“Thường nghe các bậc đế vương thánh hiền nổi lên, ắt là do trời đất chung đúc phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự thiêng liêng, hòa khí tụ hội ứng kỳ mà sinh ra vậy”. Lời khắc trên văn bia tại đền thờ Vua Lê Đại Hành cũng chính là sự đúc kết về nhân vật lịch sử lẫy lừng, mà những “di sản” ông để lại đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới trên hành trình xây dựng quốc gia Đại Việt huy hoàng.
Lê Hoàn (941 - 1005) quê ở Xuân Lập, Châu Ái (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Thuở nhỏ nhà nghèo, bố mẹ mất sớm. Có viên quan họ Lê thương tình đem về nuôi. Lê Hoàn làm lụng chăm chỉ, chịu khó, nên được ông quan họ Lê hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Lê Hoàn tư chất thông minh, học đâu hiểu đó, lại là người có chí lớn, có sức khỏe, giỏi võ nghệ. Năm 15 tuổi (năm 956), ông theo con trai trưởng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Liễn tham gia công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân. Nhờ lập nhiều công trạng, ông được Đinh Bộ Lĩnh tin dùng và giao cai quản 2000 quân sĩ. Với tài năng, lại túc trí đa mưu, được lòng quân sĩ, đến năm 971 khi tròn 30 tuổi, ông đã được phong chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ dưới triều nhà Đinh, tổng chỉ huy 10 đạo quân trong nước.
Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Triều đình nhà Đinh buộc phải lập Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế thừa đại nghiệp. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn giữ quyền nhiếp chính. Thấy vậy, các tướng của Đinh Tiên Hoàng là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp có ý nghi ngờ Lê Hoàn nắm quyền hành trong tay sẽ làm điều bất lợi cho vua, nên đã cùng dấy binh, chia hai đường thủy bộ tiến quân về kinh đô Hoa Lư nhằm lật đổ Lê Hoàn, song đã bị Lê Hoàn quét sạch. Lúc bấy giờ ở phương Bắc, nhà Tống đang trong giai đoạn cường thịnh. Hay tin Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn kế nghiệp còn nhỏ tuổi, triều thần lại bất hòa đánh giết lẫn nhau, nhà Tống thừa cơ đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Trước tình thế cấp bách, Thái hậu Dương Vân Nga cùng tướng lĩnh đã thống nhất suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế.
Năm 980, Lê Đại Hành hoàng đế lên ngôi, mở đầu cho triều đại Tiền Lê. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã nhanh chóng ổn định tình hình triều chính và chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến chống Tống. Tháng 3 năm Tân Tỵ 981, quân Tống ồ ạt tiến công xâm lược nước ta. Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng dẫn quân bộ tiến đánh Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ tiến đánh Tây Kết; Lưu Trừng dẫn quân thủy tiến vào sông Bạch Đằng. Phía đường thủy, nhà vua sai đóng cọc trên sông Bạch Đằng theo kế sách của Ngô Vương thuở trước. Phía đường bộ sai người trá hàng dụ Hầu Nhân Bảo đến Chi Lăng, đặt phục binh chém chết. Nhà vua chỉ huy quân sĩ chặn đánh Trần Khâm Tộ, khiến đội quân này thua to, chết quá nửa, thây phơi đầy đồng. Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, ba đạo quân lớn của nhà Tống đã bị vua tôi nhà Tiền Lê đánh tan, những tên may mắn sống sót phải liều mạng trốn chạy mới thoát được về bên kia biên giới. Công cuộc kháng chiến chống Tống giành thắng lợi, bờ cõi phía Bắc tạm yên, nhưng ở phía Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Vua Lê Đại Hành lại ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm tử trận, nhiều thành trì bị phá hủy, nhờ đó biên giới phía Nam mới được yên ổn.
Đánh giá về công cuộc chống Tống, bình Chiêm của nhà vua, sử gia Ngô Sĩ Liên bàn: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sử thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bực anh hùng nhất đời vậy”. Còn sử gia Lê Văn Hưu thì bàn: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng không hơn được”! Không chỉ có tài năng quân sự, lịch sử còn ghi chép lại nhiều thông tin quý, giúp hậu thế biết thêm tài năng của Vua Lê Đại Hành trên các phương diện phát triển kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Ngay sau công cuộc chống Tống, bình Chiêm, ông đã bắt tay vào công cuộc chấn hưng đất nước, tạo dựng nền móng để xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt vững mạnh.
Có thể khẳng định, sự nghiệp lẫy lừng gắn với công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước của Hoàng đế Lê Đại Hành đã ghi một dấu son rực rỡ vào lịch sử dân tộc. Để rồi, dẫu đã cách hậu thế hơn một nghìn năm, song nhiều bài học quý giá cả về nghệ thuật quân sự đến củng cố chính quyền và phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội… mà ông để lại, đã trở thành hành trang để dân tộc ta vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Bàn về công lao của Vua Lê Đại Hành, văn bia trong đền thờ ông tại làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân) có đoạn: “Xét nay thắng cảnh huyện Thụy Nguyên tỉnh Thanh Hóa, xưa kia đứng đầu cả nước, núi sông kỳ tú, khí lành tốt tươi sinh ra đức vua Đại Hành, mặt rồng như vua Tống, vẻ phượng tựa vua Đường, hợp với điềm lành nhà Lê sinh chúa, càng sáng tỏ điểm tốt bà Đặng Thị mộng thấy hoa sen. Phò ấu chúa nắm uy quyền mười đạo, nhận mệnh trời hợp lòng người suy tôn, vỗ về kẻ hoạn nạn, làm nên vinh dự lớn. Nắm vững mệnh trời, mở mang đất quý. Bắt vua Chiêm Thành để rửa mối nhục sứ thần bị bắt giữ. Đánh bại quân Tống để đập tan mưu đồ chắc thắng của chúng, trong nước yên vui, các dân tộc ít người đều quy thuận. Nhà Tống phong là Nam bình vương, trị vì 24 năm, thọ 64 tuổi (…) Điều đáng nêu khen! Nhà vua công đức rộng lớn, ân trạch thịnh dày, dân trong bốn biển tưởng nhớ sâu sắc, bèn lập đền thờ ở quê nhà, để bốn mùa hưởng sự báo đền của thiên hạ. Trống chiêng bày nơi đền miếu ngày nay, cờ quạt vẫn như trấn giữ chốn cung điện thuở trước, linh hồn nhà vua lên xuống nơi tả hữu thượng đế có linh thiêng rõ rệt”.
Mùa xuân, tháng 3 năm 1005, Vua Lê Đại Hành băng hà ở điện Trường Xuân (kinh đô Hoa Lư). Trên mảnh đất quê hương ông, làng Trung Lập, Nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của nhân vật lịch sử này. Đền thờ có diện tích khoảng 4ha, với các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như đỉnh đồng, bình hương đồng màu đen có khắc chữ “thiên cổ”, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ năm 1674 đến năm 1857... Với các giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 2018, đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, Nhân dân trong làng, trong vùng lại tổ chức lễ hội nhằm ngày húy kỵ nhà vua (chính hội nhằm ngày 8-3 âm lịch). Vì vị thế đặc biệt của nhân vật được thờ phụng, nên lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-3 âm lịch (trong đó, ngày 7-3 tổ chức tế cáo kỵ, ngày 8-3 tế chính kỵ và ngày 9-3 tế tạ lễ). Xưa kia, lễ hội diễn ra vào những năm chẵn sẽ tổ chức quốc lễ, do quan viên triều đình và của tỉnh làm chủ tế, với các nghi thức đậm tính cung đình trang nghiêm, thành kính, linh thiêng.
Với người dân làng Trung Lập nói riêng, Nhân dân trong vùng nói chung, thì lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là sinh hoạt văn hóa – tâm linh lớn nhất, trang trọng và linh thiêng bậc nhất. Họ cũng là những người đã sáng tạo nhiều nghi thức truyền thống rất đặc sắc, độc đáo nhằm nâng cao giá trị của di sản. Chẳng hạn, vào sáng ngày 6-3 âm lịch, các hoàng đinh trong làng được các giáp cắt cử ra hồ nước phía Đông nghè (đền thờ vua) bốc bùn đắp lên thành đất phía trước đền (gọi là tục bồi tường). Tục lệ này nhằm gợi nhớ lại xưa kia tướng quân Lê Hoàn yêu cầu quân sĩ khi lập đồn, hạ trại phải đào hào đắp lũy. Trong khi đó, một nhóm khác được cử xuống hồ đánh cá và đem những con cá to lên làm gỏi để tiến vua. Ngoài ra, lễ hội cũng là để người dân trong làng, trong vùng dâng lên sản vật địa phương, những của ngon vật lạ được làm ra từ đôi bàn tay lao động của con người nơi đây.
Cùng với phần lễ, phần hội hết sức sinh động với các trò chơi, trò diễn dân gian tái hiện công lao to lớn của nhà vua và các tướng sĩ có công bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng. Trước đây, các trò chơi được tái hiện trong lễ hội như lễ tịch điền, thi bắn cung, bắn nỏ, vật, cờ tướng, đua thuyền,thi làm bánh chưng nung, xôi nén, tục chạp lăng, chạp mộ... Ngày nay, bên cạnh nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vẫn được duy trì, lễ hội xuất hiện thêm nhiều hoạt động thú vị khác như hội chợ quê, bóng chuyển, kéo co.... Một điểm nhấn đặc sắc trong lễ hội là nghi thức rước kiệu, hàm chứa nhiều ý nghĩa và giá trị tâm linh. Kiệu được rước từ đền ra các điểm thờ như lăng Quốc mẫu, lăng Hoàng khảo... để thực hiệc các nghi thức dâng hương, bái tế trước khi diễn ra phần chính lễ tại đền thờ. Đoàn rước kiệu được tổ chức công phu với cờ lộng, dàn binh khí, phường nhạc bát âm và đoàn người rước được làng chọn lựa kỹ là các nam thanh nữ tú có đạo đức tốt, gia đình yên ấm, hòa thuận.
Nếu chức năng chính của văn hóa là giáo dục, thì lễ hội - một trong những thành tố quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, đã và đang góp phần bồi dưỡng và hướng con người lý tưởng, đạo đức và hành vi chuẩn mực, “điều hay lẽ phải”. Lễ hội lắng đọng nhiều lớp phù sa văn hóa mà làm nên sức sống và giá trị, do vậy có nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định: Lễ hội là một bảo tàng văn hóa, một thứ bảo tàng tâm thức lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa của con người. Cũng chính vì lẽ đó, trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng của xứ Thanh, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn có vị trí rất đặc biệt. Sự đặc biệt này xuất phát từ chính uy danh và công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng đối với lịch sử dân tộc. Để rồi từ xưa, lễ hội này đã trở thành một sinh hoạt văn hóa long trọng, góp phần vun đắp các giá trị đẹp cho một nền văn hóa giàu bản sắc và tính nhân văn. Đồng thời, với các nghi thức, tục lệ độc đáo, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự vinh danh này trước hết là nhằm khẳng định các giá trị to lớn của di sản trong kho tàng văn hóa xứ Thanh, văn hóa dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tri ân, ngưỡng vọng của hậu thế đối với công đức tiền nhân tiên tổ. Cùng với đó, vinh danh cũng gắn liền với trách nhiệm của hậu thế trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vốn giàu có và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Về với lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là hành trình “về nguồn” – về với nguồn cội tổ tiên của con dân đất Việt, về để ngưỡng vọng và tự hào, để thấy trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc và góp sức dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.