Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc tổ chức xét chọn, tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của cả nước. Việc tôn vinh không chỉ thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, mà còn góp phần ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc, từ đó động viên, khuyến khích sự nỗ lực và vươn lên của cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ cả nước - một trong những lực lượng trụ cột của cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.
PGS.TS Lê Viết Báu sinh năm 1972 tại thôn Ích Hạ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1992. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông là giáo viên môn Vật lý tại trường THPT Hoằng Hóa 2. Từ năm 2000 đến nay, là giảng viên khoa Kỹ thuật Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức. PGS.TS Lê Viết Báu đã tham gia giảng dạy nhiều học phần thuộc chương trình đào tạo thạc sỹ Vật lý chất rắn, Vật lý lý thuyết và Vật lý toán, Kỹ thuật xây dựng. Ở bậc đại học gồm các chương trình đào tạo sư phạm Vật lý, Vật lý ứng dụng, Kỹ thuật điện - Điện tử, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật lọc hóa dầu, Kỹ thuật xây dựng. Ông tham gia hướng dẫn thành công 1 nghiên cứu sinh, hơn 10 thạc sỹ và nhiều cử nhân. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học, các nhà quản lý tại các trường phổ thông, đại học, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học nước nhà. Đồng thời, các kết quả của đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia và cấp bộ của ông đã cung cấp cho các nhà khoa học trong và ngoài nước những kết quả nghiên cứu, bổ trợ cho các nghiên cứu tiếp theo về khoa học vật liệu mới, đã và có triển vọng trong ứng dụng thực tiễn như vật liệu spintronic, sensor, vật liệu sử dụng trong công nghệ làm lạnh mới không gây khí thải...
Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu chế tạo giường bệnh đa chức năng hỗ trợ bệnh nhân liệt vận động, cứng khớp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh” của ông vinh dự đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2021. Hiện đề tài đã được triển khai tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, khối nhà nước và tư nhân. Tất cả các bệnh viện có đặt giường bệnh đều phản ánh giường đa chức năng có nhiều chức năng nổi trội hơn so với các loại có trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân liệt vận động, phải nằm điều trị lâu dài và cho các bệnh nhân cần tập phục hồi các khớp cũng như thay đổi tư thế, trạng thái của bệnh nhân, giảm thiểu tình trạng loét do tì đè... Hiện, tác giả đang chờ kết quả đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Cục sở hữu trí tuệ để tiến hành sản xuất hàng loạt cung cấp cho thị trường.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài và những ý tưởng mang đến thành công, PGS.TS Lê Viết Báu cho biết: Trong quá trình quan sát và trực tiếp chăm sóc người nhà nằm điều trị lâu dài, tình trạng loét do tì đè rất dễ xảy ra. Để có thể tránh được tình trạng này, bệnh nhân rất cần được lật trở thường xuyên và massage vùng tì đè. Với yêu cầu như vậy, rất khó khăn cho người chăm sóc vì phải lăn trở thường xuyên cho bệnh nhân. Trong khi đó, để điều trị, bệnh nhân cần được tiến hành Vật lý trị liệu phục hồi chức năng sớm ngay từ khi bị bệnh nhằm giảm thiểu hình thành các thương tật thứ cấp, giúp người bệnh duy trì và phục hồi tối đa các chức năng vận động và sinh hoạt, giúp họ có thể sống độc lập, nâng cao chất lượng sống thậm chí có thể quay lại học tập hay làm việc. Trong vật lý trị liệu thì vận động trị liệu là hết sức quan trọng, làm giảm thiểu hình thành các vết loét do tì đè, viêm phổi do nằm lâu, tạo thuận lợi cho đường tiêu hóa và tiết niệu tránh nhiễm trùng tiểu và táo bón; đối với hệ cơ xương khớp, tập vận động giúp duy trì tầm vận động khớp, độ dài của bắp cơ, tránh teo và co rút các bắp cơ, tránh cứng khớp và loãng xương ở những người bệnh phải nằm điều trị kéo dài. Đối với người bệnh nằm liệt giường, việc lăn trở phòng loét phải được tiến hành đều đặn 2-3 giờ mỗi lần, mỗi lần lăn trở phải kết hợp xoa bóp các vùng tì đè, vỗ rung lồng ngực, xoa bóp hướng tâm kết hợp tập một vài động tác vận động để phòng tránh ứ trệ tuần hoàn hình thành huyết khối ở tĩnh mạch sâu của các chi, đặc biệt là hai chi dưới…
Trăn trở với những khó khăn của người bệnh, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hồng Đức đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu chế tạo giường bệnh đa chức năng hỗ trợ bệnh nhân liệt vận động, cứng khớp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh”. Sau hơn 2 năm nghiên cứu chế tạo, giường đa năng HD1 đã ra đời và được Hội đồng nghiệm thu đánh giá hoàn thành xuất sắc.
Với các chức năng: Điều chỉnh tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng sang hai bên, nửa nằm, nửa ngồi và ngồi dậy; tập vận động các khớp chi dưới đề phòng cứng khớp, teo cơ, loãng xương và huyết khối tĩnh mạnh; kéo giãn cột sống thắt lưng bằng chính trọng lượng của chính người bệnh để điều trị đau thắt lưng; di chuyển theo điều khiển của nhân viên y tế, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, giường có thể được cài đặt và điều khiển thông qua điện thoại thông minh giúp quá trình hoạt động của giường hoàn toàn tự động theo thời gian thực.
Đến nay, sản phẩm nghiên cứu đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên để sản phẩm mang tính đặc trưng, không nơi nào có thì vẫn cần được đầu tư, thực hiện thêm các bước nghiên cứu sâu để làm tăng tính thẩm mỹ và đầu tư thêm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho giường để nó tự hiểu được nhu cầu của người bệnh, tự thay đổi cường độ tập luyện, tích hợp thêm tình năng thông báo các chỉ số sống của bệnh nhân như nhịp tim, huyết áp… để phát tín hiệu cảnh báo đến bác sĩ khi cần.
Bên cạnh hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Viết Báu còn tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá (Liên hiệp hội) với tư cách là chuyên gia phản biện độc lập. PGS.TS Lê Viết Báu đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện khoa học, xác đáng trong các báo cáo phản biện. Nhiều báo cáo phản biện của Liên hiệp hội trong 10 năm qua được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cơ quan chủ quản và chủ đề án, dự án đánh giá cao. Thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn giúp cho các cơ quan được giao chủ trì xây dựng các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách nâng cao được ý thức, trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, dự án và những cơ chế, chính sách do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố ban hành; đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các chủ trương, chính sách và các đề án lớn, quan trọng của cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh…
PGS.TS Lê Viết Báu chia sẻ: “Bản thân tôi từ khi sinh ra đã thích sáng tạo. Niềm đam mê sáng tạo, đam mê khoa học đã dẫn lối, giúp tôi kiên định với ý niệm: Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn”.
Suy tư với trăn trở: Làm thế nào để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, sáng tạo? PGS.TS Lê Viết Báu cho rằng, điều này rất cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà quản lý để đảm bảo việc nghiên cứu khoa học đi đúng theo tinh thần của nó là giải quyết các vấn đề từ thực tiễn, tránh xa rời thực tiễn và thiếu tính ứng dụng. Có như vậy khoa học mới thúc đẩy, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, bởi bản chất của khoa học công nghệ chính là để giải quyết các vấn đề tri thức của nhân loại và giải quyết các vấn đề thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy xã hội phát triển. Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Nếu coi nhẹ sáng tạo khoa học công nghệ thì xã hội sẽ không thể phát triển được.
Những thành tựu đã đạt được, những giải thưởng cao quý của ngày hôm nay là tiền đề để PGS.TS Lê Viết Báu và nhóm tác giả tiếp thêm động lực cho những đam mê không giới hạn ở những đề tài, dự án tiếp theo, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ, góp phần tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nội dung: Linh Hương - Ngọc Huấn
Thiết kế và Trình bày: Mai Huyền