Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2023), chiều 6-5, tại Trung tâm Hội nghị FLC Samson Golf & Resolf (TP Sầm Sơn), UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề: “Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững”.
Dự hội nghị, về phía đại biểu Nhật Bản có ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; các hạ nghị sĩ, nguyên hạ nghị sĩ Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, cơ quan của Nhật Bản gồm: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản, Liên minh HTX Nông nghiệp Nhật Bản, một số địa phương của Nhật Bản và hơn 300 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.
Về phía Trung ương, có các đồng chí: Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Thanh Hoá, có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị và đại diện các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI.
Sức lan tỏa của những dự án lớn như Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn,... đã tạo ra “lực hấp dẫn” thu hút nhiều dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và tỉnh Thanh Hóa trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, 2 bên còn có những dấu ấn hợp tác thành công trên các lĩnh vực thương mại, giáo dục, lao động việc làm, Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…
Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 được tổ chức một lần nữa là minh chứng cho thấy mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, DN hai bên tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết hợp tác trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu Nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước. Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh toàn diện.
Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời, cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ đầu tư thương mại giữa hai nước.
Hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức tại tỉnh Thanh Hoá lần này đánh một dấu mốc mới cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ lâu dài của hai nước cho giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là sự kiện quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh nổi bật và hấp dẫn của tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; các lĩnh vực, các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời, đây cũng là dịp để các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng cũng thông tin khái quát tới các tổ chức, DN, nhà đầu tư Nhật Bản về tiềm năng, thế mạnh, những định hướng phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hoá trong thời gian tới, cùng với đó là các cơ chế, chính sách ưu đãi, các thành quả phát triển của tỉnh trong thời gian qua, điển hình như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 trên địa bàn đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách Nhà nước hơn 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; huy động vốn đầu tư phát triển gần 140.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, giá trị xuất khẩu trên 5,5 tỷ USD; giá trị nhập khẩu ước đạt 9,3 tỷ USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, có 145 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI.
Nhấn mạnh quan hệ ngoại giao và hợp tác tốt đẹp, thành công trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hoá…, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Hiệu quả trong hợp tác về kinh tế giữa các đối tác Nhật Bản và Thanh Hóa trong hiện tại chính là điều kiện quan trọng để hai bên mở rộng và nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong tương lai; cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Những kết quả tốt đẹp này cũng chính là điểm tựa tin cậy để Việt Nam - Nhật Bản nói chung, tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản nói riêng xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng bền chặt.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản; kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, DN và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội nghị,ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam bày tỏ vui mừng khi tham dự Hội nghị kết nối Việt Nam - Nhật Bản 2023 được tổ chức tại Thanh Hóa. Ông Hayashi Motoo cho biết: Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh của Châu Á và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng… Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể. Số lượng các DN tham gia vào Hiệp hội DN Nhật Bản lên tới con số 2.000, chiếm tỷ lệ cao nhất châu Á và tăng gấp 3 lần so với 15 năm gần đây. Ngoài ra, số lượng người Việt Nam hiện đang cư trú và sinh sống tại Nhật Bản lên đến 490.000 người, đứng thứ 2 trong tổng số người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.
Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hayashi Motoo cũng bày tỏ ấn tượng đặc biệt với tỉnh Thanh Hóa, nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn được trang bị hệ thống cảng biển hiện đại và kết nối hạ tầng thuận tiện, có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú. Do vậy, tỉnh Thanh Hoá có rất nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế du lịch với Nhật Bản. Trong đoàn giao lưu lần này có sự tham gia của các Thống đốc và Phó thống đốc các tỉnh Yamanashi, Niigata, Wakayama. Đại diện chính quyền của các tỉnh đến từ Nhật Bản cũng rất mong muốn được xúc tiến và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ông Hayashi Motoo hy vọng, tại các phiên hội nghị về những chuyên đề kinh tế, lao động, du lịch, giao lưu địa phương,… các ý kiến thảo luận, trao đổi về triển vọng, những vấn đề phải đối mặt, cơ chế chính sách của hai nước sẽ là cơ hội đánh dấu bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam, góp phần cho sự tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao bày tỏ sự vui mừng khi được có mặt tham dự các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hoá. Đồng chí hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hoá đã chủ động đăng cai, tích cực xây dựng ý tưởng và chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức hội nghị một cách trang trọng. Đây là dịp để hai bên cùng trao đổi những thông tin hữu ích, các ý tưởng hợp tác cụ thể, mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hoá và các nhà đầu tư, DN Nhật Bản.
Đồng chí Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong 63 tỉnh, phố có quan hệ hợp tác với Nhật Bản thì Thanh Hoá là địa phương có tiềm năng cũng như kết quả đạt được rất to lớn. Với cam kết chính trị mạnh mẽ và tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh sẽ là cơ hội lớn để 2 bên sớm có những kết quả hợp tác tốt đẹp hơn.
Nhấn mạnh ý nghĩa Hội nghị kết nối Thanh Hoá - Nhật Bản là một nội dung quan trọng trong chuỗi sự kiện hướng tới hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản sẽ được tổ chức trên cả nước, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao hy vọng các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều nội dung, hợp tác trên các lĩnh vực phát triển nhân lực, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng… Đồng chí mong muốn các nhà lãnh đạo, các tổ chức, DN Nhật Bản sẽ tranh thủ cơ hội làm việc với tỉnh Thanh Hoá để thúc đẩy sớm mang lại những kết quả hợp tác cụ thể, thiết thực, hiệu quả và nhiều cam kết sẽ trở thành hiện thực.
Tại phiên thảo luận chuyên đề hợp tác đầu tư, thương mại và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, dưới sự điều hành của đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, các đại biểu là tổ chức, DN Thanh Hoá và Nhật Bản đã thảo luận nhiều nội dung, như: Liên đoàn các tổ chức Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) nêu những nỗ lực của KEIDANREN và kỳ vọng đối với Việt Nam; Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội trình bày về triển vọng kinh tế, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) bàn về sáng kiến trung hòa carbon và đề xuất giải pháp tiếp cận ở Việt Nam; Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam bày tỏ chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam và đào tạo nguồn nhân lực;...
Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội - ông Nakajima Takeo, cho biết: Hiện nay, các DN đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các thành phố lớn ra các khu vực lân cận, do tại các thành phố lớn chi phí nhân công tăng cao (khoảng 6%/năm). Hiện nay, các DN Nhật Bản cũng đang trong quá trình xem xét lại chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống và các dự án đầu tư của các DN Nhật Bản cũng được triển khai mở rộng khắp các tỉnh/thành của Việt Nam. Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh/thành như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định là những tỉnh đang thu hút đầu tư rất lớn khi hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, nhất là khi các tuyến đường cao tốc mới đã được đưa vào khai thác.
Ông Miki Jun, Giám đốc điều hành Ban Phát triển kinh doanh Việt Nam của Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) cho biết: Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và đặt ra cho các nước phải có trách nhiệm trong việc nỗ lực phát triển xã hội không có khí thải CO2 và đặt ra vấn đề cần khai thác nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, thay thế. Theo đó, Công ty Idemitsu Kosan đưa ra mục tiêu cho tới năm 2030 sẽ giảm 46% lượng phát thải khí CO2 so với năm 2013 và công bố kế hoạch đưa các chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và triển khai các công nghệ xử lý bể chứa dưới lòng đất,... tạo ra sự cân bằng năng lượng về lượng phát thải và lượng xử lý đối với Carbon trung tính.
Cũng tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã khái quát những tiềm năng, lợi thế nổi trội của Khu kinh tế Nghi Sơn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở - nhất là hệ thống cảng biển nước sâu; lực lượng lao động trẻ, dồi dào; thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài và giúp DN tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi. Với những tiền đề sẵn có và sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành liên quan, tỉnh Thanh Hóa đã và đang trở thành điểm thu hút đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Đồng chí đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và yên tâm đầu tư tại Thanh Hoá.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh, phiên thảo luận đã nhận được những trao đổi rất tích cực của các diễn giả từ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua phiên thảo luận đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nắm bắt được các nội dung trong kết nối đầu tư, thương mại, đào tạo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và mối quan hệ hợp tác giữa hai bên cũng như tạo cơ hội mở ra những triển vọng hợp tác mới.
Tại phiên thảo luận chuyên đề Kết nối du lịch và hợp tác địa phương Thanh Hóa - Nhật Bản do các đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng; khả năng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa - Nhật Bản; mong muốn thúc đẩy hợp tác của tỉnh Ya-ma-na-hi với các địa phương Việt Nam, trong đó có tỉnh Thanh Hóa; Sự khác biệt và sức hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa...
Thảo luận nội dung “Phát triển du lịch bền vững của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam”, ông Kuramochi Kyoji, Phó Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) cho biết: Tại Nhật Bản, JNTOlà cơ quan chính phủ tiến hành các hoạt động thu hút khách du lịch nước ngoài được thành lập vào năm 1964. Thông qua 25 văn phòng đại diện trong và ngoài Nhật Bản, JNTO thực hiện các chiến lược xúc tiến thông tin du lịch Nhật Bản trên toàn thế giới và tháng 3 - 2017, JNTO đã thành lập Văn phòng Việt Nam tại Hà Nội. Trong xúc tiến thương mại bền vững, JNTO luôn chú trọng tới thu hút phát triển du lịch gắn với bảo vệ và nuôi dưỡng văn hoá, môi trường và kinh tế địa phương. Ông Kuramochi Kyoji cũng thông tin, giới thiệu về các địa phương Nhật Bản tham gia du lịch bền vững, những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong hướng dẫn, xây dựng du lịch bền vững Nhật Bản…
Ở nội dung thảo luận về "khả năng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Thanh Hóa - Nhật Bản”,đồng chí Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, chú trọng của nhiều cấp. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch song phương được triển khai ở nhiều cấp độ. Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 3 thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích trong khu vực đối với khách du lịch Nhật Bản. Hai bên đã thực hiện thành công mục tiêu đạt mức trao đổi khách hai chiều từ nhiều năm nay. Việt Nam là đất nước rất gần gũi và có nhiều nét văn hóa tương đồng với người dân Nhật Bản. Sản phẩm du lịch Việt Nam đa dạng trải dài từ Bắc đến Nam, phù hợp với sở thích của nhiều nhóm khách Nhật Bản. Theo một khảo sát của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản, 3 điểm khiến du khách Nhật Bản hài lòng nhất khi trải nghiệm Việt Nam là ẩm thực, cảnh quan và di tích lịch sử. Đây cũng chính là các thế mạnh đang sẵn có của Thanh Hóa và hai bên sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong tương lai.
Ông Nagasaki Kotaro, Thống đốc tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) và Phó Thống đốc tỉnh Niigata Nhật Bản cũng đã giới thiệu một số giải pháp nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài và phát triển nền kinh tế địa phương. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là đầu tư vào những sản phẩm đặc sắc của mỗi địa phương, vùng đất.
Nói về sựkhác biệt, nổi trội tạo nên sức hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa, Bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng Giám đốc Công ty GBest Việt Nam cũng phân tích thêm nhiều nét thú vị của du lịch Thanh Hoá về phong cảnh, di tích, danh thắng và giá trị văn hoá nổi bật, ẩm thực, điều kiện giao thông… Trong đó, các hoạt động lễ hội cũng là một trong những giá trị mà khách du lịch có nhiều hứng thú. Bên cạnh đó, giá du lịch tại Thanh Hoá khá hấp dẫn về chi phí đối với khách nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Kết thúc thảo luận chuyên đề kết nối du lịch, đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cảm ơn sự quan tâm và các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các diễn giả. Các ý kiến đã gợi mở cho tỉnh Thanh Hóa những giải pháp khả thi và kế hoạch cụ thể trong thời gian tới để hiện thực hóa khả năng liên kết, thúc đẩy hợp tác trong phát triển du lịch và tăng cường hợp tác cấp địa phương với Nhật Bản.
Phát biểu bế mạc hội nghị Kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tham dự hội nghị và dành thời gian chia sẻ những thông tin, ý kiến tâm huyết với tỉnh Thanh Hoá. Những tham luận, góp ý rất thẳng thắn của các cơ quan, tổ chức, DN Nhật Bản, của Tổng cục Du lịch Việt Nam và các cơ quan, DN trong tỉnh đã góp phần tạo nên một diễn đàn trao đổi thông tin phong phú, sôi nổi và thành công.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trải qua 50 năm lịch sử, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản ngày càng trở nên gắn bó, sâu sắc, đi vào chiều sâu, thực chất. Tuy nhiên, quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Thanh Hóa với các địa phương của Nhật Bản vẫn còn dư địa rất lớn để tiếp tục tăng cường, gắn kết hiệu quả hơn. Do đó, hội nghị này là cơ hội quý để tỉnh Thanh Hóa trực tiếp giới thiệu, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức, DN, địa phương của Nhật Bản về tiềm năng, lợi thế và nhu cầu hợp tác của tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản.
“Thanh Hóa chúng tôi là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc bộ và Trung bộ của đất nước; đồng thời, có khát vọng và quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước Việt Nam. Với những tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển như trên, nhân dịp này, tỉnh Thanh Hóa trân trọng đề nghị Ngài Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, các đại biểu là nghị sỹ quốc hội của Nhật Bản, đại diện lãnh đạo các địa phương của Nhật Bản, trên cương vị và uy tín của mình, sẽ dành sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, đồng thời, giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Nhật Bản đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, DN, khách du lịch Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và trải nghiệm dịch vụ trên địa bàn; sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản luôn đạt kết quả cao nhất, mang lại lợi ích “cùng thắng” cho cả hai bên” - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, khẳng định.