TP Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của người Việt cổ với những thành tựu rực rỡ của nền Văn hóa Đông Sơn - một trong bốn nền văn hóa lớn của thời kỳ đồ đồng. Bởi thế không lấy gì làm lạ khi vùng đất này được chọn là “lỵ sở” - trung tâm của tỉnh Thanh Hóa qua nhiều thời kỳ lịch sử. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thành phố luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của xứ Thanh và dải đất hình chữ S. Năm 1994, TP Thanh Hóa được thành lập trên cơ sở thị xã Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; là cầu nối quan trọng giữa Bắc Bộ với Trung Bộ, đầu mối giao thương với tất cả các tỉnh trong nước. Đồng thời là đô thị có vị trí, vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh của tỉnh và của quốc gia.

Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đời sống xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để TP Thanh Hóa phát triển nhanh và toàn diện, nhất là diện mạo đô thị. Minh chứng là năm 2014, TP Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I. Đến năm 2019, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, TP Thanh Hóa được đánh giá là một trong những thành phố hấp dẫn, năng động nhất khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị thì sau hơn 15 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ; 12 năm điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 29/2/2012 của Chính phủ và quá trình xây dựng, phát triển thành phố đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chất lượng các dịch vụ còn thấp; công nghiệp phát triển chưa mạnh.

Mặt khác, vấn đề kết nối hạ tầng giữa khu vực nội thành và ngoại thành, khu đô thị mới với khu đô thị cũ còn hạn chế, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, đã xuất hiện hiện tượng quá tải đô thị; sự không cân đối giữa nội thành và ngoại thành, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng đô thị, nhất là chức năng của khu vực ngoại thành. Đồng thời quỹ đất dự trữ để mở rộng và phát triển đô thị hạn chế, chưa đảm bảo được nhu cầu phát triển thành phố trong tương lai. Đó còn là vai trò trung tâm cấp vùng của TP Thanh Hóa chưa tương xứng, chưa có nhiều yếu tố nổi trội. Do đó, sự cần thiết nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố trong tương lai, xứng tầm vị thế, vai trò của đô thị Thanh Hóa với tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Theo kỹ sư Lê Đình Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc thực hiện nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa là phù hợp chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa. Là bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, tạo ra không gian của đô thị loại I đủ tầm phát triển trong tương lai và tạo được một vùng động lực mở cho thành phố phát triển. Cùng với vai trò đô thị loại I lớn trực thuộc tỉnh và mang sức mạnh mới cho mô hình phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều” của tỉnh Thanh Hóa, thành phố mới còn là “hạt nhân” của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Đồng thời mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của đơn vị hành chính; có quỹ đất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp.

Từ kinh nghiệm của mình, kỹ sư Lê Đình Nam cho rằng: “Hướng đến “thành phố hội tụ, kết nối và phát triển”, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, văn minh, thân thiện, cấp ủy đảng, chính quyền TP Thanh Hóa cần đồng lòng, có quyết tâm chính trị cao, bằng việc huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cho các xã, phường khu vực nông thôn. Cùng với đó, tập trung giải quyết tốt về an sinh xã hội, lao động, việc làm, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Có nhiều nét văn hóa tương đồng với TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn là vùng đất cổ, một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng ở Việt Nam. Đông Sơn là một trong những nơi đặt trung tâm lỵ sở của Thanh Hóa. Từ buổi đầu là thành Tư Phố, thành Đông Phố thời Đường, đến Hạc Thành thời Nguyễn. Bắt đầu từ thời Trần đặt tên là huyện Ðông Sơn thuộc trấn Thanh Đô. Trong những năm gần đây, huyện Đông Sơn đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa - xã hội, kết cấu hạ tầng và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Những thay đổi trong quá trình đô thị hóa đã đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền huyện Đông Sơn nhiều vấn đề mới cần giải quyết, như: Quản lý Nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; quy hoạch xây dựng, kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư theo mô hình đô thị. Đáng nói hơn, mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xét tiêu chí của một đơn vị hành chính cấp huyện, thời điểm hiện tại huyện Đông Sơn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên theo quy định nên việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa là tiền đề tổ chức chính quyền đô thị quản lý trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển vừa góp phần sắp xếp, tổ chức hợp lý quy mô đơn vị hành chính. Dưới con mắt của người nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu Phạm Văn Tấn, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa khẳng định: “Nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và Văn hóa Đông Sơn. Bởi vì thị xã Thanh Hóa được thành lập năm 1889 theo đạo dụ của vua Thành Thái từ 7 làng thuộc các tổng Bố Đức và tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. Trong tương lai, TP Thanh Hóa mới rộng về quy mô và hội tụ bề dày văn hóa, lịch sử chắc chắn sẽ là vùng đất trung tâm của đồng bằng xứ Thanh”.

Danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029 và tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh đó là Thanh Hóa dưới cái tên Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Xuyên suốt gần 1.000 năm, trải qua các thời kỳ phát triển của đất nước, của xứ Thanh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ với tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi. Tên gọi TP Thanh Hóa dự kiến đặt cho thành phố mới gắn với danh xưng Thanh Hóa nằm trên vùng đất “địa linh, nhân kiệt”,”nơi khí tinh hoa tụ họp“,”phên dậu" của đất nước. Mặt khác, trong quá trình hội nhập và phát triển, tên gọi TP Thanh Hóa đã được định vị, nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế. Xung quanh vấn đề danh xưng thành phố mới, kỹ sư Lê Đình Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa trao đổi thêm: “TP Thanh Hóa có quy mô dân số gần 500.000 người, hàng nghìn doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Vì vậy, giữ tên gọi TP Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý Nhà nước do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.

Qua nghiên cứu, cả nước hiện có 29 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh. Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên trong giai đoạn gần đây. Trao đổi về tên gọi thành phố mới, nhà nghiên cứu Phạm Văn Tấn cho hay: “Viêc đặt tên cho TP Thanh Hóa có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Với quan điểm và góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy tên gọi TP Thanh Hóa đã luôn được định vị rộng khắp không chỉ trên dải đất hình chữ S, mà còn vươn ra thế giới. Danh xưng đó không chỉ xứng tầm với vai trò trung tâm đô thị của một tỉnh rộng lớn, mà còn tạo sức hấp dẫn trong kêu gọi thu hút đầu tư”.

Có một chút tiếc nuối khi không còn tên huyện Đông Sơn nhưng ông Lê Huy Hiệu, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) - nơi có Cụm di tích Hàm Hạ, gắn với việc ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 25/6/1930, vẫn tin địa danh Đông Sơn, Văn hóa Đông Sơn không bị mất đi mà vẫn tiếp tục được duy trì, lưu giữ và phát huy giá trị. Về mặt tình cảm là vậy, nhưng về lý trí và thực tế, tên gọi TP Thanh Hóa hiện nay phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của Trung ương và của tỉnh Thanh Hóa, như: Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, đảm bảo quy định của pháp luật và thông lệ hiện nay khi nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị thì giữ nguyên tên gọi của đơn vị hành chính đô thị.

Từ những nét tương đồng trong văn hóa, không gian địa lý và những yếu tố trong nội tại cần bổ trợ cho nhau để thấy rằng, nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa nhằm mở rộng không gian đô thị, xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa xứng tầm trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, mà trong tương lai TP Thanh Hóa mới còn giữ vai trò trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ. Qua đó, góp phần đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đang khẩn trương triển khai nghiêm túc các bước để thực hiện quy trình sáp nhập; xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp trực thuộc, đảm bảo phù hợp với đơn vị hành chính mới. Đồng thời tổ chức quán triệt sâu rộng chủ trương sáp nhập đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của tỉnh, TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND các cấp, đảm bảo công khai dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể của TP Thanh Hóa, huyện Đông Sơn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, quy định có liên quan của Trung ương, của tỉnh về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa; tên gọi và ý nghĩa về tên gọi của đơn vị hành chính mới; quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lấy ý kiến.

Từ quyết tâm cao trong cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân ở hai địa phương, tin rằng việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa chắc chắn thành công. Còn nhớ, dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, UBND TP Thanh Hóa tổ chức trình diễn nghệ thuật thư pháp, Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã viết tặng các đồng chí lãnh đạo TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn hai chữ “Hòa hợp” theo dụng ý của đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa. Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, hai chữ “Hòa hợp” thể hiện cho sự kiện huyện Đông Sơn sáp nhập vào TP Thanh Hóa thuận theo “ý Đảng - lòng dân”; các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân cùng hòa hợp, chung sức, đồng lòng để xây dựng TP Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, kiểu mẫu của cả nước.

Nội dung: Trần Thanh

Ảnh: Trần Thanh và Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền