Ngày 16 tháng 10 năm 1957, Albert Camus, khi đó mới 44 tuổi, đang dùng bữa trong một nhà hàng ở Phố La-tinh ở thành phố Paris. Thế rồi, một chàng thanh niên tiến đến ông để thông báo về những gì anh nghe trên đài: Camus đã chính thức trở thành chủ nhân của giải Nobel văn học năm đó

Một tuần sau đó, Camus được phỏng vấn bởi các tờ báo lớn trên toàn nước Pháp, tuy nhiên, cuộc phỏng vấn này hơi đặc biệt vì nó không diễn ra ở một studio ấm cúng tọa lạc ở Paris hay một quán rượu yên ắng và duyên dáng ở khu vực trung tâm Paris, mà nó diễn ra trên sân Parc De Princes, giữa 35000 cổ động viên đến xem trận đấu giữa Racing Club De Paris, một trong số những đội bóng giàu truyền thống nhất nước Pháp và là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Ligue 1, và kình địch hiện tại của họ, AS Monaco. Trong một khung hình có thể được xem là kinh điển của cuộc phỏng vấn đó, Camus đã được hỏi về cảm nghĩ của ông khi chứng kiến pha đỡ bóng hỏng của thủ môn. Nhà văn người Pháp lúc này chỉ trả lời một cách đơn giản: "Đừng "mạnh tay" với anh ta".

Theo tác giả Matt Owen của trang The Blizzard, đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên và duy nhất của Albert Camus được thực hiện trên một sân bóng, lý do là bởi một câu nói đến nay vẫn được người đời cho là của Albert Camus: "Tôi nợ bóng đá mọi triết lý, mọi đạo lý mà mình học được". Cũng theo Owen, bóng đá không chỉ là một thú vui đơn thuần với Camus, mà còn là "một trong hai trường đại học thực thụ" của ông, một điều được ông chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1959. Có thể nói, chính trên sân bóng, hay nói đúng hơn là trong những diễn biến của từng trận đấu, Camus đã tìm ra những gì tinh túy nhất của cái mà ông gọi là "sự phi lý".

Giải thích trước báo giới về quyết định chọn Camus của mình, ủy ban trao giải Nobel đã chia sẻ: "Camus có được một tầm nhìn sâu sắc, thứ đã giúp ông vạch ra những vấn đề của nhân gian thời hiện đại". Theo tác giả Matt Owen, những lời giải thích sáo rỗng này chỉ có thể cô đọng cái lý do thật sự khiến Camus cho rằng đời phi lý. Vậy, vì sao đời phi lý? Theo Camus, xã hội hiện đại, đặc biệt là ở quãng thời gian hậu Chiến tranh Thế giới Thứ II đã thổi bay đi những thứ triết lý, tôn giáo của thời cổ, khiến con người hiện đại cảm thấy lạc lõng. Vì vậy, họ phải tìm ra một ý nghĩa, một triết lý sống cho mình. Tuy nhiên, chính cái khát vọng này đã khiến con người càng lạc lối, càng rơi sâu hơn vào cái hố mang tên "phi lý". Trong một bài tiểu luận của mình, Camus đã so sánh cuộc hành trình bất tận này của con người hiện đại với Vua Sisyphus, người đánh lừa cái chết hai lần rồi sau đó phải nhận lãnh một hình phạt "dở khóc dở cười": Đẩy một hòn đá lên một cái dốc rồi lại chứng kiến nó trôi tuột xuống cái dốc đó, và rồi cứ thế lặp đi lặp lại tới vô tận.

Đứng trước sự phi lý ở đời, chúng ta cần phải làm gì? Theo Camus, tự tử, đúng hơn là "tự tử về mặt triết lý", tức là tìm đến tôn giáo hay những thứ siêu linh không phải là một ý hay. Thay vào đó, theo ông, con người nên học cách chấp nhận sự phi lý của cuộc đời, chấp nhận những thứ mà người ta hay gọi là "nghịch cảnh" ở đời. Vì vậy, Camus luôn hòa mình vào cuộc sống, đối mặt với nó với một tâm thế của một gã trai can trường được trui rèn trên những sân bóng của Algeria, khi đó vẫn còn dưới ách thống trị của người Pháp.

Trong bài viết của mình, Matt Owen đã đặt ra một câu hỏi: "Có thứ gì phi lý hơn 22 gã đàn ông tranh cướp nhau một trái bóng trên một khoảnh đất hình chữ nhật không"? Và đây chính là câu trả lời cho câu hỏi của nhà báo người Anh: Đội tuyển San Marino, đội bóng được coi là "tệ nhất Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung".

Trên bảng xếp hạng FIFA hiện tại, San Marino đang đứng ở vị trí thứ 211, tức thua đội tuyển Việt Nam của chúng ta, đội bóng đang đứng ở vị trí thứ 96 của BXH FIFA, tới 116 bậc. Theo thống kê của FIFA, cho tới nay, trận thắng lớn nhất của đội tuyển quốc gia này vẫn là trận thắng 1-0 trước Liechtenstein vào năm 2004, tức cách đây đã gần 20 năm. Còn trận thua đậm nhất của họ đó là trận thua 13-0 trước đội tuyển Đức vào tháng 9 năm 2006. Lần gần nhất mà “đội bóng tí hon” này không để thua ở một trận đấu chính thức đó là tháng 11 năm 2020 trong trận đấu  gặp Gibraltar ở vòng bảng Nations League mùa giải 2020-2021, trận đấu đã kết thúc với tỷ số hòa không bàn thắng cho cả hai đội.

Chính vì thành tích tệ hại này mà các CĐV San Marino đã lập hẳn một hội ultras có cái tên khá hài hước: Brigata Mai 1 Gioia? (Lữ đoàn không một ngày vui-ND). Đến năm 2012, thời điểm San Marino có được trận hòa 0-0 lịch sử trước Estonia, hội ultras này mới được đổi tên là Brigata Mezza Gioia (Lữ đoàn vui vẻ nửa vời-ND).

Ở một môn chơi yêu mến hành trình đong đầy sự phi lý của những gã "dưới cơ" như bóng đá, San Marino, dù liên tục để thua, thậm chí thua rất đậm, đã được đón nhận bằng một thứ tình cảm nồng ấm của người hâm mộ trên toàn thế giới. Có thể nói, câu chuyện về những gã "thất bại đáng yêu" của họ đã khiến San Marino trở thành một hiện tượng thú vị với NHM bóng đá trên khắp hành tinh.

Vào năm 2016, một sinh viên 19 tuổi mang tên Martino Bastianelli đã lập hẳn một tài khoản Twitter nhằm chia sẻ những thông tin về đội bóng mà cậu gọi là "xui xẻo nhất trên thế giới" này.

7 năm sau, SanMarino-FA (tài khoản NHM San Marino-ND), đã được theo dõi bởi 52500 người, số lượng mà theo Bastianelli, còn đông hơn cả tổng dân số của San Marino.

Trở ngại duy nhất của chàng sinh viên này đó là các trận đấu của San Marino không được trình chiến trên TV. Vì vậy, Bastianelli phải tìm kiếm các kênh stream bóng đá lậu giống như các "cao thủ tìm link lậu" ở Việt Nam chúng ta. "Có lúc em phải vào mấy cái website tiếng Nga nữa anh ạ", cậu chia sẻ với phóng viên của trang tin The Athletic. "Cũng may là máy em có phần mềm diệt virus mạnh, chứ không là tiêu tùng cái máy rồi".

Trận đấu đầu tiên mà chàng trai 26 tuổi này theo dõi đó là trận thua 5-1 của San Marino trước Azerbaijan. Phải mất 5 năm sau đó, chàng trai này mới được chứng kiến những người hùng của mình chọc thủng lưới đối phương một lần nữa. Trận đấu sau đó của cậu là trận thua 8-0 trước Na Uy trên sân nhà, sau đó là trận thua 5-0 trước Cộng hòa Czech là Belarus. Điều thú vị là, cứ sau một trận thua, số người theo dõi trang Twitter của cậu lại tăng lên.

"Làm fan San Marino là thế đó, anh chỉ có thể tận hưởng từng khoảnh khắc vui vẻ mà thôi", Bastianelli chia sẻ "Tận hưởng một cú sút trúng đích, tận hưởng một pha phạt góc, tận hưởng một bàn thắng quý hơn vàng, tận hưởng một trận hòa "ngàn năm có một" của đội bóng này".

Có một điều cực kỳ thú vị về chàng trai 26 tuổi này, đó là cậu không phải người San Marino, thậm chí, không đến từ gã hàng xóm Italia. Thực ra, cậu là một CĐV tới từ Breda, Hà Lan và là một CĐV trung thành của CLB RKC Waalwijk, một CLB được thành lập bởi những người công giáo thiểu số ở Hà Lan.

Khi đã bước vào tuổi 26, chàng trai người Hà Lan vẫn khẳng định lòng trung thành của mình với San Marino, thậm chí, theo cậu, San Marino còn đáng yêu hơn cả ĐT Hà Lan quê hương cậu. Vì vậy: "Khi lũ bạn em rủ em đến quán bar để uống bia, em sẽ nói với chúng nó là mình bận xem đội bóng tệ nhất thế gian thi đấu rồi. Em yêu San Marino nhiều tới mức đó đấy ạ".

Một người khác cũng nổi tiếng không kém với NHM bóng đá San Marino, đó là Davide Gualtieri, người bây giờ được biết đến dưới danh nghĩa ông chủ của cửa hàng vi tính Micronics. Nhưng cách đây 30 năm, anh được nhớ tới như người khiến đội bóng Anh lủng lưới nhanh nhất ở một trận đấu cấp độ chính thức. Cụ thể, ở một trận đấu thuộc vòng loại World Cup 1994 diễn ra vào tháng 11 năm 1993, Gualtieri đã ghi được một bàn thắng ở giây thứ 8,3 của trận đấu. Dù sau đó kỷ lục này đã bị phá vỡ bởi Christian Benteke vào năm 2017, nhưng bàn thắng của Davide Gualtieri vẫn được các CĐV Scotland, kình địch lớn nhất của đội tuyển Anh, nhớ đến cho tới tận bây giờ. Thậm chí, theo chia sẻ của Davide Gualtieri, các CĐV người Scotland còn gửi tặng anh một chiếc áo thi đấu có tên anh kèm số áo là 8,3, trùng với số giây anh đưa bóng vào lưới đội tuyển Anh, khi ĐT của quốc gia này đối đầu San Marino vài năm trước.

Dù ở thời điểm hiện tại, San Marino vẫn chỉ là một đội bóng "lót đường" của bóng đá thế giới, nhưng, thay vì chán nản trước cái "nghịch cảnh" của mình, họ, cũng giống như Albert Camus, đã chấp nhận những nghịch cảnh của mình với một nụ cười trên môi, hệt như cái cách mà Sisyphus "cảm thấy hạnh phúc" theo tưởng tượng của Camus trong bài tiểu luận của mình về vị vua này vậy.

Nội dung: KDNX

Anh, tư liệu: Internet

Đồ họa: Mai Huyền