"Hey Jude" có lẽ là bài hát đặc biệt nhất với những ai yêu mến The Beatles, không chỉ bởi đoạn outro (kết thúc-ND) khá dài của nó, mà còn bởi những ca từ trong ca khúc này, được chấp bút bởi Paul McCartney.
Nghe qua thì có vẻ giống như Paul đang gửi gắm lời ca của mình cho những gã thất tình, nhất là ở hai câu đầu của bài hát:
"Hey Jude, don't make it bad.
Take a sad song and make it better".
Tạm dịch: "Này Jude, đừng cảm thấy buồn. Hãy biến bản nhạc buồn trở thành một điều tươi đẹp".
Nhưng thực tế, bài nhạc này lại dành cho con trai của John Lennon, trưởng nhóm lừng danh của The Beatles, người lúc này đã ruồng rẫy người vợ và cậu con trai tên Jude Lennon của mình để theo đuổi Yoko Ono. Theo Paul McCartney, khi sáng tác ra bài này, ông chỉ đơn giản muốn an ủi cậu con trai của người trưởng nhóm tệ bạc, đồng thời mong cậu sẽ không đánh mất niềm tin vào tình yêu với các cô gái xung quanh cậu.
Tua nhanh tới thế kỷ 21, cụ thể hơn là năm 2023, chúng ta cũng có một Jude khác đang trải qua cái giai đoạn "khủng hoảng" mà Jude Lennon đang trải qua. Anh cũng đang gặp phải một nỗi buồn, dù không thể so sánh được với nỗi buồn bị cha ruồng bỏ của Jude Lennon, đó là nỗi buồn thất trận ở Bundesliga mùa giải năm nay, dù anh cùng các đồng đội, đặc biệt là đàn anh Marco Reus, đã chiến đấu hết mình cho tới tận ngày cuối cùng của mùa giải. Thế nhưng, danh hiệu Bundesliga đã "ngoảnh mặt" lại với chàng trai người Anh.
Cách đó một bờ biển, trên bán đảo Iberia đầy nắng ấm xinh đẹp, nơi sẽ trở thành ngôi nhà tương lai của Jude Bellingham, Real Madrid cũng vừa trải qua một mùa giải thất bại giống như Jude. Dù có được một danh hiệu an ủi đó là Copa Del Rey, nhưng chừng đó cũng chưa đủ để xoa dịu đi nỗi đau đánh mất 2 danh hiệu cao quý nhất, đó là La Liga và Champions League.
Đau vì đánh mất danh hiệu chưa đủ, Real Madrid còn phải trải qua nỗi đau bị đánh bại bởi một tỷ số đậm ở Champions League bởi chính Pep Guardiola, người con của vùng Catalan và Barcelona, kình địch hàng đầu của họ ở đấu trường La Liga. Tất cả những nỗi đau này đã hợp lại để tạo nên một mùa giải thất bại cho Real Madrid, đội bóng đã quá quen với hai từ "chiến thắng", đặc biệt là ở đấu trường Châu Âu.
Một cậu trai gặp phải nỗi buồn thất trận trở thành cầu thủ của một đội bóng thất trận, hai sự kết hợp này nghe qua thì có thể sẽ đem lại điềm không tốt cho cả hai, đặc biệt là Real Madrid. Tuy nhiên, với cả hai, có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để trở thành của nhau. Bởi lẽ, phải trải qua thất bại rồi, họ mới biết mình cần phải làm gì, mình cần phải làm thế nào để biến cái "thất bại", cái "bài nhạc buồn" của đời mình để biến nó thành một "điều gì đó tươi đẹp hơn" như lời bài hát cùng tên với Jude Bellingham.
Khi Jude Bellingham đặt chân tới Real Madrid, chắc chắn, sẽ có hai điều mà những người hâm mộ chàng trai người Anh này cảm thấy e ngại nhất, đó là tuổi tác và sự phù hợp về mặt lối chơi của cậu với Real Madrid, đặc biệt là ở mặt tuổi tác.
Nên nhớ, Jude Bellingham, dù đã chứng minh bản thân mình ở Bundesliga, vẫn còn là một câu trai trẻ mới chỉ 20 tuổi, độ tuổi dường như quá trẻ để khoác lên mình màu áo trắng vương giả của Real Madrid, trừ phi cậu đã ăn tập và được đào tạo ở Lò Fabrica trứ danh của “Kền kền trắng” từ ngày bé.
