Vào năm 1965, trong số tháng 3 và tháng 4 của tạp chí O Tempo e o Mondo (Thời đại và thế giới-ND), nhà nhân chủng học, sau này trở thành nhà đối ngoại lỗi lạc của Bồ Đào Nha, Jose Cutileiro, đã xuất bản một luận văn mang tên "Os Super -Portugueses: Algumas Notas Sobre O Sport Lisboa e Benfica", hay "Siêu Bồ Đào Nha hay là những ghi nhận về nền thể thao của thành phố Lisbon và Benfica". Trong luận văn này của mình, nhà nhân chủng học người Bồ Đào Nha đã cố gắng cho người đọc thấy được cách ban lãnh đạo Benfica điều hành CLB. Một trong số những điểm đáng chú ý nhất của luận này đó chính là Lar Do Jogado - "mái nhà" của các cầu thủ, một khu nhà nơi các cầu thủ đến sống và ăn tập hằng tuần.
Trong luận văn của mình, Cutileiro mô tả khu nhà đó như sau: "Các cầu thủ được tách biệt hẳn khỏi cộng đồng. Các cầu thủ đã có vợ sẽ được "tập trung" (theo đúng nghĩa là "trại tập trung", tôi phải nói rõ thế, chứ không chỉ đơn giản là "tập trung" bình thường), ở khu Lar từ ngày thứ 5 cho đến khi kết thúc trận đấu vào ngày chủ nhật. Kể cả khi ở bên gia đình, họ cũng được giám sát nghiêm ngặt. Ví dụ, họ không được đi xem phim mỗi tối chủ nhật với gia đình như người bình thường".
Cũng trong luận văn của mình, Cutileiro cũng chia sẻ thêm: "Các cầu thủ vẫn còn độc thân của Benfica phải sống tập trung cùng nhau ở Lar trong một căn phòng không có lò sưởi, trang thiết bị thì như của một nhà trọ mạt hạng. Ở đó, họ phải ăn trưa và ăn tối theo kẻng, sau đó đi ngủ lúc 10 giờ đêm theo đúng quy định".
Cutileiro không hề dấu diếm sự không hài lòng, thậm chí là ghê tởm của ông dành cho hệ thống quản lý cầu thủ của Benfica. Trong luận văn của mình, ông sử dụng từ "tách biệt" rất nhiều lần như để nhấn mạnh sự hà khắc trong cách đối xử với cầu thủ của những người quản lý Benfica thời điểm đó, đặc biệt là với các cầu thủ trẻ. Cụ thể, trong bài viết của mình, Cutileiro chia sẻ: "Đây là một tập thể của các cậu trai trẻ bị tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, nhưng tệ hơn cả, họ phải đối mặt với điều kiện sống tồi tệ, những căng thẳng về mặt tinh thần ở các trận đấu. Nhưng hơn hết, đó là khoảng cách quá lớn giữa danh tiếng họ đem về và điều kiện sống hiện tại của họ. Đáng buồn hơn, trong khi người lao động ở các ngành nghề khác bắt đầu "hưởng lộc" sau khi nghỉ hưu, thì các cầu thủ này sẽ phải đối mặt với những chấn thương tâm lý sau khi giã từ sự nghiệp của mình".
Với Cutileiro, đây là một hế thống vô nhân tính, bởi lẽ, trong hệ thống này, các cầu thủ bị quản lý nghiêm ngặt từ giờ ngủ, đồ ăn thức uống cho tới cuộc sống hằng ngày của họ. Nói cách khác, theo Cutileiro, "các cầu thủ đã bị khước từ quyền được "để yên" dù chỉ là một phút trong đời mình".
Cũng trong luận văn của mình, Cutileiro còn nêu ra một điều đáng buồn khác, đó là sự phân chia đẳng cấp giữa cầu thủ và giới chủ ở Benfica. Cụ thể, ở Benfica, giám đốc điều hành sẽ gọi các cầu thủ là "tu", một đại từ nhân xưng trong tiếng Bồ Đào Nha tương tự với "mày" trong tiếng Việt, khác với "Vôce", một đại từ nhân xưng lịch sự hơn. Trong khi đó, các cầu thủ phải gọi giám đốc của mình là “senhor”, có nghĩa là "ngài" trong tiếng Việt. Theo Cutileiro, đây chính là một ví dụ cho sự độc tài của các ông chủ Benfica thời điểm đó. Một ví dụ khác cũng được Cutileiro nêu ra trong luận văn của mình, đó là một ngày nọ, giám đốc của Benfica gặp chuyện không vui với gia đình. Trong cơn tức giận, y đã bắt các cầu thủ của mình phải đi ngủ từ 9 giờ tối chứ không phải 10 giờ theo đúng quy định. Đương nhiên, chẳng có cầu thủ nào dám phản đối quyết định này. Cuối cùng, Cutileiro kết luận: "Các cầu thủ thời điểm đó chỉ có thể dựa vào lòng trắc ẩn của những kẻ "bề trên" mà thôi"!.
Không chỉ quản lý chặt các cầu thủ của mình, ban lãnh đạo Benfica thời điểm đó còn cho thấy sự "thâm hiểm" trong cái cách họ "trừng phạt" các cầu thủ của mình. Cụ thể, trong luận văn của mình, Cutileiro nêu ra một trường hợp, đó là Felix, người được ông mô tả là "tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha". Thời điểm đó, Felix muốn được tăng lương, tuy nhiên, CLB khước từ yêu cầu này của anh. Sau đó, họ bắt đầu cáo buộc anh tham gia dàn xếp đá phản lưới hai bàn thua của Benfica. Ngay sau khi những lời cáo buộc được đưa ra, Benfica bắt đầu phạt anh bằng cách "cấm cửa" Felix trong một quãng thời gian dài, đồng thời, không cho phép bất cứ CLB nào tiếp cận anh trong quãng thời gian đó, đồng nghĩa với việc Felix không thể đến một CLB nào khác. "Cuối cùng, khi án phạt đã kết thúc. Sự nghiệp của Felix cũng tan tành", Cutileiro kết luận.
Được thành lập vào năm 1904, Benfica nhanh chóng trở thành một trong những CLB nổi tiếng nhất của bóng đá Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, phải đến năm 1954, thời điểm "Đại bàng" của thủ đô Lisbon có được HLV người Brazil, Otto Gloria, CLB này bắt đầu trở thành một thế lực thật sự của bóng đá Châu Âu. Đến tháng 12 cùng năm, CLB chính thức khánh thành sân vận động Estadio Da Luz sau 18 tháng thi công. Cũng ở thời điểm đó, Lar Do Jogador bắt đầu được thành lập để kiểm soát thể lực, chế độ dinh dưỡng cũng như đời sống cá nhân của các cầu thủ kỹ lưỡng hơn.
Ngay khi chuyển đến Benfica, HLV người Brazil đã áp dụng một phong cách chiến thuật chưa từng được áp dụng trong bóng đá Châu Âu hay bóng đá Bồ Đào Nha, đó là đội hình 4-2-4. Trong đội hình này, các tiền vệ trung tâm sẽ được phép dồn về để trở thành một tiền vệ phòng ngự, trong khi đó, các trung phong sẽ được dồn về để hỗ trợ hàng tiền vệ. Ngoài ra, HLV người Brazil còn thiết lập những giáo án tân tiến cho Benfica. Đến khi chuyển đến Beleneses ở mùa giải 1959-1960, HLV người Brazil đã có được một phòng truyền thống đồ sộ bao gồm rất nhiều danh hiệu VĐQG cũng như danh hiệu Cup Quốc gia Bồ Đào Nha, cùng với đó là một danh hiệu Cup Latin. Nhưng hơn hết, ông đã để lại một nền tảng vững chắc cho người kế nhiệm Bela Guttman.
HLV người Hungary thời điểm đó từng là một tiền vệ trung tâm kỳ cựu trong màu áo đội tuyển Áo, sau đó là đội tuyển Mỹ. Vào năm 1932, ông quyết định trở lại Áo để dẫn dắt CLB cũ của mình, Hakoah Vienna, một CLB dành cho người Do Thái của thủ đô Vienna, trước khi chuyển đến Hà Lan. Hai năm sau, ông quyết định trở lại Hakoah, nhưng lại phải rời khỏi quê nhà sau khi Áo bị Đức Quốc xã chiếm đóng.
Vào năm 1964, thời điểm ông viết hồi ký của mình, HLV huyền thoại nói rất ít về những trải nghiệm của mình, bởi theo ông: "Rất nhiều quyển sách đã nói về những năm tháng đấu tranh giữa sự sống và cái chết đó rồi. Vì vậy, sẽ không hay nếu cứ nhắc lại những chi tiết đó với người đọc". Chính bản thân HLV người Áo cũng gặp phải một nỗi buồn vẫn hành hạ ông cho đến lúc qua đời, đó là cái chết của anh trai ông trong trại tập trung phát xít Đức.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Bela Guttman tiếp tục sự nghiệp huấn luyện của mình ở Hungary, Romania, Italia, Argentina, Đảo Síp, và Brazil. Ngay sau đó, Porto đã quyết định đưa ông về sân Estádio das Antas, nơi ông có được những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, bằng quyền lực của mình trong làng bóng đá Bồ Đào Nha thời điểm đó, Benfica đã nhanh chóng có được HLV người Hungary, người sau đó đã xây dựng nên đội hình 4-2-4, một đội hình được xây dựng dựa trên sự linh hoạt cùng tôn chỉ "chuyền tới chết, sút tới chết". Bên cạnh đó, đội hình này còn giúp các cầu thủ luân chuyển vị trí cho nhau ở các pha dàn xếp tấn công với ý đồ tìm ra khoảng trống nguy hiểm ở khu vực trung lộ đối phương.
Ngay ở mùa giải đầu tiên dẫn dắt Benfica, Bela Guttman đã giành được danh hiệu VĐQG cho đội bóng này. Nhờ đó mà Benfica có được suất tham dự Cup C1 mùa giải 1960-1961. Sau khi lần lượt vượt qua những tên tuổi hàng đầu bóng đá Châu Âu thời điểm đó như Hearts, Ujjpest, Aarhus, Rapid Vienna, "Đại bàng" đã vào chơi trận chung kết diễn ra trên sân Wankdorf ở Thụy Sĩ, nơi họ đã đánh bại Barcelona để trở thành nhà vô địch Châu Âu đầu tiên của bóng đá Bồ Đào Nha.
Sang đến mùa giải sau đó, Benfica đối đầu với Real Madrid ở trận chung kết diễn ra trên sân Olympisch ở thành phố Amsterdam. Ở trận đấu đó, Ferenc Puskas, đồng hương của HLV Bela Guttman và là đầu tàu của Real Madrid thời điểm đó, sớm có được hai bàn thắng cho Los Blancos. Tuy nhiên, chỉ sau 34 phút, Jose Augusto, và Cavem nhanh chóng san bằng tỷ số cho Benfica. Puskas sau đó có được bàn thắng thứ 3 vào lưới Benfica ở những phút cuối của hiệp 1. Sang đến hiệp 2, Mario Coluna gỡ hòa 3-3 cho đội chủ sân Estado Da Luz ở phút thứ 50, sau đó, Eusebio ấn định trận đấu bằng hai bàn thắng ở các phút 64 từ chấm penalty và phút thứ 69 của trận đấu, qua đó, bảo toàn thành công danh hiệu Châu Âu cho Benfica.
Cũng như trường hợp của Felix, Bela Guttmann cũng tìm đến CLB để đề nghị tăng lương. Tuy nhiên, thay vì quyết định tăng lương cho người vừa đem về danh hiệu C1 thứ hai trong lịch sử CLB, ban lãnh đạo Benfica quyết định từ chối đề nghị này của HLV Hungary. Cảm thấy bị xúc phạm, ông đã quyết định từ chức, và trong ngày rời khỏi sân Estado Da Luz, HLV huyền thoại người Hungary đã để lại một "lời nguyền" bất hủ: "Benfica sẽ không bao giờ giành được thêm danh hiệu Châu Âu nào trong vòng 100 năm tới"!.
Chẳng biết lời nguyền đó có thật hay không, nhưng đúng là Benfica chưa bao giờ dành được thêm một danh hiệu Châu Âu nào trong số 5 lần lọt vào trận chung kết Cup C1 ở các năm 1963, 1965, 1968, 1988 và 1990. Kể cả khi cậu học trò Eusebio đến quỳ trước mộ ông thầy cũ người Áo trước trận chung kết Châu Âu mùa giải 1989-1990, cố HLV huyền thoại vẫn không chịu buông tha cho "trại lính bị nguyền rủa" này. Hậu quả là AC Milan đã đánh bại Benfica với tỷ số tối thiểu 1-0 nhờ bàn thắng duy nhất của Frank Rijkaard ở phút thứ 68 của trận đấu.
Cho đến nay, Bela Guttman vẫn được xem là một huyền thoại của CLB, một cá tính lớn của nền bóng đá Bồ Đào Nha thời điểm đó. Tuy nhiên, cái tên của ông sẽ mãi gắn liền với lời nguyền huyền thoại, một lời nguyền tới từ chính sự kiêu ngạo của ban lãnh đạo Benfica, những người luôn cho rằng bằng quyền lực của mình, họ có thể chèn ép HLV người Hungary như đã làm với Felix trong quá khứ.