"Sửa một con tàu cũng như bắt bệnh cho một con người. Bệnh nặng thì thời gian điều trị lâu. Tàu bị hư hỏng nặng thì thời gian sửa chữa sẽ dài hơn. Thường khi tàu lên đà cũng phải mất từ 15 ngày trở lên, tàu nào hư hỏng nặng thì thời gian sửa dài hơn”, ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1966, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc) chủ một xưởng sửa chữa tàu chia sẻ.
Tôi về xưởng sửa chữa tàu thuyền của ông Thuận khi trời chiều rực đỏ phía đằng Tây. Xưởng sửa chữa nằm ở vụng eo gần cửa sông Lạch Trường, cách cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) chừng 5 km. Từ xa, tiếng máy nổ xình xịch, tiếng cưa, đục xăm, sơn trét… vang lên rộn rã cả một vùng.
Với vị trí thuận lợi, và uy tín nghề đồn xa, nơi đây không chỉ là địa chỉ tin cậy của ngư dân có tàu ở Hậu Lộc mà cả ở Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Quảng Xương, thậm chí cả các tỉnh khác.
Những con tàu sau nhiều ngày bám biển, bị hư hỏng đang dồn về đây để được duy tu, bảo dưỡng. Trước mắt tôi, khoảng mươi thợ thuyền đang nỗ lực vận hành cáp tải kéo con tàu chừng 100 tấn dưới cửa lạch lên xưởng. Ai cũng nỗ lực với những phần việc riêng của mình để con tàu được kéo lên một cách thuận lợi. Mồ hôi nhễ nhại, sự vất vả hiện lên qua từng nét mặt. Dù vậy, tôi vẫn cảm nhận được không khí lao động rộn rã, với những tiếng cười nói không ngớt.
Không vui sao được khi anh em thợ đã làm với ông Thuận gần 20 năm qua, rất gắn bó, thân tình. Mỗi người đảm trách một phần việc, ai cũng quan trọng và không thể thiếu. Chỉ tay về phía con tàu có tải trọng 100 tấn vừa lên đà, ông Thuận chẩn đoán đây là “ca bệnh” khó do một chủ tàu ở Ngư Lộc gửi. Tối qua, họ mới điện đặt lịch. Nghe đâu, sau chuyến vươn khơi đánh bắt dài ngày ở ngoài Vịnh Bắc Bộ, khi trở về tập kết tại khu âu thuyền cảng cá Hòa Lộc thì phát hiện ở mạn tàu và khu vực chân vịt bị hư tổn nặng. Sáng nay, chủ tàu hối thúc bảo, cố gắng sửa lại cho kịp chuyến khơi xa sắp tới.
Hỏi mỗi con tàu phải sửa trong thời gian bao lâu, ông Thuận cười bảo: “Sửa 1 con tàu cũng như bắt bệnh cho một con người. Bệnh nặng thì thì gian điều trị lâu. Tàu bị hư hỏng nặng thì thời gian sửa chữa sẽ dài hơn. Thường khi tàu lên đà cũng phải mất ít nhất từ 15 ngày trở lên, tàu nào hư hỏng nặng thì thời gian sửa dài hơn”.
Bên trong căn lán nhỏ được lợp bằng lá kè, bàn chè thuốc và vài ba cái ghế để anh em thợ rảnh tay nghỉ ngơi, chè thuốc. Nhớ về một thời gian khó, lăn lộn với đủ thứ nghề, ông Thuận nói: “Bôn ba khắp Nam - Bắc, nhưng rồi cuối cùng vẫn trở lại về với cái nghề sửa tàu truyền thống như là định mệnh của đời mình vậy. Cái nghề từng một thời vang bóng ở vùng quê nơi đây”.
Ngày trước vùng này có tên là làng Hà Bạc, là làng thợ thuyền nức tiếng gần xa với nhiều thợ giỏi. Bấy giờ, làng chỉ sửa các loại phương tiện nhỏ, chủ yếu là các phương tiện đánh bắt gần bờ. Dần dà các phương tiện được cải hoán, nâng cấp, nhu cầu đóng mới, sửa chữa ngày càng lớn hơn.
Thấy được nhu cầu của người đi biển, sẵn nghề ông Thuận đã mạnh dạn đầu tư mở một xưởng sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Thuận, lúc đó có thợ, có nghề, nhưng đồ đoàn cái gì cũng thiếu. Để cho một con tàu lên cạn phải huy động hàng chục thợ thuyền dùng sức để kéo trên những con lăn. Trong khi công cụ của thợ thì chỉ vài ba cái đục, cái cưa, bào… chứ không có máy móc, đường tải như bấy giờ.
Khi mới thành lập, xưởng chủ yếu sửa chữa tàu thuyền nhỏ từ 20 CV, đến nay xưởng đã tiếp nhận những tàu tải trọng gần 300 tấn. Lý do mà nhiều chủ tàu đặt niềm tin, ngoài uy tín thì vị trí địa lý, sự thuận tiện trong việc di chuyển tàu thuyền vào xưởng… khiến xưởng của ông Thuận luôn đông khách.
Để những con tàu có thể trụ vững, không bị vỡ trước những cơn sóng quật, người thợ sửa tàu không chỉ có tâm huyết, mà tay nghề phải giỏi. Nhìn những đôi tay rắn rỏi, tỉ mỉ của những người thợ trong từng động tác đục, xảm, phần nào cho thấy sự lành nghề của họ.
Ông Nguyễn Ngọc (48 tuổi ở thôn Phú Mỹ) với thâm niên gần 20 năm làm nghề tại xưởng của ông Thuận chia sẻ: “Nói về thu nhập thì nghề sửa chữa tàu bây giờ không bằng nhiều nghề khác. Tuy nhiên, như lứa tuổi chúng tôi thì cũng chỉ có nghề truyền thống này lag phù hợp. Bên cạnh đó, được góp phần duy tu những con tàu giúp ngư dân an tâm bám biển, chúng tôi cũng thấy vui”.
Những năm qua, xưởng sửa chữa tàu của ông Thuận luôn duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng chục lao động với mức thu nhập 350 - 380 nghìn đồng/ngày. Thời kỳ vàng son, vào những năm 2012, 2013 ở xưởng ông luôn có 30 đến 40 lao động, mỗi năm sửa chữa cả trăm con tàu.
Phút trầm ngâm, ông Thuận lo lắng: Tính đến nay, huyện Hậu Lộc có khoảng gần 700 tàu cá, trong đó có gần 300 phương tiện khai thác xa bờ. Trong khi, huyện hiện có 3 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đủ điều kiện hoạt động. Ngoài cơ sở của ông còn có HTX Trường Phát và Công ty TNHH Tuyên Phong.
Đây được xem là thị trường lớn để nghề sửa chữa, đóng mới tàu mở rộng, phát triển hơn nữa. Song nhìn nhận thực tại, từ cuối năm 2019 đến đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như giá dầu tăng cao, ngư dân ít vươn khơi, xưởng tàu của ông không nhiều việc. Mặc dù vậy, đây là những khó khăn mang tính chất thời điểm.
Điều ông Thuận lo lắng chính là việc đào tạo lớp thợ kế cận. Để thu hút được lớp trẻ hiện giờ là rất khó, khi cái nghề cực vất không cạnh tranh được với nhiều ngành nghề khác. Hiện đa số lao động trong xưởng đều đã ở độ tuổi trung niên...
Nhìn vào mắt xa xăm hướng về phía con tàu sắp được “hồi sinh”, tôi thấy rõ sự hạnh phúc trong ông.
Nội dung: Sơn Đình.
Thiết kế & Trình bày: Mai Huyền.