Bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Điển hình là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực năm 2023 ước đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch; năng suất lúa cả năm ước đạt 61,5 tạ/ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Năm 2023 có thêm 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Bỉm Sơn), 17 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 160 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên có 452 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước.
Trong sản xuất công nghiệp, tuy phải đối mặt với những biến động khó lường từ thị trường trong nước và thế giới và nhất là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng theo kế hoạch. Song, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1 (Khu kinh tế Nghi Sơn), Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (huyện Yên Định)... nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 4,87%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 41.200 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán giao, trong đó thu nội địa ước đạt 24.810 tỷ đồng, vượt 13,6% dự toán. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2023 ước đạt 132.745 tỷ đồng, bằng 94,8% kế hoạch. Trong năm, đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; Nhà máy dệt may tại cụm công nghiệp Thái - Thắng, huyện Hoằng Hóa; Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu tại CCN thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa... Kết quả này đã minh chứng, Thanh Hóa đang là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với các nhà đầu tư.
Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, cùng tinh thần quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm, các ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 172.926 tỷ đồng, bằng 98,8% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, năm 2023, ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần; tổng doanh thu du lịch ước đạt 24.252 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ.
Cùng với kết quả trên, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm, góp phần thu hút các nguồn lực cho phát triển. Trong năm, tỉnh đã tổ chức thành công các Đoàn công tác của tỉnh đi làm việc và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh tại Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...; tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản...
Những kết quả đạt được trong năm 2023 không chỉ thể hiện trên các chỉ số phát triển kinh tế, hoạt động đối ngoại, đó còn là sự khởi sắc trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong năm, có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực, có 1 học sinh đạt HCB trong Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2023. Giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 935 điểm 10, xếp thứ ba cả nước; điểm trung bình đạt 6,47 điểm, xếp thứ 21, tăng 6 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có học sinh đạt Giải nhất Chung kết năm đường lên đỉnh Olympia. Thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt, Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa vô địch Cúp Quốc gia và siêu Cúp Quốc gia năm 2023, Đội tuyển U19 Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân được chú trọng; công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp được triển khai đồng bộ, theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới và đạt kết quả tích cực; nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết; nhiều khuyết điểm, vi phạm trên các lĩnh vực được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân được củng cố. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền tiếp tục được nâng lên.
Những thành quả đạt được nêu trên trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức là rất đáng trân trọng, phấn khởi và tự hào. Đây cũng là minh chứng cho sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Kết quả ấy đã, đang và sẽ là nền tảng quan trọng, tạo đà để tỉnh ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.
Những kết quả đạt được là rất đáng tự hào, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên bước đường phát triển vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến không đạt kế hoạch; chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là quy hoạch xây dựng cấp xã; công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ; công tác thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có mặt chưa đáp ứng yêu cầu...
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trên nền tảng kết tinh từ truyền thống cách mạnh hào hùng và khát vọng thịnh vượng của người Thanh Hóa, cùng những thành quả đạt được trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quyết nghị các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên... Đây là những chỉ tiêu có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, từ đó tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Dự báo năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước, trong tỉnh, có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng các khó khăn, thách thức là rất lớn. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các cấp, các ngành cần tập trung cao độ để triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, để thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 của tỉnh.
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tập trung lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng tốt, tập trung khắc phục những chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, đặc biệt là PCI; phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo, PCI đứng trong tốp 20 của cả nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 ở mức cao nhất; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả 3 trụ cột “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, trọng tâm là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, giữ vững kết quả giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các chính sách dân tộc, miền núi, tôn giáo.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, thờ ơ, vô cảm, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và khát vọng thịnh vượng của quê hương Thanh Hóa anh hùng, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới. Nhân dịp năm mới 2024 và chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn, tôi trân trọng gửi đến cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng đồng bào Thanh Hóa đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài, người tỉnh ngoài, nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Thanh Hóa lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công; tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến thời cơ thành hiện thực, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.