Kế thừa truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên những chiến công vang dội, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Để đạt được mục đích thiêng liêng, cao cả đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh, hoặc mất đi một phần thân thể, hoặc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Hàng chục triệu người đã mãi mãi mất đi những người thân yêu nhất. Đó là sự hy sinh cao cả, sự mất mát, đau thương không gì bù đắp nổi.
Để tưởng nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công với nước; đồng thời kêu gọi toàn thể đồng bào tham gia giúp đỡ thương binh, gia đình tử sỹ, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, ngày thể hiện sâu sắc nhất truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã góp nhiều sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt và gian khổ, gần 6 vạn người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh; hơn 46 ngàn người phải mang thương tật suốt đời; 15 ngàn người bị bệnh tật, mất sức lao động; 4.630 người đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện có 94 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống); trên 100 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động; hơn 1.600 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; có trên 14.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin…
Những con số ấy phản ánh hai chiều của một sự thật chiến tranh: Một mặt, đó là sự mất mát, đau thương và khốc liệt mà chiến tranh gây ra; đồng thời nó cũng phản ánh tinh thần quật cường, quả cảm, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh cho sự nghiệp cao cả: đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Thanh Hóa. Công lao to lớn, sự hy sinh sức lực, trí tuệ, xương máu to lớn ấy của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công là vô giá. Công lao của các anh, các chị, các mẹ… đã góp phần xứng đáng cùng với quân dân cả nước “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, “chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”!
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, trong suốt 76 năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, quan tâm chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với nước.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2018 đến hết năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong kháng chiến; thực hiện chế độ tuất, mai táng phí, ưu đãi học sinh, sinh viên đối với 7.118 thân nhân người có công, tiếp nhận và di chuyển 1.237 hồ sơ người có công; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho 3.481 liệt sĩ. Hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hoạt động chăm sóc người có công ngày càng có sức lan tỏa và được cộng đồng xã hội hưởng ứng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. 5 chương trình: Nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đã và đang được các tổ chức, cá nhân ủng hộ mạnh mẽ. Nhờ đó, đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.
Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân những người có công đang sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 740 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 253 đài tưởng niệm liệt sĩ, 368 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 89 tượng đài liệt sĩ, 30 nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đạt kết quả ngày càng nhiều hơn.
Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN đã lấy và phân tích ADN hàng trăm mẫu hài cốt liệt sỹ, trả lại tên cho liệt sĩ về với thân nhân. Những việc làm cụ thể đó góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhiều gia đình, người cha, người mẹ, người vợ và thân nhân ngày đêm đợi chờ.
Có thể nói, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình người có công với nước. Qua đó đã huy động sự đóng góp của Nhân dân được hơn 56 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 338 nhà tình nghĩa, sửa chữa 555 nhà với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng và hàng vạn suất quà thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; tặng 408 sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng.
Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo…
Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc. Đặc biệt, để kịp thời động viên, tri ân gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã giành số tiền trên 28,3 tỷ đồng thăm, tặng quà cho 94.387 người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng người có công, thân nhân người có công tiêu biểu. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, trực tiếp đến thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, thể hiện tấm lòng tri ân đối với người có công với cách mạng đã chiến đấu, hy sinh, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sự quan tâm, chăm lo của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh là nguồn động viên, khích lệ to lớn, tiếp thêm sức mạnh về vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Để đền đáp những tình cảm đó, bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước đã vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cuộc sống, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình để học tập, công tác, lao động, sản xuất, ổn định, cải thiện cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Nhiều người đã trở thành nhà khoa học, quản lý, doanh nhân thành đạt, đảm nhiệm những cương vị quan trọng trong lực lượng vũ trang, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp từ Trung ương đến cơ sở; nhiều người đã trở thành gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, chiến sỹ thi đua, công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu và nhiều danh hiệu thi đua khác. Đó là những tấm gương sáng rất đáng trân trọng để chúng ta học tập, noi theo.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính về tổ chức bộ máy, cán bộ và thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, người có công, nhằm thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bảo đảm cho các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện chu đáo, đầy đủ, kịp thời, công bằng, chính xác, không để xảy ra phiền hà, tiêu cực.
Thường xuyên theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình người có công để kịp thời có hình thức động viên, giúp đỡ phù hợp, thiết thực bằng cả vật chất và tinh thần. Đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên để làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ mới.