Với tiền đạo Eddie Nketiah của Arsenal, những ngày Chủ nhật lại là ngày bận rộn nhất với cậu. Bận tới mức chỉ trong vòng một ngày, cậu phải liên tục thay quần áo cho hai nơi quan trọng nhất, đó là nhà thờ và sân bóng.
Chính vì nghĩa vụ với nhà thờ cũng thiêng liêng không kém nghĩa vụ với đội trẻ mà Nketiah phải "thương lượng" với thầy của mình về thời lượng gặp mặt đội bóng cũng như những vấn đề xung quanh phòng thay đồ.
"Hồi còn bé, lúc nào tôi cũng phải đi nhà thờ! Luật nó vậy rồi: đi nhà thờ là đi nhà thờ. Tôi cũng yêu nhà thờ lắm, vậy nên tôi chẳng than phiền gì cả" - Nketiah chia sẻ với The Athletic.
"Hồi tôi còn đá giải Chủ nhật (cùng với đội Hillyfielders thuộc phía Đông Nam London-ND), tôi sẽ phải đi nhà thờ từ 10:30 sáng cho tới 11:30 hoặc 11:45 trưa, sau đó lại ba chân bốn cẳng chạy đến sân để kịp đá trận lúc 12 giờ 15. Lúc đến sân, tôi đang mặc quần dài với áo thun, thế rồi, tôi thay đồ ngay trên sân luôn! HLV dù có bực bội cỡ nào đi nữa thì tôi vẫn phải làm nghĩa vụ của mình, kể cả khi thầy ấy nói với tôi: "Làm ơn đi, cả đội có một trận quan trọng mà"!.
"Một thời gian sau đó, HLV quyết định "đầu hàng", dù vậy, thầy ấy vẫn để tôi ra sân. Nói ra điều này để mọi người thấy rằng, nhà thờ quan trọng thế nào với gia đình tôi. Càng về sau, tôi càng phải thi đấu nhiều, vì vậy, tôi không thể đến nhà thờ nhiều như trước. Dù vậy, gia đình tôi vẫn duy trì thói quen này mỗi tuần nếu hôm đó họ không phải theo dõi tôi thi đấu".
Nketiah không phải là trường hợp cầu thủ da màu cá biệt ở Premier League có tuổi thơ êm đềm với nhà thờ. Rất nhiều đồng đội ở CLB cũng như đội tuyển quốc gia của cậu cũng từng có tuổi thơ tương tự, thậm chí, họ còn đem niền tin tôn giáo của mình vào các bài đăng trên mạng xã hội.
Một trường hợp tiêu biểu đó là Bukayo Saka, đồng đội của Nketiah ở sân Emirates. Cầu thủ này thường xuyên đính kèm dòng hashtag "Godschild" (Con của Chúa-ND) trên tài khoản của mình. Eberechi Eze của Crystal Palace còn đi xa hơn khi ăn mừng bằng cách ra dấu thánh trong trận gặp Leeds mùa trước, một trận đấu diễn ra vào ngày Phục sinh, thêm vào đó, cầu thủ 25 tuổi còn thường xuyên nói về đức tin của mình trên mạng xã hội. Marcus Rashford và Raheem Sterling, dù không thể hiện niềm tin tôn giáo của mình một cách mãnh liệt như Saka hay Eze, cũng đã đôi lần nhắc về tôn giáo cũng như giá trị của tôn giáo trong đời sống của mình trong các cuộc phỏng vấn.
Thiên Chúa giáo không phải là tôn giáo duy nhất của các cầu thủ da màu ở Premier League, nhưng nó là tôn giáo ảnh hưởng nhiều nhất lên đời sống của họ, đặc biệt là với các cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Anh trong các gia đình nhập cư, một điều khá đặc biệt khi xét đến việc tỷ lệ người theo Thiên Chúa giáo đang ngày một giảm ở Anh.
Cụ thể, theo một thống kê của Văn phòng thống kê quốc gia của Vương quốc Anh, chỉ có 46,2% dân số ở Anh, tức 27,5 triệu người, coi mình là người Thiên Chúa giáo ở năm đó, con số lần đầu tiên được ghi nhận ở Anh và Xứ Wales. Con số này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ người theo Thiên Chúa giáo đã giảm tới 13,1% so với con số 59,3% dân số theo Thiên Chúa giáo, tức 33,3 triệu người, được thống kê vào năm 2011. Theo The Athletic, nguyên nhân nằm ở chỗ khá nhiều người trong số đó đã chuyển sang tình trạng "phi tôn giáo", khiến tỷ lệ này tăng lên thêm 12% ở thống kê vào năm 2021.
