chú trọng phát triển chiều sâu nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Hiện nay, các sở, ngành của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN; triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các DN quảng bá sản phẩm, lưu thông hàng hóa ra thị trường trong và ngoài tỉnh; nghiên cứu chiến lược xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao vị thế trên thương trường.
Bài và ảnh: Tùng Lâm