Đó là về mặt tuổi tác, còn về mặt tương thích, chúng ta có thể lấy ngay những ví dụ cầu thủ Anh trong quá khứ từng đặt chân tới sân Santiago Bernabeu với rất nhiều tham vọng như Jonathan Woodgate, David Beckham hay thậm chí là "thần đồng" Michael Owen, người từng đoạt danh hiệu Qủa bóng Vàng trong màu áo Liverpool, để rồi sau đó thất bại và phải trở lại với đội bóng chính quốc của mình hoặc chuyển đến một giải đấu ít tính cạnh tranh hơn. Nói cách khác, Real Madrid, ngoại trừ trường hợp của Gareth Bale, một cầu thủ dù nói tiếng Anh nhưng không phải là người Anh, chưa bao giờ là một mảnh đất "an lành" với các cầu thủ tới từ Anh quốc cả.
Vậy, Jude Bellingham sẽ phải đối mặt với cái thử thách này như thế nào đây? Có lẽ, để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải nhìn vào hành trình của một Jude khác cũng liên quan tới âm nhạc của The Beatles, nhưng lần này là ở lĩnh vực điện ảnh.
Jude ở đây là Jude Feeney, nhân vật chính trong bộ phim "Across The Universe" (Băng qua vũ trụ-ND) được công chiếu vào năm 2007, tức cách đây 16 năm. Trong bộ phim đó, Jude của chúng ta ban đầu chỉ là một công nhân đóng tàu ở thành phố Liverpool, quê hương của "tứ quái" The Beatles, nguồn cảm hứng chính cho bộ phim này. Cuộc đời chỉ bắt đầu thay đổi sau khi anh biết được bố của mình, một quân nhân người Mỹ từng đóng quân ở Anh trong Thế chiến thứ hai, vẫn còn sống ở quê nhà, Jude quyết định vượt trùng dương để tìm đến người bố của mình với khao khát được kết nối với ông. Dù sau đó anh không kết nối được với cha vì cả hai chưa hề gặp mặt, nhưng những gì mà Jude có được từ chuyến hành trình "vượt trùng dương, vượt cả vũ trụ" tới với một nước Mỹ khi đó vẫn còn đang chữa lành vì những chấn thương tới từ cuộc chiến Việt Nam thật sự còn nhiều hơn cả anh mong ước: Anh có được nhũng người bạn thân thiết, anh có được tình yêu, và nhất là, anh tìm được thứ thuốc chữa lành cho những nỗi cô đơn, những nỗi buồn của mình trong âm nhạc.
Hành trình của Jude Bellingham cũng tương tự như vậy. Cậu không chịu gò bó mình ở môi trường nhẹ nhàng của “Xứ sở Sương mù”, thay vào đó, cậu quyết định tìm mọi cách để bứt khỏi nơi đây, tìm ra một bến đỗ riêng cho mình ở Borussia Dortmund, đội bóng khi đó cũng đang cố gắng thoát khỏi cái bóng quá lớn của Jurgen Klopp. Và cũng giống như Jude, từ chuyến "hải hành vượt trùng dương, vượt cả vũ trụ" này mà Jude Bellingham đã đạt được những điều mà cậu khó có thể đạt được nếu quyết định chôn chân ở lại nước Anh, đó là những đồng đội ăn ý với cậu, một môi trường bóng đá tiên tiến hơn, phù hợp với những bộ kỹ năng của cậu hơn. Nhưng trên hết, đó là kinh nghiệm cần thiết của một cầu thủ muốn chinh phục trời Âu, điều mà các cầu thủ ở Anh vẫn luôn khao khát.
Tản mạn xong về chàng trai người Anh cùng hành trình của cậu thế là đủ, giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhìn vào một câu hỏi mà có lẽ NHM Real Madrid đang trông chờ, một câu hỏi đã và đang chờ đợi HLV Carlo Ancelotti ở mùa giải sắp tới: Jude Bellingham sẽ vận hành như thế nào trong đội hình của Real Madrid ở mùa tới? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng tham khảo qua những phân tích của SentientSports, một đối tác của trang tin The Athletic về lĩnh vực thống kê và phân tích thông số thể thao.
Cụ thể, dựa vào những thống kê và thông số của mình, SentientSports đã dự đoán rằng Bellingham sẽ hòa nhập nhanh với hệ thống chiến thuật của Real Madrid, thậm chí không gặp chút khó khăn nào ở mùa đầu sau khi cầu thủ người Anh cho thấy cậu có thể hoạt động tốt trong sơ đồ 4-3-3, đặc biệt là khâu phản công. Như chúng ta có thể thấy trong biểu đồ dưới đây, Real Madrid chính là đội bóng có tỷ lệ tương thích cao nhất với Jude Bellingham về mặt chiến thuật.
