Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn nào, Thanh Hóa đều có những đóng góp rất quan trọng. Với truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang đó, Thanh Hóa càng tự hào khi là một trong những địa phương thành lập Đảng bộ từ sớm (ngày 29/7/1930). Cùng với sự phát triển của Đảng bộ, đội ngũ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh cũng nhanh chóng trưởng thành và khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt trong công tác chính trị, tư tưởng của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã tổ chức cơ quan ấn loát in truyền đơn, tài liệu, như: Cuốn sách “Tóm tắt lịch sử nhân loại”, thơ ca cách mạng trích trong tạp chí “Búa Liềm” của Đông Dương Cộng sản Đảng; phát hành báo “Tiến Lên”… Tuy phát hành với số lượng không nhiều, nhưng báo Tiến Lên cùng các tài liệu của Đảng đã làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, mục đích, lý tưởng, chính cương, sách lược vắn tắt của Đảng được truyền bá sâu rộng trong quần chúng lao khổ, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống áp bức, bóc lột.
Để công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng trở thành “ngọn cờ đầu” thôi thúc tinh thần cảnh giác và đấu tranh cách mạng trong quần chúng Nhân dân, các cán bộ tuyên giáo cốt cán luôn kiên trì bám trụ trong quần chúng, đấu tranh chống khủng bố, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của bọn thống trị. Cùng với đó, tiếp tục củng cố và phát triển các hội quần chúng, phát triển đảng viên. Chấn chỉnh lại hệ thống thông tin liên lạc, lập thêm các thùng thư bí mật ở các huyện. Ra tờ báo “Tia Sáng” thay cho tờ “Hồn Lao động”. Đồng thời, tháng 5/1938, tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) đã thành lập Thanh Hóa Thư quán, trở thành trung tâm tuyên truyền, chỉ đạo cung cấp sách, báo tiến bộ cho các cơ sở cách mạng trong tỉnh. Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao giác ngộ cho các tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng bộ trên các phương diện chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tháng 8/1945, khí thế cách mạng sục sôi đã khắp cả nước. Tại Thanh Hóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, hệ thống chính quyền cách mạng được thiết lập trên địa bàn toàn tỉnh (cuối tháng 8/1945). Từ ngày 18/8 đến 23/8, chính quyền cách mạng ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh đã ra mắt Nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng Nhân dân và bước vào xây dựng chế độ mới.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược (1945-1954), thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân và quốc phòng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác tuyên giáo đã phát động đồng bào các dân tộc không phân biệt giai cấp, tôn giáo, nghề nghiệp, giới tính nêu cao khối đoàn kết, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, bảo vệ hậu phương lớn Thanh Hóa. Qua đó, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, ngành Tuyên giáo Thanh Hóa đã góp phần cùng cả tỉnh động viên sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của cả nước, nhiều thế hệ con em người Thanh Hóa đã xung phong ra mặt trận, có mặt trên khắp chiến trường “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành". Với tinh thần vừa tích cực sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Thanh Hóa đã lập nhiều thành tích và góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, dưới sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Đảng bộ tỉnh, công tác tuyên giáo đã vận dụng sáng tạo việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tập trung "Hàn gắn vết thương chiến tranh", xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đời sống, đặt nền tảng cho sự phát triển sau này. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất công nghiệp... trong thời kỳ này được xây dựng bằng sức lao động và sự đóng góp của Nhân dân trong tỉnh, đến nay vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.
Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, công tác tuyên giáo càng khẳng định rõ vai trò, vị thế để có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nổi bật trong đó là việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh về công tác tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc, thúc đẩy công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các thách thức trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa khi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cao hơn đối với công tác tuyên giáo. Trong đó, yêu cầu có tính cấp bách lúc này là toàn ngành Tuyên giáo phải nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời, bám sát tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng chính trị, tạo sự nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh tư tưởng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đặt ra trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Có thể khẳng định, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, đội ngũ làm công tác tuyên giáo ở Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, lòng nhiệt huyết và quyết tâm của những chiến sĩ xung kích trong công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh, thực sự trở thành cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ngành Tuyên giáo Thanh Hóa cũng nhận thức rằng, vẻ vang và vinh quang luôn song hành với trách nhiệm lớn lao. Do đó, trên bước đường phát triển sắp tới đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo càng phải nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm được giao. Từ đó, góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.