Ngọc Lặc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp với nhiều bước đột phá thành công, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ngọc Lặc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp với nhiều bước đột phá thành công, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ngọc Lặc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mớiTrang trại nuôi lợn tại xã Nguyệt Ấn cho hiệu quả kinh tế cao.

Triển khai thực hiện XDNTM, huyện Ngọc Lặc đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Phát huy vai trò của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc làm đầu mối tổ chức sản xuất, tìm hợp đồng đầu ra cho sản phẩm và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, mở rộng diện tích vùng cây ăn quả trên địa bàn huyện, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động Nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn.

Trong thời gian qua, cùng nguồn vốn được phân bổ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án, triển khai xây dựng được hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Điển hình như, mô hình trồng bí bao tử theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, quy mô 4 ha tại các xã Ngọc Sơn, Ngọc Liên, Thúy Sơn..., cho doanh thu đạt 1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 350 triệu/ha/vụ. Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo hướng công nghệ cao, diện tích 2,1 ha tại xã Kiên Thọ, doanh thu đạt 2,25 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 506 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng hành chăm khoảng 200 ha, tại các xã Thạch Lập, Thúy Sơn, Quang Trung, Mỹ Tân, Ngọc Liên... lợi nhuận đạt 384 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình khác, như: trồng dứa gai nguyên liệu, diện tích hơn 550 ha; ứng dụng công nghệ cao trồng vải không hạt, diện tích 27 ha tại Công ty TNHH Công nghệ cao Hồ Gươm Sông Âm; trồng cây ăn quả có múi tại các xã Lộc Thịnh, Cao Ngọc, Thạch Lập... đã và đang phát triển tốt.

Trong chăn nuôi, nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gà gia trại theo hướng hàng hóa được hình thành và nhân rộng tại các xã Lộc Thịnh, Cao Thịnh, Ngọc Sơn, Kiên Thọ, Minh Sơn, Thạch Lập... Mô hình trang trại nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi thịt tại xã Nguyệt Ấn quy mô 100 nái và 700 thịt/lứa, doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, huyện Ngọc Lặc phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức và Hội Khoa học nông nghiệp Thanh Hóa, tiến hành phục tráng và phát triển các giống lúa địa phương hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa. Những giống cây con đặc sản, có giá trị kinh tế cao như lợn cỏ, lợn rừng, gà đồi, dê... được phục tráng. Đàn bò, đàn trâu được nuôi theo hướng nâng cao sản lượng thịt. Đi đôi với phát triển sản xuất, huyện Ngọc Lặc tích cực thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và đã có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: miến dong Hương Ngọc của HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại và xây dựng Thành Công; bột sắn dây Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Tân (xã Ngọc Liên); gạo nếp hoa cau Thạch Lập của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng (xã Thạch Lập); dưa vàng 369 của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (xã Kiên Thọ); mật mía Phúc Long (xã Minh Tiến); mật ong Kiên Thọ và giò lụa Lan Anh (thị trấn Ngọc Lặc), trà túi lọc rau má Đất Ngọc đang trình hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá xếp hạng.

Đến nay, huyện Ngọc Lặc đã có 12/20 xã đạt chuẩn NTM, đạt 70% số xã và 1 xã Ngọc Liên đạt chuẩn NTM nâng cao. Bình quân toàn huyện đạt 16,8 tiêu chí/xã và 11,4 tiêu chí NTM nâng cao/xã. Ngoài ra, các xã Thúy Sơn, Minh Sơn, Cao Ngọc và Nguyệt Ấn đã có hồ sơ đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: Nhìn chung, các mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn trong huyện và đạt hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Những mô hình phát triển sản xuất còn góp phần thúc đẩy việc phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với XDNTM. Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Đồng thời, ưu tiên khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Hải Đăng