Tuy nhiên, có một điều mà hệ thống dự đoán này không tính tới, đó là những rào cản ngôn ngữ mà Jude Bellingham có thể gặp phải khi chuyển qua một thứ ngôn ngữ khác hoàn toàn với tiếng Anh hoặc tiếng Đức, hai ngôn ngữ cùng một ngữ hệ Germanic. Tuy nhiên, nếu cố gắng, Jude Bellingham hoàn toàn có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ một cách thành công như các tiền bối ở Real Madrid.
Với việc chưa bao giờ thi đấu với các cầu thủ của Real Madrid trước đây ngoại trừ cầu thủ trẻ người Brazil Reiner, người được Real Madrid cho Dortmund mượn trong vòng 2 năm, chắc chắn, Bellingham sẽ phải mất một khoảng thời gian ngắn để tạo ra cầu nối với các đồng đội ở sân Santiago Bernabeu.
Khi xét đến việc Jude Bellingham đã hòa nhập tốt với một quốc gia xa lạ như Đức sau khi chuyển đến Borussia Dortmund, chúng ta hoàn toàn có thể tin chắc rằng cầu thủ người Anh sẽ có thể thông thạo về văn hóa, lối chơi cũng như ngôn ngữ của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bỏ qua những rào cản nhất định mà Bellingham có thể đối mặt khi chuyển đến đây.
Ở cái thời mà bóng đá luôn được thống kê, ghi chép và được tính toán tới từng con số, việc có được thông tin chi tiết về một cầu thủ luôn rất quan trọng. Việc Bellingham chuyển đến Real Madrid càng chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.
"Chúng tôi luôn công nhận và đánh giá cao tư duy chủ quan của con người, nhất là trong ngành thể thao", ông Beal chia sẻ, "Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tạo ra một cầu nối giữa khả năng quan sát của con người và khả năng học hỏi nhanh chóng của AI vào quá trình đưa ra quyết định và thống kê, nhờ đó mà các đội bóng có thể mở rộng quá trình tuyển mộ cầu thủ, đồng thời tiết kiệm thời gian, tài nguyên để tạo ra nhiều thành công hơn trong quá trình tuyển mộ cầu thủ".
Đương nhiên, việc dự đoán Bellingham sẽ phù hợp như thế nào trong đội hình Real Madrid phụ thuộc rất nhiều vào vị trí trên sân của cậu. Có thể nói, sự đa năng của Bellingham chính là thứ tài sản quý giá nhất của cầu thủ trẻ người Anh. Nhưng không vì thế mà chúng ta vội kết luận rằng Jude Bellingham sẽ trở thành một sự thay thế hoàn hảo cho Luka Modric hay Toni Kroos, những người đang ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp.
Ở mùa này, dù Aurelien Tchoumeni đã cho thấy sự đi xuống về mặt phong độ ở phần cuối mùa giải, chúng ta vẫn có thể thấy Carlo Ancelotti tin tưởng cầu thủ trẻ người Pháp nhiều như thế nào ở mặt đáy của hàng tiền vệ qua con số 24 trận ra sân từ đầu ở mùa này. Một cái tên khác chắc chắn cũng sẽ trở thành "lá chắn" hữu hiệu cho Jude Bellingham mùa sau đó chính là Fede Valverde, người đã được ra sân từ đầu ở 29 trong số 34 trận đấu La Liga anh góp mặt mùa này.
Còn ở khu vực cánh trái, Eduardo Camavinga chắc chắn sẽ là cái tên được trọng dụng để có thể thay thế Ferland Mendy đang gặp phải chấn thương. Một vị trí khác mà Carlo Ancelotti có thể nghĩ đến cho chàng trai người Pháp đó là hàng tiền vệ.
Với việc đem về Tchouameni, 23 tuổi, Camavinga, 20 tuổi, và giờ là Bellingham, 20 tuổi, chắc chắn Real Madrid đã sẵn sàng cho một mùa giải mới, đồng thời xây dựng nền tảng cho một cuộc đại tu hàng tiền vệ, nơi chắc chắn sẽ chứng kiến rất nhiều cuộc chia tay sau khi mùa giải 2023-2024 kết thúc, trong đó có những cái tên đã gắn bó với sân Santiago Bernabeu từ lâu như Luka Modric hay Toni Kroos.