Ẩn dưới màu xanh mướt của tán rừng già, Lam Kinh trở nên nổi bật nhờ vẻ uy nghiêm, tao nhã của tổ hợp kiến trúc, nghệ thuật vô cùng hài hòa, ấn tượng. Mang ý nghĩa là “kinh đô tưởng niệm” của vương triều Hậu Lê, Lam Kinh là sự hòa quyện giữa tư tưởng đậm triết lý nhân văn, tinh thần dân tộc và tinh hoa kiến trúc Việt. Để rồi, trải qua thời gian cùng lịch sử, di tích này đã trở thành di sản đặc biệt được hậu thế ngưỡng vọng và tìm về chiêm bái mỗi độ lễ hội “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Sách “Việt sử thông giám cương mục” đã ghi lại những lần xây dựng Lam Kinh: Năm 1433 vua Lê Thái Tổ mất, thi hài được đưa về Lam Kinh, an táng ở Vĩnh Lăng, tháng 12 cùng năm “các quan theo hầu về Tây Kinh dựng Miếu Điện Lam Sơn”. Đến tháng 4 năm 1434, Vua Lê Thái tông sai “Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái mẫu”. Cũng trong năm đó, điện Lam Kinh bị sét đánh cháy. Mười bốn năm sau, tháng 9 năm 1448, Vua Lê Nhân tông, vị vua thứ ba nhà Lê “xuống chiếu cho Thái úy Lê Khả, các cục bách tác làm lại miếu điện ở Lam Kinh”. Chưa đầy một năm sau, tháng 2 năm 1449 Lê Khả báo cáo về triều đình việc xây dựng hoàn thành.
Đến năm 1456, trong dịp tế lễ ở miếu điện Lam Kinh, Vua Lê Nhân tông đã đặt tên “chính điện gọi là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu, hậu điện gọi là điện Diên Khánh”; “lại sai quân phủ Thanh Hóa làm tẩm cung thờ Thái hoàng Thái phi ở sau điện lăng Lam Sơn”. Nghi thức cúng tế gồm: “tế tẩm miếu dùng bốn con trâu, đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng theo. Về nhạc võ thì múa nhạc “Bình Ngô phá trận”. Văn thì múa nhạc “Chư hầu lai triều”. Đại tư đồ Lê Bí đến làm lễ ở miếu Chiêu Hiến vương (tên là Học, anh ruột Lê Lợi) và Trung Dũng vương (tên là Thạch, con Lê Học) dùng ba con trâu. Thượng thư lệnh Lê Khang đến làm lễ ở miếu Hoàng Dụ vương (tên là Trừ, anh thứ hai của Lê Lợi) dùng một con trâu. Cứ vài ba năm một lần, vua và các quan trong triều đình nhà Lê lại vào Lam Kinh hành lễ, để tưởng nhớ công đức khai sáng cơ nghiệp của Vua Lê Thái tổ. Từ thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 18, khu miếu điện Lam Kinh luôn được tu sửa, bảo vệ nghiêm cẩn.
Như vậy, qua vài dòng sử liệu ngắn đã giúp hậu thế hình dung đôi nét về nghi thức tế lễ cung đình, do triều đình nhà Lê và hoàng tộc tiến hành, để tri ân và tưởng nhớ công ơn của người khai sinh vương triều Hậu Lê. Trải qua nhiều biến cố, triều Lê sụp đổ và khu miếu điện Lam Kinh cũng theo đó mà suy tàn. Đồng thời, những nghi thức tế lễ mang tính cung đình cũng đã biến mất trong “đời sống” của Lam Kinh suốt một thời gian dài. Phải đến đầu thế kỷ XX, làng Lam Sơn mới dựng ngôi đền thờ ngay trên đất Lam Kinh, để thờ Vua Lê Thái tổ, Nguyễn Trãi, Lê Lai và Bạch Y Công chúa. Đến đầu triều Nguyễn, việc tế lễ được chuyển giao về đền Bố Vệ (TP Thanh Hóa), do Gia Long Nguyễn Ánh cho dỡ miếu điện ở Lam Kinh và Đông Đô, lấy nguyên liệu về xây dựng. Từ đó, nhiều nghi thức lễ tế cũng dần được khôi phục.
Ngày nay, cùng với định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng ta, lễ hội Lam Kinh (diễn ra vào các ngày 21,22-8 âm lịch hàng năm), đã được khôi phục lại với nhiều lễ nghi trang trọng và linh thiêng. Trong đó, phần lễ với các nghi thức rước linh vị, tấu cáo tiên tổ thành kính, nghiêm cẩn. Phần hội tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo (trò Xuân Phả, múa rồng…) vô cùng đặc sắc, ấn tượng, ví như bản hòa âm nghệ thuật đậm đà bản sắc vùng văn hóa Lam Sơn và văn hóa dân tộc.
Có thể khẳng định, bên cạnh các nghi thức, trò chơi, trò diễn đặc sắc, thì sức sống và giá trị của lễ hội Lam Kinh trước hết là bởi nó gắn liền với di sản Lam Kinh - nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhà Lê. Theo quan niệm của người Việt, tục thờ cúng tổ tiên là nhu cầu tình cảm tự nhiên, có tác dụng gìn giữ bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam từ xưa đến nay. Đó là nếp sống văn hóa và là tín ngưỡng của cả dân tộc, ví giỗ tổ các Vua Hùng ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày để cả nước hướng về nguồn cội. Và nói như Phan Kế Bính thì “tục phụng sự tổ tiên của ta là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là nghĩa cử của người”.
Nho giáo xưa đề cao chữ “Hiếu”, coi đây là cái gốc của đạo đức con người - quan niệm đạo đức này mãi mãi đúng ở mọi thời đại. Trong khi, khởi thủy của tục thờ cúng tổ tiên người Việt là ở bổn phận của mỗi người con trong gia đình, là xuất phát từ chữ “Hiếu”. Nhiều người khi nghiên cứu về truyền thống dân tộc Việt Nam đều cho rằng, đạo hiếu là một đức hạnh chung, chi phối mọi hành động của con người. Bởi lẽ, “bổn phận đối với cha mẹ là nền tảng của mọi bổn phận khác”. Kế thừa truyền thống ngàn đời của dân tộc, đồng thời, tiếp thu tư tưởng của Nho giáo trong sự lựa chọn những yếu tố tương đồng với văn hoá dân tộc, triều Lê đã xây dựng Lam Kinh trở thành nơi thực hành nghi thức thờ cúng tổ tiên là vì vậy.
Lễ hội Lam Kinh với các giá trị to lớn và bất biến của nó có thể ví như “một bảo tàng văn hóa”- “bảo tàng tâm thức” lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Như nhận định của các tác giả trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, thì giá trị của lễ hội chính là giá trị cộng cảm và cộng mệnh. Ngày lễ hội là “một sinh hoạt tập thể long trọng, thường đem lại niềm phấn chấn cho tất cả mọi người, cho mỗi một con người”. Những quy cách và những nghi thức của lễ hội mà mọi người phải tuân theo, tạo nên niềm cộng cảm của toàn thể cộng đồng, làm cho mỗi người gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng và do đó thấy mình vươn lên ở tầm vóc cao hơn, với một sức mạnh lớn hơn.
Với ý nghĩa đó, lễ hội Lam Kinh đã, đang góp vào kho tàng lễ hội, kho tàng văn hóa dân tộc cái phần bản sắc hay cái phần bất biến của văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử, của văn hóa. Để rồi, bảo vệ văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng, là góp phần xây dựng quê hương đất nước thịnh vượng, hạnh phúc; là để tự tin hòa nhập với thế giới, chứ không phải bị “hòa tan” trong kỷ nguyên công nghệ. Nói như GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thì “con người sáng tạo ra văn hóa, đến lượt nó, văn hóa đào luyện và hoàn thiện nhân cách, phẩm giá con người. Trong dòng sông văn hóa ấy mà con người sống - hoạt động sáng tạo như một sự lựa chọn giá trị - con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đã chọn dòng trong chứ không chọn dòng đục. Tinh thần dân tộc và tâm hồn dân tộc chân chính ấy chói sáng ở lòng yêu nước, ở chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn có từ trong truyền thống hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, đó là sức sống bất diệt, là hằng số của dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Để rồi, cái sức sống bất diệt ấy, mỗi con dân đất Việt có thể tìm thấy từ cội nguồn văn hóa khi trẩy hội Lam Kinh…