Tuy nhiên, cũng theo một thống kê của Học viện Kinh tế London vào năm 2017, tỷ lệ thành viên Hội Thánh trong cộng đồng da màu lại tăng lên tới 44% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2012, đặc biệt là ở vùng Đại London. Cũng theo báo cáo này, đa phần các thành viên da màu đều đi theo giáo hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church-ND), một giáo hội có khá nhiều chi nhánh ở London. Điều này cũng giải thích vì sao có khá nhiều cầu thủ da màu theo Thiên Chúa giáo ở Premier League trong giai đoạn đó.
"Reisss Nelson và Bukayo Saka đã khoác áo Arsenal từ rất lâu, Joe Willock cũng là một cái tên đang nổi ở Arsenal khi đó", Nketiah chia sẻ.
"Với Eze, mỗi khi ở Anh, bọn tôi luôn tạo ra được kết nối với nhau, bởi bọn tôi đều từng bị các học viện bóng đá hàng đầu thải loại. Tuy nhiên, bọn tôi vẫn giữ niềm tin trong lòng, đồng thời động viên lẫn nhau mỗi khi cảm thấy suy sụp, nhờ đó mà lúc nào bọn tôi cũng giữ vững được niềm tin vào bản thân".
Ngoài những ký ức tươi đẹp dưới mái nhà thờ, các cầu thủ da màu ở Premier League còn đến với niềm tin tôn giáo như một cách "chữa lành" những chấn thương tâm lý, hoặc chỉ đơn giản là tìm một chốn yên bình trong tâm khảm.
"Tôi không phải người sùng đạo, nhưng gia đình của Eddie Nketiah lại là những người như thế. Tôi nghĩ điều đó đã giúp em ấy rất nhiều", Bill Cawley, trưởng bộ môn thể dục ở trường Addey & Stanhope, ngôi trường Nketiah từng theo học, chia sẻ với The Athletic.
Cậu ấy được nuôi dạy trong môi trường tôn giáo, vì vậy, cậu ấy có niềm tin vào tôn giáo rất mãnh liệt. Bố mẹ của cậu ấy cũng rất chú trọng điều này. Tôi nghĩ nhờ đó mà cậu ấy đã hiểu hơn về đạo đức trong lao động".
Nketiah liệu có đồng tình với nhận định trên? "Tôi cũng nghĩ vậy. Tôn giáo trao cho tôi một lý do sống và là một thứ đã luôn gắn bó với cuộc đời tôi", Nketiah chia sẻ với The Athletic.
Eze cũng được nuôi dạy trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo ở Greenwhich, cách Lewisham, nơi sinh ra và lớn lên của Nketiah không xa lắm. Hồi tháng 4 năm nay, anh đã từng chia sẻ với The Athletic như sau: "Với tôi, điều này thực sự quan trọng, một phần vì nó đem lại những khoảng lặng đầy bình yên trong tâm trí, đồng thời, giúp tôi nhìn lại và căn chỉnh bản thân".
Chia sẻ với The Athletic, hậu vệ Wes Harding của Milwall, người sinh ra và lớn lên ở Leicester nhưng lại chọn thi đấu cho Jamaica vào năm 2021, cũng có góc nhìn tương tự. "Tôn giáo giúp tôi loại bỏ sức ép và những gánh nặng tâm lý. Có rất nhiều sức ép trong cuộc sống cũng như trong bóng đá. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy như mình đang "chống lại cả thế giới", thậm chí, cảm nhận sức nặng của thế giới đang đè nặng lên mình Nhưng khi nguyện cầu cùng Đức Chúa trời, khi được trao đổi với những người luôn muốn giúp đỡ bạn, có cảm giác mọi gánh nặng đều trở nên dễ gánh vác hơn".
Rashford và Saka, hai "tội đồ" của bóng đá Anh ở kỳ Euro 2020 sau khi đá hỏng nhưng quả luân lưu quyết định ở trận chung kết gặp Italia, đã gặp phải rất nhiều chỉ trích, thậm chí là thóa mạ nhắm vào màu da và sắc tộc của cả hai trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cả hai, đặc biệt là Marcus Rashford, đều đã vượt qua được những trải nghiệm tồi tệ này. Thậm chí, Rashford còn chia sẻ với The Athletic rằng, khi so sánh với tuổi thơ và hiện tại của anh, thật khó có thể tin rằng Chúa không có mặt trên đời.
Harding cũng tin rằng niềm tin vào tôn giáo đã giúp Rashford và Saka vượt qua quãng thời gian hậu Euro đầy tồi tệ của cả hai. "Tôi cho rằng niềm tin tôn giáo đã giúp cả hai có được sức bền để vượt qua quãng thời gian khó khăn. Có thể nói, họ đang dần trở nên mạnh mẽ và bền bỉ hơn trước đây".
Với Nketiah, quãng thời gian bị Chelsea thải loại khi mới 14 tuổi chính là quãng thời gian mà cậu cảm nhận rõ ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo. "Cảm giác như cả thế giới sụp đổ trước mắt em vậy", Nketiah chia sẻ.
"Em nhớ rằng em đã ngồi cùng gia đình để cầu nguyện, em tin rằng Chúa sẽ trao cho em một cơ hội để thể hiện tài năng mà Người đã ban cho em. May thay cho em, Người đã đáp ứng lời cầu nguyện của em bằng cơ hội ở Arsenal. Đó là khoảnh khắc em nhận ra rằng dù có gì xảy ra đi nữa, Đức Chúa trời sẽ luôn ở bên em, và sẽ luôn là người mở ra cánh cửa mới cho em".
Dù các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ theo Thiên Chúa giáo, luôn thể hiện rõ niềm tin của mình khi thi đấu cho ĐTQG hay CLB, nhưng cho tới nay, mới chỉ có một hội nhóm được thành lập để họ có thể nói về niềm tin tôn giáo của mình, đó là Ballers In Gods (Thi đấu Cùng Đức Chúa trời-ND).
Cụ thể, hội này được thành lập bởi Wes Harding và John Bostock, cựu tiền vệ của Crystal Palace và Tottenham. Tôn chỉ hoạt động của hội này đó là xác lập và phát triển niềm tin tôn giáo cho các cầu thủ, đồng thời tạo ra sự thay đổi trong tâm khảm của họ. Cho tới nay, hội này đã có nhiều nhóm hoạt động ở Anh, Pháp và Hà Lan sau 3 năm đi vào hoạt động.
"Chúng tôi có một hội ái hữu họp vào thứ 4 hàng ngày để anh em có thể bàn về bóng đá và niềm tin tôn giáo, cùng với đó là cách chúng tôi chia sẻ tôn giáo và xoay chuyển cuộc sống của mình. Kể từ khi gia nhập hội, tôi bắt đầu phát triển sự nghiệp bóng đá của mình nhiều như niềm tin tôn giáo của mình vậy", Harding chia sẻ.
"Mỗi tuần, anh em chúng tôi sẽ họp trên Zoom, hằng tháng, chúng tôi sẽ gặp gỡ offline ở London, vùng miền Trung và miền Bắc để anh em có thể gặp nhau ngoài đời.
"Nhóm ở Anh thậm chí có cả group Whatsapp với 200 thành viên. Ở các buổi họp hằng tuần của chúng tôi, có tới 50 cầu thủ tham gia chia sẻ về những gì họ đang trải qua".
Cũng giống Nketiah, Eze và rất nhiều cầu thủ khác, Harding sinh ra và lớn lên trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Kể cả khi đã trưởng thành, anh vẫn luôn coi việc tham dự những buổi lễ Nhà thờ vào Chủ Nhật là trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, cũng theo Harding, việc tìm đến tôn giáo khi lớn sẽ tốt hơn so với việc đi theo tôn giáo ngay từ khi còn nhỏ. Cụ thể, anh chia sẻ với The Athletic: "Một vài người gặp phải những trải nghiệm không mấy vui vẻ với nhà thờ. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu họ tìm đến niềm tin tôn giáo khi đã bước vào tuổi trưởng thành".
Các cầu thủ ở Premier League có rất nhiều tôn giáo khác nhau, từ Hồi giáo, Thiên Chúa giáo cho tới Hindu, nhưng có một điểm chung ở họ, đó là tất cả đều hòa đồng với nhau khi chia sẻ về tín ngưỡng của mình. "Đây là một môi trường mở mà", Nketiah chia sẻ. "Mỗi chúng em sẽ có niềm tin khác nhau, ví dụ như Mohamed Elneny là người Hồi giáo, vì vậy, Arsenal luôn có chỗ riêng cho anh ấy cầu nguyện. Điều hay nhất, theo em, đó là chúng em luôn có được môi trường để thể hiện bản thân cũng như niềm tin tôn giáo của mình". Nketiah kết luận ở cuối buổi trò chuyện với The Athletic.