Gió rất hiền, lao xao phố, chộn rộn vòng xe. Năm nay ít bão dông nên phố vẫn đằm nét trinh nguyên mùa trên góc nhỏ, mỗi mái nhà, mỗi hàng cây ngày ngày bước ta qua. Quen thuộc và cũng lạ lùng.

Đường Hạc Thành, thành phố Thanh Hóa độ này vừa hoa sữa nở, nồng nàn quyến luyến bước chân ai. Con phố dài với những quán cà phê từng giết hộ ta bao thời gian, ghi lại bao kỷ niệm, giờ lại thêm những quán nhỏ đưa cay mỗi lúc đêm buông. Ồn ào hơn, náo nhiệt thêm, con phố với cái tên gợi nhớ vết rêu phong thành cổ, bóng dáng cố nhân một thuở, phảng phất sự tịch liêu xưa cũ, giờ là vậy. Kinh tế thị trường mọi điều đều có thể. Phố thêm sắc màu, thêm hương vị, cũng thêm bước chân qua, để thành phố ngàn cánh hạc bay tung cánh đón khách xa về. Ồn ã, nhưng vẫn nồng nàn, phố cho ta những phút giây trải nghiệm đúng nghĩa hương vị phố. Có cái gì vừa gợi nhớ xưa cũ, nhưng vẫn rần rật bước chuyển mình…

Những ngày ngòn ngọt rét. Đông vừa sang, thu chưa đi hết. Lá thản nhiên, vô tư rụng rắc đều hè phố, rắc vào lòng những tơ vương, đánh thức cả nỗi niềm nơi lòng người chai sạn. Như thường lệ, ta thả lòng mình trên phố, thả lòng theo bước chân đi, thấy mình nhẹ tênh, thư thái đến lạ lùng. Ta thấy ta vừa là ta hôm nay, cũng có chút gì đấy hôm qua. Cẩn trọng hơn nhưng chưa hẳn đã hết dại khờ. Thời gian trôi đi, nhưng thời gian chưa từ biệt mình. Bảo ta già, đúng là tóc ta đã chuyển màu, nhưng khen mình trẻ, quả mình còn trẻ, như mùa kia vậy. Chẳng phải thu cũng chưa phải đông, mà nhè nhẹ mơn man bóng hình trong khúc giao mùa hoa sữa nở. Sâu lắng và nồng nàn, như tình nhân bên nhau, thật nhiều xúc cảm.

Phố thơm khiến nhiều người quên mình là người cẩn tính, để hòa mình vào dòng người bất tận, dụ thân vào những quang gánh vỉa hè nhâm nhi ly rượu ốc, chờ nướng gắp chả tôm thơm lừng vị biển trên khu phố Nhà Thờ. Và còn thật nhiều quà phố, nhỏ bé như những bắp ngô bụ sữa lách tách thơm trên chậu than hồng thôi cũng đủ khiến yết hầu cựa quậy, nhớ thương. Phố vừa nồng nàn, vừa gợi nhớ điều chi.

Và giờ là gió. Ta đứng ở Quảng trường Lam Sơn bên tháp đồng hồ để hít hà trong mơn man của gió, chợt lẩm nhẩm những cảm xúc mà một bạn văn đã viết: "Tháng Mười/ Ngày chở gió run lên vành môi phố/ Người đi tìm khúc hát chiều ấu thơ/ Những chiếc lá chung chiêng tình gieo nhớ/ Bập bềnh trôi câu hát cũ đợi chờ"…

Nắng đổ bóng hanh hao trên những con đường lao xao lá hát ca, bài ca bất tận cho tình nhân vào mùa. Rồi lại mưa. Mưa như lắng lòng cho người tình khúc, cho nhân thế bớt muộn phiền. Lâu lắm rồi mới có một lưới thời tiết giao pha đủng đỉnh và đỏng đảnh đến vậy.

Con đường quen thuộc chỉ mấy trăm sải chân, đã nhớ tới từng viên đá lát vỉa hè, thế mà hôm nay thấy đến lạ lùng. Hàng xà cừ đang mùa trút lá. Những chiếc lá vàng rơi trong nhè nhẹ gió, làm cho cả khúc phố thương mại Lê Hoàn ồn ã, như tĩnh lặng hơn, đáng sống hơn. Sự bon chen thường nhật, sự chụp giựt phố phường như đi vắng cả. Phố mà như không phố. Vẫn tiếng xe, vẫn sự ngược xuôi hối hả, mà như chốn nào, chẳng còn là phố nữa. Tôi đếm từng bước chân chầm chậm, trải lòng mình với nhân gian, thấy thư thái đến vô cùng. Giờ thì thu đang chia tay thật vội vã, như sợ không kịp chuyến tàu vét của mùa. Một sự ra đi khiến tiếc nuối với nhiều người, với cả mình.

Thu đi cho đông tới đầu mùa, không cắt thịt da, mà mơn man rét, cho cúc hoa bung ra khoe sắc màu với nhân gian, cho rực một mảng màu, biếc nẻo xóm ngoại ô. Cái vùng ngoại ô từng là của mình. Căn nhà nhỏ bên làng lúa, làng hoa ấy đã găm lại biết bao kỷ niệm về một thời tuổi trẻ. Chỉ một thời thôi, nhưng da diết nhớ. Giờ thì mình đã thành khách của làng hoa.

Sống trong một khu đô thị hiện đại hơn, nhưng cái tình thì chật hẹp đi, mình cũng trở nên khó tính thêm nhiều. Nhiều đêm trên ban công tầng cao nhất, mình lại xa xăm nhìn về phía của làng. Làng tối, nhưng tình làng, tình người thì sáng. Vậy nên càng khôn nguôi thao thức nhớ cánh đồng, những kỷ niệm nơi cánh đồng. Nhớ về những lão nông, những thôn nữ nửa phố, nửa làng. Và chiều chủ nhật ngày cuối thu, tôi đã có mặt ở cánh đồng hoa một thời thân thuộc, mà lòng, mà tình như lắng đọng điều chi. Bài hát không còn nhớ tên, bài hát về mùa thu chia xa, về một nhân tình ra đi trong gió mùa thu tình khúc chia tay, nghe đã lâu, bỗng thức giấc, cựa quậy trong đáy trái tim khô chai sạn chính mình. Khúc tàn thu như chính ngày lá rụng, như mùa về gió thổi qua tim.

Rôi nắng. Nắng đổ vàng, hanh hao trên những con đường thu lao xao lá hát ca, bài ca bất tận cho tình nhân vào mùa. Rồi lại mưa. Mưa như lắng lòng cho người tình khúc, cho nhân thế bớt muộn phiền. Cứ thế, xúc cảm lúc giao mùa đưa bước chân tôi lãng du trên cánh đồng dài ngút ngát như bất tận về phía không có chân trời.

Nhức mắt với phố phường lòe loẹt, bon chen, lãng xẹt với những cô em đỏng đảnh váy ngắn môi son động tác hệt như lập trình mỗi sớm ở Goodmorningcafe trên phố, tôi như bắt được điều đã mất giữa xóm ngoại ô không xa thành phố, nhưng khác hẳn sự ồn ào của phố. Không cho chụp đâu, cháu đâu cho chụp mà. Con bé ở cánh đồng hoa cất lời trong veo khi tôi dương chiếc máy ảnh về phía nó. Nói thế, nhưng không làm thế, nụ cười trong veo của thôn nữ như có gì đấy làm thức cả mùa thu đang ra đi vội vã. Vàng rực một màu, vàng rực cúc vàng xóm ngoại ô, vàng rực trong tôi màu con bé trong khuôn hình chiếc máy ảnh trên tay mình. Tôi như bắt được báu vật mà mình đã mất trong buổi tàn thu năm nào.

Đồng đất lần nữa phôi thai, chắt nhặt ngọt ngào để sinh hạ thêm vụ mới. Giao mùa, đổi vụ trong cái se sắt của mùa nhè nhẹ đến, thanh bình khó có thể hơn. Những ngọn gió khẽ khàng mơn man trên cánh đồng ngô, bãi mía dọc triền bãi bên bờ sông Chu, sông Mã về phía thượng nguồn.

Một sự bình yên nơi làng quê hứa hẹn thật nhiều điều. Ta thả hồn mình vào không gian bao la với lũ sẻ đồng ríu ran tung cánh trên những cánh đồng mía nối dài xa tầm mắt kia, với bầy dế cỏ hiền ngoan đang tấu lên khúc nhạc rì rầm bên dòng sông mẹ. Một bức tranh đồng đất xứ Thanh điển hình trong thời khắc giao mùa, khiến ta thấy tâm hồn mình đến lạ. Có gì đó râm ran lồng ngực, cựa quậy trong huyết quản thôi thúc ta muốn hít hà, ôm lấy cả xóm làng, những nương dâu trên cánh đồng ở Thiệu Hóa, triền ngô xanh mướt một màu qua vùng châu thổ nơi bước chân qua.

Trên cánh đồng kia là hình ảnh thân thuộc gợi nhớ một thời nơi bà ta, mẹ ta một đời quang gánh, cày bừa gắn bó mưu sinh.

Tháng mười, ta đi về quê từ phố. Phố tháng mười nồng nàn hoa sữa, nhưng phố tháng mười có gì đấy chật hẹp, nặng những mưu sinh, không phóng túng một màu xanh, không bình yên như đồng đất, bãi bờ nơi ta đang đến.

Những đứa con từ làng hành trình vội vàng, miệt mài về phố thị để chấp nhận mưu sinh trong chật hẹp, để lại làng xa thẳm, để lại biết bao kỷ niệm nơi những bờ bãi kia. Đứng ở cánh đồng làng, sống lại ký ức tuổi thơ, có cái gì đó như níu kéo, thảng thốt ùa về. Tôi lẩm nhẩm trong sâu thẳm lòng mình những câu nói về đi. Về với làng quê hỡi những đứa con của làng đang tha hương phố phường đất khách. Về đi, về với những cánh đồng sau mùa gặt, để sống, để nhớ, để tìm kiếm điều ta từng đánh mất, những điều ta chưa kịp cảm nhận sau bước chân đi. Về để thấy, để nhận ra sức vươn, sự trỗi dậy của làng có cả sự bình yên và khát vọng.

Về với làng quê, về với chính ta, để sống trong sự phóng túng của bản ngã lòng mình. Mỗi người một số phận, một con đường đi, không phải ai cũng có thể gắn mãi đời mình với phố để thôi thúc ly hương ào ạt như mấy năm qua. Dịch bệnh khiến nhiều người bắt buộc phải quay về quê hương như nơi nương náu cuối cùng trong hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng thử hỏi đã có mấy ai thực sự nhung nhớ đồng làng, những kỷ niệm tuổi thơ để nói lời ly biệt phố, chia tay sự náo nhiệt cám dỗ, để trở về với sự bình yên? Ngay giờ đây, nơi kia, những cánh đồng làng sau mùa gặt đang tỏa ra sự bình yên gọi tiếng ta về. Cuộc sống là một hành trình, và sự mải miết cứ mãi đưa ta đi đến nơi vô định. Chỉ khi nào thật sự mệt mỏi, mất mát, ta mới nhớ đến quê nhà, đến người thân yêu. Có công bằng không khi mà quê nhà sinh ta ra, cánh đồng chắt ngọt ngào thành ngô lúa nuôi ta lớn, dòng sông tắm cho ta mát, con đê làng dạy bước chân ta cứng cáp thành người… lại dễ bị lãng quên đến thế?

Vẫn biết đời người sống là để hành trình và phấn đấu, nhưng với nhiều người, cái đích cuối cùng khi nằm xuống vẫn là mảnh đất quê hương. Anh có là ai, làm gì, có đi tới chân trời góc bể nào đi chăng nữa, thì cũng không thể đi hết con đê làng, không cảm hết cái nghĩa tình của cánh đồng làng. Chỉ một đoạn ngắn của dòng sông với đôi bờ chạy qua làng nhưng chúng ta sẽ không bao giờ đi hết, tắm hết.

Về cánh đồng làng, lục tìm ký ức một thời tuổi thơ, là sự trở về nơi bình yên.

Nội dung: Lam Vũ

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền