Sáng sớm đầu tuần, phố phường rộn ràng. Đã qua ngày 22/12, nhưng tuyến đường Lê Lai, phường Đông Sơn, vẫn rợp màu cờ đỏ. Rẽ vào ngõ 22, đường Đỗ Hành, tôi tìm đến gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Sinh - người đã có một thời trai trẻ đầy sôi nổi và đáng tự hào. Ông vừa trở về sau nhiều ngày nằm viện thực hiện ca mổ gắp mảnh đạn trên đùi. Ở tuổi 80, nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình, ông đã trải qua quá trình hồi phục khá mau chóng. Vơi cơn đau khi trái gió trở trời, ông dành những ngày an yên để vui vầy bên con cháu, bạn bè, đồng đội. Ngôi nhà rộn ràng với những lời chúc mừng, thăm hỏi.
Họ ngồi bên nhau, chuyện đông chuyện tây rồi lại quay về chuyện đời lính. Những câu chuyện lính được kể đi kể lại nhưng lần nào cũng tưởng mới kể lần đầu đầy xúc cảm. Để rồi, mọi bộn bề của cuộc sống lùi lại phía sau, chỉ còn những người lính như trẻ lại. Họ - những người may mắn được nhìn thấy ngày đất nước hòa bình và phát triển, nhưng những dấu vết chiến tranh bằng cách nào đó vẫn in hằn trên thân thể.
Từ lúc sinh ra, mảnh đất Triệu Sơn – quê hương của Lê Xuân Sinh đã chìm trong lửa đạn. Lòng căm thù giặc đã nung nấu trong tim, cậu bé Sinh chỉ mong lớn thật nhanh để được đi diệt giặc, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1962, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 101A, Sư đoàn 325A, Quân khu 4. Lúc lên đường, ông chỉ kịp ghi vội vài nét chữ để thông báo với gia đình về chuyến đi mà chưa biết ngày về. Ấy vậy mà hào hứng phấn khởi, ông chỉ mong nhanh chóng ra trận với quyết tâm “một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”.
Năm 1964, đơn vị ông di chuyển vào chiến trường Tây Nguyên và chiến đấu tại đây nhiều năm. Lúc bấy giờ, cả khu vực Tây Nguyên bị Mỹ ngụy "bình định" nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhất là về lương thực. Do địa bàn nằm ở đoạn chuyển tiếp, đường tiếp vận từ ngoài Bắc vào hoặc mua lương thực từ vùng B2 Tây Ninh chuyển ra đều khó. Trong khi, đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên rất nghèo và thiếu thốn trăm bề. Vùng có bộ đội đóng quân, bản thưa thớt, đa phần là bản nhỏ làm tạm, dựng lên sau những lần chạy bom đạn.
Cái đói của bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên có thể dùng các tính từ mạnh như: đói vàng mắt, đói lay lắt, đói quay quắt... để miêu tả. Gạo của cấp trên cấp xuống chỉ được hai, ba lạng một ngày, có thời gian không cung cấp kịp phải ăn sắn dài ngày. Nhưng như thế còn may là không bị đói, còn đủ sức để đánh trận. Có trận, tương quan lực lượng chênh lệch nên quân ta buộc phải rút vào rừng sâu, không có thức ăn nên anh em phải bứt lá rừng để nhai cho đỡ đói, bất cứ lá nào không đắng là ăn, một số người vì quá đói hoặc ăn phải lá rừng độc mà chết…
Mặc dù cuộc sống gian khổ, chiến đấu liên tiếp nhưng ông Sinh và đồng đội đã đánh thắng nhiều trận chiến oanh liệt, lập nhiều chiến công. Tham gia chiến đấu, ông Sinh đã tiêu diệt 125 tên giặt Mỹ, ngụy và 4 lần được công nhận là Dũng sỹ diệt Mỹ. Ông Sinh nhớ lại một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, đội của ông hy sinh gần hết, ông bị thương nghiêm trọng phải chuyển về điều trị tại bệnh xá trong một tuần. Những ngày nằm lại đây, lòng ông luôn sục sôi tinh thần chiến đấu: “Ai cũng chỉ mong mau khỏi để trở về chiến đấu, chẳng ai muốn ở lại phía sau” - ông hồi tưởng. Khi vết thương hồi phục, ông trở lại đơn vị, tiếp tục tham gia các trận đánh quan trọng. Lần khác, máy bay địch bất ngờ oanh tạc, bom nổ liên tiếp, hơi bom hất ông bật lên khỏi vị trí. Được đồng đội cứu, khi tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên của ông không phải về bản thân mà là về đơn vị: “Anh em còn nhiều không? Trận địa thế nào?”. Nhận được câu trả lời, ông mới yên lòng.
Với những thành tích trong chiến đấu, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh Nhân dân khi mới 25 tuổi.
Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Tây Nguyên, mặc dù bị thương, anh hùng Lê Xuân Sinh vẫn cùng đồng đội hành quân vào chia lửa với đồng đội ở Đông Nam Bộ. Thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 trực tiếp chỉ huy các trung đoàn bộ binh, pháo binh và đơn vị cao xạ tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Long Thành, Bình Sơn, phá vỡ tuyến phòng thủ then chốt vòng ngoài của địch trên hướng Đông Nam. Từ đó mở đường đưa lực lượng thọc sâu vào đánh chiếm Chi khu quân sự Nhơn Trạch và căn cứ Thành Tuy Hạ rồi vượt sông đánh chiếm quân cảng Cát Lái phát triển đánh chiếm vào nội đô Sài Gòn, cùng cánh quân Đông Nam tiến đánh giải phóng Sài Gòn vào trưa ngày 30/4/1975.
Ngày ông trở về từ chiến trường, ai cũng mừng vì thấy còn lành lặn, chứ mười người về thì có đến bốn người để lại chiến trường một phần cơ thể. Người phải đi chân gỗ, người tay áo gió lùa, người mang về một hõm mắt sâu, lại có người bị bom đạn vạt một bên tai trống huơ trống hoác. Ông trở về chỉ có chiếc ba lô xẹp lép và hàng chục mảnh đạn găm đâu đó trên cơ thể, dĩ nhiên không phải ở tim. Từ số giấy tờ ông mang về, người thân ông biết rằng không chỉ có 1,2 hay 3 mà tận 11 vết thương in hằn trên cơ thể ông với hàng chục mảnh đạn lớn nhỏ nằm sâu dưới da. Sau đó, ông đi mổ gắp ra một vài mảnh, những mảnh khác vẫn “ngủ”. Mảnh to hơn hạt ngô, mảnh thì lấm tấm như hạt cát. Ông cười khề khà chỉ vào vị trí những mảnh đạn trên cơ thể. “Cũng lấy ra mươi miếng rồi, nhưng chưa thấm vào đâu. Cổ, tay, đùi… mỗi chỗ một vài miếng”. Những ngày thời tiết thất thường, trời trở gió, ông lại đau nhức râm ran, có khi cơ thể nảy lên như bị kim đâm mạnh vào. Khi nào chịu hết thấu, vợ con đưa ông vào bệnh viện chữa trị với tâm trạng chực sẵn một cuộc phẫu thuật nào đó...
Trọn đời sống, chiến đấu theo lý tưởng của Đảng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng Lê Xuân Sinh luôn gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ; chăm lo, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, yêu quê hương; quan tâm bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện vì mệt và mất sức, ông Sinh căn dặn: "Chỉ có trải qua cuộc chiến tranh mới thấu hiểu được giá trị của hòa bình. Chỉ có hòa bình mới đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc; con cháu chúng ta mới được đến trường, được học tập, được khám phá thế giới. Được sống trong hòa hình như bây giờ không phải dễ, có được rồi cố gắng mà giữ...".