Khi Super League được "trình làng" vào năm 2021, chủ tịch của giải đấu này, đồng thời là chủ tịch của Real Madrid, ngài Florentino Perez, cùng các nhà đầu tư khác đã không nghĩ tới việc mời Napoli, một trong "Thất Công chúa" của Serie A thời kỳ hoàng kim.
Aurelio De Laurentiis, chủ tịch của ĐKVĐ Serie A, Napoli, đã tuyên bố như một cô nàng bị người mình thương ruồng rẫy rằng ông chưa bao giờ muốn tham gia Super League, một động thái đã giúp vị chủ tịch này gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình.
Ở thời điểm đó, Serie A đang đàm phán với tập đoàn tư nhân CVC về việc thành lập một tập đoàn truyền thông để công việc trao đổi buôn bán các hợp đồng bản quyền truyền hình được diễn ra thuận lợi hơn. De Laurentiis đương nhiên phản đối điều này, bởi theo ông, hy sinh một nguồn vốn dùng cho tương lai để đổi lấy một khoản cứu trợ kiểu "mì ăn liền" sau đại dịch COVID-19, là một ý tưởng cực kỳ tồi tệ. Thậm chí, ông còn tuyên bố với báo giới rằng: "Tôi tin rằng họ bị điên rồi".
Để "dìm chết" dự định bắt tay với tập đoàn CVC, De Laurentiis quyết định "chơi chiêu" với một thành viên trong nhóm đàm phán đó, chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus. Cụ thể, ông sẽ dùng chính tham vọng thành lập Super League của chủ tịch Juventus để gây sức ép lên vị chủ tịch của đội chủ sân Allianz.
Vì sao Laurentiis lại quyết định tấn công một thành viên của Super League ? Câu trả lời nằm ở một điều khoản có tính chống lại Super League đã được đưa vào thỏa thuận giữa Serie A và tập đoàn CVC. Vì vậy, điền tên mình vào bản hợp đồng này chẳng khác gì "phản bội" lại những người cùng chiến tuyến. "Tôi sử dụng tay Agnelli vì nếu nguồn tiền này được bơm vào Serie A, hắn sẽ chẳng tham dự được vào dự án Super League. Vậy nên, hắn chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải chống lại họ". Chủ tịch của Napoli chia sẻ với báo giới.
Chủ tịch Perez cũng có nước đi tương tự với người đồng cấp ở Serie A, tuy nhiên, khác với Laurentiis, ngài Perez lại không thể ngăn chặn thành công "cái bắt tay" giữa CVC và La Liga. Khi cả hai gặp nhau trước trận đấu giữa Napoli và Real Madrid diễn ra vào rạng sáng thứ 4 tuần trước, cả hai đều nghĩ rằng chủ đề chung sẽ là tương lai của bóng đá thế giới.
Perez và De Laurentiis đều có quan điểm trái chiều về Super League, nhưng cả hai vị lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử bóng đá này đều công nhận rằng họ, chứ không phải UEFA, mới là những người thấu hiểu bóng đá hơn ai hết.
Perez từng khẳng định rằng Super League sẽ "cứu vớt mọi người, cứu vớt bóng đá", vì nó sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các CLB lên gấp ba, thậm chí gấp bốn lần, đồng thời, đánh thức đam mê bóng đá trong lòng một thế hệ fan Gen Z, những người đang dần mất đi đam mê với trái bóng tròn. Trong khi đó, De Laurentiis lại cho rằng sẽ tốt hơn nếu "đặt lên bàn 10 tỷ Euro để thành lập một giải đấu, mà ở đó, 6 đội mạnh nhất Châu Âu tới từ 5 giải đấu hàng đầu châu lục này sẽ đối đầu với các đội bóng thuộc giải đấu ít tên tuổi hơn".
Super League vẫn chỉ là một "ý tưởng". Tuy nhiên, chính ý tưởng này đã thôi thúc UEFA cải tiến và mở rộng Champions League từ mùa giải sau. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quyền lực nhất bóng đá Châu Âu bị dồn vào thế phải thay đổi.
Cách đây 36 năm, Real Madrid có cuộc đối đầu với Napoli, khi đó đang sở hữu một trong những chân sút vĩ đại nhất bóng đá thế kỷ 20, nhà vô địch World Cup 1986, Diego Maradona. Tuy nhiên, thứ khiến trận đấu này nổi tiếng đó là những lời phản đối tới từ Ramon Mendoza, chủ tịch của Real Madrid trong giai đoạn đó. Theo vị chủ tịch này, UEFA đã quá điên rồ khi cấm cửa NHM của Los Blancos đến dự khán trận đấu với Napoli ở vòng một cup C1, đồng thời, đưa ra lệnh cấm thi đấu 5 năm với Juanito sau khi tiền đạo này "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" với tiền vệ Lothar Matthaus của Bayern Munich ở bán kết Cup C1 mùa trước, một hình ảnh có thể ảnh hưởng rất xấu lên hình ảnh của giải đấu hàng đầu Châu Âu khi đó.
Trận đấu giữa Napoli và Real Madrid một năm sau đó cũng chẳng khác "võ đài" là mấy. Hai đội đấm nhau nhiều hơn là đá bóng, tất cả chỉ vì tiền đạo Salvatore cho rằng các cầu thủ bên phía Los Blancos đã gọi các đồng đội của anh là "lũ Mafia". Thủ môn dự bị của đội khách, Luciano Castellini cũng quyết định tham gia cuộc hỗn chiến bằng cách ném một bao đá thẳng về phía HLV Leo Beenhakker của Real Madrid, tuy nhiên, bao đá này lại trúng một phóng viên ảnh đang tác nghiệp trên sân. Trận đấu sau đó kết thúc với tỷ số 2-0 cho đội nhà. Cho tới ngày nay, nó vẫn được biết đến dưới cái tên tiếng Italia: "La Partita Degli Insulti" - Trận đấu đáng hổ thẹn.
"Chúng mình sẽ ‘ăn tươi nuốt sống’ lũ chúng nó", Diego Maradona nhắc đi nhắc lại với các đồng đội ở trận lượt về hai tuần sau đó trên sân San Paolo, giờ đây đang mang tên ông. Báo chí Tây Ban Nha cũng không vừa khi liên tục công kích tiền đạo người Argentina, thậm chí gọi tình trạng cơ thể của ông "là một thảm họa thực sự".
Bagni, đồng đội của Maradona, cũng rất muốn đánh bại Real Madrid để "rửa mối hận" ở lượt đi, đồng thời, "để đáp trả lại mấy cú đấm và đá mà Michel và Martin Vazquez ‘tặng’ cho tôi ở phòng thay đồ ngày hôm ấy".
Người dân Napoli đã "chào đón" đội khách bằng trứng thối khi xe buýt của Real Madrid rời sân bay để tới Castellammare Di Stabia, nơi họ sẽ nghỉ lại trước cuộc đối đầu với Napoli.
Trước hàng vạn khán giả đến sân ngày hôm đó, Napoli cố gắng bung hết sức để thực hiện một cú lội ngược dòng trước Real Madrid. "Napoli nhỏ bé, nhà ĐKVĐ Serie A, đã khiến Real Madrid phải bế tắc suốt trận. Trông họ khi đó bất lực đến tội nghiệp". Bagni chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Khi Giovanni Francini "mở điểm" cho Napoli chỉ sau 9 phút, cuộc lội ngược dòng của đội chủ nhà tưởng như đã rất gần. Các cầu thủ Real Madrid lúc này mới bắt đầu cảm thấy hơi nóng phả vào phía sau lưng của họ "theo đúng nghĩa đen. Bởi trong một tình huống, thủ môn của Real, Paco Buyo, phải dùng lưng đỡ bóng, sau đó, chúng tôi bị Emiliano Butragueno chọc thủng lưới. Nhờ đó mà họ đã đi tiếp".
Theo Francini, một thành viên của tập thể Napoli năm đó, những ký ức đau đớn của trận đấu lượt về gặp Real Madrid "vẫn còn cháy bỏng trong tâm trí của chúng tôi".
Napoli đã kết thúc chuyến hành trình ở Cup C1 theo đúng cái cách mà họ phải dừng bước ở UEFA Cup một năm trước đó. Chỉ khác là ở lần trước, các cầu thủ của đội chủ nhà được "tẩm" nước thánh chở từ Lourdes, đất thánh của người Thiên Chúa giáo, vào chân.
Sau trận đấu "thảm họa" của đội bóng đồng hương Napoli trước Real Madrid, Silvio Berlusconi, ông trùm truyền thông và là chủ tịch AC Milan khi đó, đã tỏ ra bất bình với cung cách hoạt động mà ông cho là "chẳng khác nào hóa thạch thời tiền sử" của Cup C1. Chính vì lẽ đó mà người quyền lực nhất sân San Siro khi đó đã nêu ra ý tưởng về một giải đấu mà ở đó, chỉ có những đội mạnh nhất thi đấu với nhau. Cụ thể, ông chia sẻ: “Đó lẽ là một giải đấu giúp chúng ta đối đầu với các đội bóng đẳng cấp ở Madrid, Barcelona hay Lisbon mỗi tuần, chứ không phải với những đội bóng cấp làng cấp xã. Theo tôi, các đội bóng cùng đẳng cấp chỉ nên thi đấu với nhau. Một giải đấu Serie A với 18 đội thực sự đang chống lại sự phát triển của nền bóng đá. Thử nghĩ mà xem, các đội bóng cấp làng xã như thế đến San Siro với tâm lý như thế nào? Cùng lắm thì họ chỉ mong có được trận hòa 0-0 với chúng ta mà thôi".
Kể cả khi các đội bóng Italia, trong đó có tập thể AC Milan của Berlusconi, đội bóng giành được hai danh hiệu C1 liên tiếp ở các mùa giải 1988-1989 và 1989-1990, vị chủ tịch táo bạo nhất lịch sử bóng đá Italia vẫn không buông bỏ ý tưởng thành lập một giải đấu cho những "gã khổng lồ Châu Âu" đối đầu với nhau. Umberto Gandini, một trong những thành viên của BLĐ AC Milan thời điểm đó, hồi tưởng lại: “Vào năm 1988, Berlusconi, khi đó có quan hệ hữu hảo với chủ tịch Ramon Mendoza của Real Madrid, đã bắt đầu nghĩ về một ‘siêu giải đấu’”.
Giải đấu được hai ông trùm bóng đá "phôi thai" có tên là European Television League (Giải vô tuyến Châu Âu-ND). Cơ quan quảng cáo truyền thông Saatchi & Saatchi được kéo vào dự án này ngay sau đó. Đương nhiên, cũng giống với trường hợp của Super League hơn 30 năm sau đó, UEFA quyết định ra tay ngăn chặn giải đấu này nhằm bảo vệ thế độc tôn của cúp C1.
Và cũng giống như Super League ở thời điểm hiện tại, giải đấu do Berlusconi đề xuất cũng tạo ra rất nhiều sự thay đổi. Cụ thể, theo Umberto Gandini: "Sự ra đời của Champions League ở mùa giải 1992-1993 chính là hệ quả của ý tưởng này". Kể từ đó, Champions League bắt đầu có vòng bảng, giải đấu được mở rộng hơn, nhiều trận đấu được tổ chức cũng đồng nghĩa với việc các đội bóng sẽ thu về nhiều tiền bản quyền truyền hình. Và cũng kể từ đó, cuộc cạnh tranh cho Top 4 đội mạnh nhất ở các giải đấu hàng đầu Châu Âu dần trở thành mục tiêu chính của các đội bóng.
Sau khi gặp phải mối đe dọa từ Super League, UEFA đã nhanh chóng thực hiện đúng cái điều họ làm cách đây hơn 30 năm trước, đó là thực hiện một cuộc cải tạo sâu rộng thể thức thi đấu của Champions League. Cụ thể, ở mùa tới, sẽ có 36 đội tham dự Champions League trong một bảng đấu duy nhất, một sự thay đổi từ thể thức 32 đội chia làm 8 bảng ở thời điểm hiện tại. Sau đó, các đội này sẽ thi đấu với nhau 10 trận, bao gồm 5 trận sân nhà và 5 trận sân khách. Sau đó, 8 đội mạnh nhất sẽ được vào thẳng vòng 16 đội, còn các đội còn lại sẽ phải cạnh tranh thông qua các trận đấu play-off.
Thay đổi nhiều như vậy, làm đủ mọi thứ để ngăn chặn Super League của Florentino Perez là vậy, nhưng có cảm giác, UEFA đã quên mất rằng ở Lục địa già đang tồn tại một giải đấu Super League của riêng mình, đó là Premier League của đảo quốc Sương mù.
"Super League đã tồn tại từ rất lâu rồi. Đó là Premier League chứ đâu". Adriano Galliani đã chỉ ra điều này trong một cuộc phỏng vấn thực hiện hồi năm ngoái.
"Cánh tay phải" của Berlusconi cũng khẳng định: "Đám người Anh cũng nên Brexit nền bóng đá của họ đi. Khi đó, bóng đá Châu Âu sẽ thu hút được nhiều tài năng hơn". Ngài Galliani chia sẻ: "Các anh nghĩ lũ người Anh rời khỏi Super League hồi tháng 4 năm 2021 vì đám fan biểu tình à? Bớt đùa lại đi! Đơn giản vì họ không thể từ bỏ một số tiền lớn như thế được. Suy cho cùng, ai có thể dụ đám người Anh này từ bỏ số tiền 4 tỷ Euro mà họ kiếm ra một năm kia chứ"? .
Có thể nói, đây chính là kết luận cay đắng và trần trụi nhất mà một người am hiểu bóng đá Châu Âu có thể nói ra. Rút cục, mục đích cuối cùng của việc từ bỏ Super League cũng chỉ là vì những món lợi kinh tế chứ không phải vì mục đích "cao cả" như các bên phản đối giải đấu này vẫn thường nói tới!.