Con gái tôi năm nay vào lớp 1. Không biết người khác nghĩ thế nào, với tôi, 2 dấu mốc quan trọng nhất trong quãng đời học sinh, đó là ngày bước vào lớp 1 và khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bước vào cánh cổng trường đại học. Trong đó, những bài học đầu tiên lúc vào lớp 1 tác động rất lớn đến tâm lí giáo dục của trẻ suốt cả hành trình về sau. Bởi vậy, vợ chồng chúng tôi đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng cho “bước đi” đầu đời này của con trên con đường học tập. Con bé cũng rất háo hức đón chờ. Và cũng chính “sự kiện long trọng” này đã giúp gia đình nhỏ của tôi có thêm thật nhiều kỉ niệm đẹp, đáng trân trọng.

So với thời điểm được bố mẹ “hộ tống” đến trường mầm non thân yêu trong tình trạng “mắt ướt nhạt nhòa”, ngày tựu trường vào lớp 1, con gái tôi hoàn toàn chủ động mọi việc. Nó đã hỏi han về cái ngày này suốt cả tuần trước đó. Những câu hỏi rất ngẫu hứng và đong đầy cảm xúc: “Mẹ ơi, sắp đến ngày tựu trường chưa mẹ?”; “Bố ơi, tựu trường là vào lớp 1 à?”; “Chị Nhi ơi, em sắp được đi tựu trường, em vào lớp 1 đấy!”… Nghĩa là trừ lúc ngủ, bất kì thời điểm nào nó nhớ ra cụm từ “tựu trường” cũng thường trực trong những câu chuyện, câu hỏi của nó.

Nếu trong trường hợp nó không nói, không hỏi thì nó sẽ hành động. Nó bắt đầu mang cái ba lô màu hường có in hình thỏ Melody ra vuốt ve, lấy mấy cuốn sách, cuốn vở bỏ vào rồi đeo lên vai tung tăng khắp trong, ngoài nhà. Nó “tự biên tự diễn” tình huống chào ông chào bà đi học sau đó cười khanh khách. Ai cũng có thể nhìn thấy được sự vui vẻ, háo hức của đứa con gái/cháu gái nhỏ.

Năng lượng tích cực của con gái lan tỏa đến mọi thành viên trong gia đình. Ông bà nội để động viên cô cháu gái đã mua tặng chiếc xe đạp mini màu hường xinh xắn mặc dù gia đình chắc chắn sẽ đưa đón bé đi học ít nhất trong 2 năm đầu cấp tiểu học. Ngày nhận xe, con bé reo lên sung sướng. Ông bà ngoại thì sắm sanh quần áo đẹp. Bà cố ngoại thì thủ thỉ “cho con bé chút tiền mua sách vở” từ trước đó rồi. Thành thử, vợ chồng tôi cứ vâng dạ rồi cười phớ lớ.

Đêm trước khi tựu trường, cả nhà chúng tôi 3 người ngồi lại bên nhau cùng sửa soạn, bọc sách vở, chuyện trò râm ran. Con gái nhận lấy phần việc dán nhãn vở. Nó hớn hở khoe với bố: “Mẹ làm nhãn vở riêng cho con đấy bố. Nhãn vở có in ảnh con trên này này”. Nó lục tung mấy chục cái nhãn vở, trong đó có in ảnh của nó hồi còn học mầm non. Từ gương mặt tươi cười, nó chuyển ngay sang trạng thái phụng phịu: “Mẹ ơi, con nhớ trường mầm non thân yêu của con quá, hu hu”. Cái điệu bộ ấy khiến chúng tôi thật sự vui, cảm động. Không ai dạy con hay bắt con nói về trường cũ, tình yêu với ngôi trường cũ mà đó là những điều xuất phát từ chính nội tâm, suy nghĩ của con. Điều đó khiến những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi hiểu rằng: Môi trường giáo dục thực sự quan trọng đến việc hình thành tính cách, nhân cách, tư duy của con người như thế nào. Con yêu trường, yêu lớp với tất cả sự thuần khiết và chân thành nhất.

Mỗi người mỗi việc phối hợp rất nhịp nhàng. Con gái dán nhãn vở, tuy đôi lúc có phải bóc ra dán lại vì dán lệch, nhăn nhưng con rất xông xáo, mãn nguyện. Chữ mẹ đẹp nên đảm nhận việc viết nhãn vở trong khi bố phụ trách việc bọc sách, vở cho con. Niềm vui đến trường lan tỏa, hòa quyện khiến cho hạnh phúc gia đình càng thêm thăng hoa, bền chặt. Chúng tôi ôn lại chuyện cũ: “Thời chúng ta, bộ sách giáo khoa như bảo bối gia truyền. Trước mỗi năm học, bố mẹ đã nhắc, học hành giữ gìn cẩn thận để còn cho em, cho cháu. Bọc sách bọc vở cũng thế, toàn dùng các loại báo cũ hoặc tranh, lịch treo tường chứ đâu có được như bây giờ, anh nhỉ?”.

Bây giờ cải cách giáo dục, sách giáo khoa cũng đổi mới theo. Giá sách có hơi cao nhưng giấy in chất lượng, có nhiều hình minh họa sinh động, in màu đẹp mắt. Thay bằng việc học chung môt bộ sách giáo khoa cho toàn hệ thống giáo dục, giờ đây, sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa các trường. Kể ra cũng có cái hay, cái chưa hay ở đó nhưng tính hai mặt của vấn đề luôn luôn tồn tại. Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận, tìm kiếm các giải pháp để thích ứng và đạt được mục tiêu của mình.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động to lớn đến sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước. Bởi lẽ, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Kể từ khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, dẫu còn đó nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi thấy rõ kết quả đạt được, đáng ghi nhận. Hơn hết, những bậc phụ huynh như chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực, cố gắng với tinh thần đổi mới quyết liệt, đi vào thực chất của ngành giáo dục.

Chúng tôi hoàn tất việc bọc sách vở vào gần 11 giờ khuya, khi thằng Gấu vẫn khì khì ngủ trong phòng. Thằng nhóc 7 tháng tuổi không dính dáng gì đến niềm vui của bố mẹ hay chị nó. Nhìn nó vô tư say giấc, tôi tự nhủ: “Đến lượt Gấu vào lớp 1, ngày tựu trường có còn được duy trì không nhỉ? Nếu còn thì chắc nhiều thay đổi bất ngờ lắm đây. Cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển, lẽ dĩ nhiên, giáo dục cũng chẳng bao giờ đứng im ”.

Rồi cái ngày “trọng đại”, được mong ngóng nhất trong gia đình cũng tới – ngày tựu trường. Tựu trường với khối lớp 1 không phải là ngày khai giảng như ở các khối, các bậc học khác. Những “chú chim non” vừa từ môi trường giáo dục mầm non bước vào lớp 1 với bao điều bỡ ngỡ, lúng túng nên được tựu trường sớm hơn, cách ngày khai giảng quãng độ nửa tháng để có đủ thời gian làm quen với trường, lớp, cách thức tổ chức lớp học. Trong tiếng trống rộn ràng, tiếng nhạc vang vang bài hát “em yêu trường em, với bao bạn thân và cô giáo hiền, như yêu quê hương, cắp sách đến trường trong muôn vàn yêu thương…”, những “chú chim non” tròn xoe đôi mắt, bước chân vừa có sự háo hức, thích thú vừa rụt rè, e thẹn tiến vào sân trường.

Ngôi trường nơi con gái theo học cách nhà không xa. Cơ sở vật chất của trường chưa được đầu tư nhiều nhưng chất lượng giáo dục được khẳng định qua từng năm học. Các thầy cô niềm nở đón, hướng dẫn học sinh vào hàng theo lớp của mình. Các con mặc đồng phục theo quy định của nhà trường, tay cầm lá cờ Tổ quốc nhỏ trông vừa nghiêm túc lại vừa đáng yêu. Dưới bóng cây xanh, tôi nhìn các con bất giác mỉm cười: “Cả sân trường toàn những chú chim non đáng yêu. Chủ nhân tương lai của đất nước đấy”. Buổi tựu trường được tổ chức chu đáo, thân tình, ấm áp trong cảm xúc xốn xang của cả thầy cô, các em học sinh và phụ huynh.

Khi tôi ngồi gõ những dòng tâm sự này, con gái tôi đang nắn nót viết dãy chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt, đếm con số từ 1 đến 10 và tiếp tục háo hức chờ đợi, mong ngóng đến ngày khai giảng. “Thời gian như bóng câu ngoài cửa sổ”, mới hôm qua là vậy nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, những chú chim non ngơ ngác, chập chững bước chân vào lớp 1 sẽ trưởng thành lúc nào mình không hay. Trên bước đường trưởng thành ấy, những bài học, ký ức về ngày tựu trường, khai giảng ấy sẽ mãi là kỉ niệm đẹp. Lớp 1 ơi lớp 1 vẫn luôn là tiếng gọi thân thương…

Nội dung: Thảo Linh

Ảnh: Thảo Linh và tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền