Ai đó đã từng nói rằng: “Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi mà là người không có lấy một ước mơ”. Vậy những người phụ nữ nghèo, người thu nhập thấp, yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội - những người “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”, cả năm trời chẳng biết nghĩ về manh áo mới, ngay cả một mái nhà che mưa, che nắng cũng còn tạm bợ, họ có ước mơ không, họ có thể vươn lên để tự tìm kiếm cơ hội cho cuộc đời mình không? Tổ chức TCVM ra đời để trả lời và đồng hành cùng họ để làm nên minh chứng, sinh động, thuyết phục rằng: Người nghèo, người thu nhập thấp, dễ bị tổn thương cũng có ước mơ và nghị lực vươn lên, điều quan trọng họ cần là một điểm tựa vững chắc, đáng tin cậy. Đó không đơn thuần xoay quanh câu chuyện “cho con cá” hay “chiếc cần câu” mà cốt lõi nằm ở việc “dạy cách câu”.
Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỉ XX, khi tình hình tín dụng ở khu vực nông thôn chưa được phát triển, các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp đều khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ tín dụng từ các tổ chức tài chính chính thức. Tình trạng “tín dụng đen”, cho “vay nóng” lãi suất cao, bán lúa non xảy ra ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Thanh Hóa. Cũng ở thời điểm này, TCVM bắt đầu được giới thiệu tại Việt Nam.
TCVM đặt bước chân đầu tiên đến Thanh Hóa từ năm 1998, khởi đầu là một chương trình tín dụng nhỏ do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ thành lập, được thực hiện tại 3 xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nông Cống với số vốn ban đầu là 90 triệu đồng cho 300 thành viên, mức vay là 300 nghìn đồng/người. Bằng việc cung cấp các sản phẩm tín dụng nhỏ, tổ chức cho phép thành viên được vay vốn theo từng nhóm đoàn kết, không thế chấp bằng tài sản, mà bằng uy tín của từng thành viên trong cộng đồng. Thông qua hình thức “vay một thúng trả từng đấu” - vay một lần trả dần trong nhiều tháng, không những dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Thủ tục vay vốn đơn giản thuận tiện, phát và thu vốn ngay tại thôn, phố, phù hợp với đối tượng khách hàng mà TCVM hướng đến. Khách hàng tham gia vay vốn TCVM sẽ được công nhận là hội viên, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, được tư vấn phương án kinh doanh, bổ sung nguồn vốn ở các chu kỳ vay tiếp theo.
Với phương pháp quản lý tài chính nêu trên đã góp phần thay đổi thói quen tiết kiệm, tiêu dùng của khách hàng. Do đó, mặc dù hạn mức vay nhỏ nhưng chương trình lại có cách thức vận hành, quản lý linh hoạt, thiết thực, phương pháp tiếp cận “gần gũi, thân thiện, hiệu quả” nên đạt hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hơn 8.000 thành viên, hộ gia đình nghèo trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện: Nông Cống, Hoằng Hóa và Thiệu Hóa với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả duy trì trên 99%.
25 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, các thế hệ cán bộ, nhân viên vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc đến sự kiện: Ngày 22-8-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép 65/GP-NHNN thành lập Tổ chức TCVM Thanh Hóa với vốn điều lệ hơn 6 tỷ đồng. Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của Tài chính vi mô Thanh Hóa, đánh dấu bước tiến chuyên nghiệp của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Ngày 12-3-2015, Tổ chức TCVM Thanh Hóa khai trương hoạt động, mang theo động lực, khát vọng cống hiến và phát triển.
Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, Tổ chức TCVM Thanh Hóa kiên định với mục tiêu, sứ mệnh phát triển cộng đồng thông qua các dịch vụ tài chính và phi tài chính thân thiện, hiệu quả tới phụ nữ nghèo, hộ có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ... Đến nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa ngày càng lớn mạnh, đã và đang ghi dấu ấn tiêu biểu trên hành trình vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ và mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tổ chức hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh; phục vụ gần 40.000 khách hàng, trong đó có 92% là phụ nữ, 12% khách hàng là hộ nghèo và 10% khách hàng là người dân tộc thiểu số; tổng dư nợ đạt khoảng 434 tỷ đồng. Các chỉ số an toàn, bao gồm tỷ lệ thanh khoản và vốn tối thiểu năm trong mức được Ngân hàng Nhà nước quy định.
Song song với hoạt động tín dụng, ngay từ những ngày đầu thực hiện, Tổ chức TCVM Thanh Hóa hiểu rằng để cải thiện và nâng cao vị thế, hướng đến phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn vay thì việc trang bị, bổ sung thêm kiến thức, đặc biệt là những kiến thức về sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính rất cần thiết. Trong suốt quá trình hoạt động, TCVM Thanh Hóa đã tổ chức hàng nghìn khóa tập huấn nâng cao năng lực cho khách hàng vay vốn, cung cấp kịp thời các kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh giúp khách hàng lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, TCVM Thanh Hóa còn cung cấp cho khách hàng các kiến thức bổ ích khác như: Chăm sóc vệ sinh cá nhân, bình đẳng giới, di cư an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…, từ đó khách hàng có thêm kỹ năng, phương pháp, công cụ để quản lý tốt nguồn tài chính của mình. Chính sự đồng hành tận tâm, trách nhiệm ấy đã làm nên uy tín, khẳng định thương hiệu, sức lan tỏa, hiệu quả của Tổ chức TCVM Thanh Hóa mà ít tổ chức tín dụng nào thực hiện được.
Trước những yêu cầu, thách thức và cả những cơ hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong những năm qua, Tổ chức TCVM Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động theo nhiều hình thức, đối tượng khác nhau, quyết tâm trở thành “tổ chức TCVM điển hình, đầu mối chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ thông tin và công nghệ TCVM tốt nhất tại VN”. Trong những năm qua, hệ thống quản lý thông tin liên tục được rà soát, đổi mới đảm bảo an toàn hoạt động, luôn lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm, nâng cao tính hợp tác, an toàn, bền vững cho cả khách hàng và cho chính tổ chức.
“Sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng hợp tác” là phương châm hoạt động của Tài chính vi mô Thanh Hóa ngay từ ngày đầu thành lập. Trong suốt 25 năm hình thành và phát triển, TCVM Thanh Hóa đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khác như: Ford Foundation, KIVA, Citibank, Quỹ Unilever, Planet Finance, IFC, BOPA, ILO, CIDEAL, Terre Des Hommes, Trung tâm tư vấn nguồn lực Doanh nghiệp nhỏ và vừa, OikoCredit, Babyloan,… nhằm huy động nguồn tài trợ cũng như đầu tư xã hội để tạo cơ hội cho ngày càng nhiều khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, kinh doanh…
Xác định mục tiêu, hướng đến họat động chuyên nghiệp, Ban lãnh đạo tổ chức đã xây dựng hồ sơ, thành lập chi bộ Đảng và các tổ chức chính trị xã hội: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công đoàn…, tạo môi trường, động lực cho cán bộ, nhân viên cống hiến, trưởng thành. Chi bộ Đảng hoạt động hiệu quả; các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thúc đẩy phong trào thi đua, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức. Với cấu trúc tổ chức hoàn chỉnh, Tổ chức TCVM Thanh Hóa được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, sẵn sàng hợp tác. Nỗ lực thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội cho thấy tầm nhìn, mục tiêu của ban lãnh đạo trong việc gắn kết tổ chức TCVM vào hệ thống chính trị - xã hội các cấp, từ đó nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức.
Song song với hoạt động tài chính, TCVM Thanh Hóa còn tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội như: Tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em nghèo vượt khó tại khu vực nông thôn và miền núi; tặng quà tết cho hộ nghèo; chắp cánh ước mơ cho con em khách hàng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trao tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết đến xuân về; tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó và các hộ gia đình chính sách... Những món quà trao đi không chỉ có giá trị vật chất, hơn hết, đó là tấm lòng của tập thể cán bộ, người lao động trong Tổ chức TCVM Thanh Hóa mong muốn được lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trẻ em nghèo vượt khó có thêm sự khích lệ, động viên, niềm vui…
Tổ chức TCVM Thanh Hóa liên tiếp nhiều năm được vinh danh là Tổ chức TCVM tiêu biểu; nhiều khách hàng vay vốn của tổ chức được vinh danh là Doanh nhân vi mô tiêu biểu… Đó là những “trái ngọt” được vun trồng, chăm sóc từ sự tận tâm, chuyên nghiệp của biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên tổ chức TCVM Thanh Hóa. Và trên hành trình 25 năm ấy, Tổ chức TCVM Thanh Hóa vinh dự và tự hào vì luôn có được sự đồng hành của hội phụ nữ các cấp, sự hỗ trợ của các đối tác, nhà tài trợ trong và ngoài nước, sự ủng hộ của chính quyền địa phương…
“Là 1 trong 4 Tổ chức TCVM được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức TCVM Thanh Hóa xem đó vừa là động lực vừa là thử thách để chúng tôi tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ và mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa đã đề ra” - Ông Nguyễn Hải Đường, Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa chia sẻ. Theo đó, trong thời gian tới, Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ tập trung huy động các nguồn lực, nâng vốn điều lệ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng, để có thêm nhiều phụ nữ nghèo, đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương được tiếp cận dịch vụ tín dụng thân thiện, hiệu quả. Tổ chức sẽ mở thêm các mạng lưới, chi nhánh tại tỉnh ngoài, một số phòng giao dịch tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, phấn đấu 5 năm tới sẽ cung cấp dịch vụ cho 70 nghìn khách hàng trên phạm vi toàn tỉnh…