Khát khao sức trẻ tôi khăn gói đi tìm tương lai. Ngày đi bố dặn: “Làm gì ở đâu, ngày tết nhớ thu xếp mà về. Về nhà ăn bữa cơm cuối năm, con nhé”. Tết xưa đủ đầy các thành viên trong gia đình, con cháu tề tịu đông đủ dâng mâm cỗ cúng tổ tiên. Mâm cỗ hoà quyện nén hương thơm tưởng nhớ người đã khuất, có chuyện vui, có điều hối tiếc, tạm gác lại buồn phiền của năm cũ, gửi gắm ước vọng năm mới đủ đầy, sung túc, cầu mong những điều may mắn, tốt lành.

Những món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt đông, dưa hành, canh măng, nem rán... luôn là niềm tự hào của mẹ. Bánh chưng xanh được mẹ chọn lựa cẩn thận từ những chiếc lá dong với hương thơm ngào ngạt của gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh, dù chỉ nhìn thôi cũng cảm nhận sự sống động của mùa xuân. Lát bánh chưng chín mềm, thơm phức, trắng ngần, bọc chặt lấy nhân thịt mỡ, cắn vào có sự dẻo dính, ngọt nhẹ. Nhân đậu xanh mềm mịn, có màu vàng óng, quyện với mỡ lợn béo ngậy, lan tỏa không khỏi lưu luyến. Bát thịt đông làm từ thịt ba chỉ, thêm vài miếng bì lợn, chút nước mắm ngon, tiêu sọ cay nồng, ninh nhừ, xăm xắp nước, đông lại thành một khối đặc quánh, dẻo thơm.

Nhưng tết này con ở nơi xa lắm, dù có đủ món cũng khó thay thế mâm cỗ tết quê thưở nào.

Ngày ấy, vì là con cả trong nhà nên tôi thường được cùng mẹ đi chợ phiên cuối năm... Xóm bên này sông, muốn đi chợ phải qua bến đò quan. Trời còn nhọ mặt người mà trên con đường nhỏ dẫn ra sông đã nhấp nhô bóng người, tiếng gọi nhau í ới xôn xao cả triền đê. Thời gian khó, tiếng là chợ nhưng bên trong chỉ có vài dãy lều xiêu vẹo, mái lá nhìn thấu trời. Tờ mờ sáng trời còn nhiều sương, ngoài đường đã thấy những chiếc xe tự chế chở gà vịt, ngan ngỗng chen chúc nhau trong cái lồng sắt, kêu oạc oạc...

Chợ Đông nằm phía rìa làng, qua con mương nhỏ phía đông cánh đồng Sang, qua đò đi bộ một dạo là đến nơi. Tiếng chào mời, tiếng mặc cả, tiếng người nói chuyện, tiếng trẻ nô đùa, tiếng gà vịt xôn xao. Sợ lạc nên vừa đi tôi vừa bám gấu áo mẹ. Mẹ nói chợ quê bình yên lắm, nhà nào có gì đều mang ra chợ bán. Các dì, các mẹ tranh thủ làm những sản vật một nắng hai sương trên ruộng đồng trước cả mấy tháng trời, chờ dịp tết cho tất cả vào đôi gánh, quẩy ra chợ bán, còn có đôi đồng lo cho cái tết gia đình thêm tươm tất, vừa buôn bán vừa tỉ tê tâm sự chuyện nhà. Trên vai mẹ gánh đôi gà trống thiến, ít gạo nếp nhà làm sau khi đã dành riêng cho tết, vài chục trứng, mớ trầu cau sau vườn nhà. Thế mà bà vẫn than ngắn thở dài: “Bán chỗ này không biết có đủ tiền mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới để đón tết không nữa. Tội nghiệp, khi nào cho hết khổ, cho chúng bằng chị bằng em”.

Nhớ mẹ, thương mẹ đến quặn lòng.

Heo may như tiếng nhắc buồn, nao lòng mái tóc mẹ bạc trắng giữa cái lạnh cuối đông chạm vào từng tế bào da thịt, mẹ gom lá sả, lá hương nhu, lá mùi già từ sau vườn nhà gội đầu cho con để xua tan những bụi trần còn vương vấn tâm tư. Mùi tinh dầu của lá sả thơm nhẹ nhàng mà ngây ngất. Lá hương nhu có mùi dịu nhẹ, thanh thoát như vương vấn trong không khí một sự yên bình lạ thường. Mùi già ngai ngái, thơm nồng nàn... mẹ lấy gáo dừa múc nước vào chiếc chậu nhôm, pha nước lạnh cho vừa ấm rồi lần lượt tắm cho hai chị em. Chao ôi, thứ lá dân dã quyện hòa hương thơm đến tinh tế, đến thiết tha hương đồng cỏ nội thoảng qua trong gió xuân, để tâm hồn thanh thản, thư giãn, như thể được tái sinh từ đất trời, gột rửa những ưu phiền, buồn khổ.

“Ta đi không làm quan, ta về không mũ áo, ta mãi là sơ sinh, trong vòng tay của mẹ”, ở phương trời xa ngái, sao bỗng thấy lòng da diết được tựa vào vai mẹ, mãi là đứa trẻ vụng về cần được chỉ bảo chở che. Giữa trăm hồng ngàn tía ngoài kia, con chỉ thấy rưng rưng nao lòng trước màu tóc mẹ bạc trắng suốt một đời vì con.

“Chiều ở nơi đây, chiều không thấy khói"... Nhớ mùi bánh chưng mới vớt, mùi hành muối trong mâm cơm... Những hương vị tết quê nhà giản dị mà sao da diết đến nao lòng. Giữa cái tấp nập, xô bồ của cuộc sống ngoài kia, nhìn dòng người về quê ăn tết mà thấy chạnh lòng, con lại thấy mình bé nhỏ, yếu đuối mỗi khi nhớ về mẹ.

Nội dung: Nguyễn Minh Hiếu

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền