Lưng chừng tháng chạp, vầng trăng lại bồi hồi nhô lên giữa cái lạnh the thắt của mùa đông. Trăng tháng chạp không rực rỡ như mùa hè, cũng không dịu dàng như mùa thu, mà khiêm nhường len lõi giữa những cơn mưa buông lơi một lần cuối sau một năm vì nhân gian mà tỏ rạng. Trăng tàn là hết tháng, sau mùa trăng cuối là hết năm. Cuộc đời cũng như thế, cũng xoay vần theo vòng xoáy của thời gian, chúng ta đã trải qua rất nhiều điều mà không có thời gian suy ngẫm. Để rồi thấy bâng khuâng khi nhìn lại những quãng đường đã qua, thầm lo nghĩ cho những điều sắp tới.

Ngắm mùa trăng cuối, lòng tôi bỗng nhớ thương da diết quê nhà, nơi tuổi thơ chạy nhảy dưới cánh đồng vừa gặt xong, thơm mùi rơm mới. Hoài niệm về quê hương và tuổi thơ luôn là thứ đau đáu trong lòng người ta, phải chăng nơi đó có người luôn yêu thương ta, nơi đó có một ta hồn nhiên vô tư lự. Nhất là khi sống nơi phố thị luôn luôn sáng đèn, những mùa trăng thường trôi qua lặng lẽ chẳng ai mong chờ cũng không ai tiếc nuối. Có chăng là những người lớn lên từ làng, những người nặng lòng với thiên nhiên và ký ức của thế hệ. Vào mùa trăng cuối này, chắc khóm hoa nhà trồng giờ đã đơm những nụ xinh, chúm chím nhô lên chờ ngày xuân khoe sắc. Có một loại hạnh phúc mang tên chờ đợi chính là khoảnh khắc này đây, khoảnh khắc nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng, tuy giản dị nhưng chân thành, gần gũi. Khi đã trải qua một năm thăng trầm, thứ làm ta xúc động đôi khi chỉ là được ngồi bên thềm nhà có trăng, nghe mùi hương dịu dàng thoảng đưa trong gió.

Bạn bè hỏi nhau khi nào về quê ăn tết? Nghĩ cũng lạ, tết đâu phải là tết của riêng quê ấy vậy mà nếu không về quê thì tết cũng không còn ý nghĩa. Ngày xưa, vào những đêm trăng tháng chạp, mẹ trải đệm ra giữa sân rồi cả nhà cùng tách vỏ lạc để làm kẹo. Tiếng kêu lách tách và tiếng cười nói của chúng tôi rộn rã buổi đầu hôm. Đầu tháng chạp, bố nhặt lá tất cả các cây đào trong vườn, trong ánh trăng lấp lánh những nụ mầm chi chít. Còn mẹ nói rằm tháng chạp là rằm lớn, nên ngoài việc cúng ở nhà mẹ còn bảo chị lên chùa thắp hương. Tôi theo chị lên chùa, ánh trăng đã nhô cao lên khỏi mái rồng khu chính điện. Bây giờ vào mỗi mùa trăng cuối, không cố ý mà những kỷ niệm đó lại ùa về, rưng rưng tròng mắt.

Bỗng dưng có nhiều tiếc nuối đan xen, những điều chưa làm được, những người đã chia xa. Ta cứ nói với nhau chuyện buông bỏ nhưng kỳ thực ta vẫn cứ vấn vương những thứ đã mất. Có đôi lúc tôi còn có cảm giác sợ đi hết mùa trăng này, sợ một cái tết mà khi đó người thân yêu của tôi không còn nữa. Nhưng rồi chúng ta biết rằng, không ai có thể không tuân theo quy luật của tự nhiên, của thời gian, người xa cũng đã xa rồi còn tết mỗi năm vẫn đến. Ta cứ phải dọn dẹp trong lòng một chút ngổn ngang rồi vui vẻ sống trong hiện tại. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng thay vì cứ tiếc nuối quá khứ và lo lắng cho tương lai, chúng ta hãy trân trọng hiện tại, sống hết mình cho hiện tại để tạo ra tương lai của riêng mình. Mùa trăng cuối chính là một nốt lặng cần thiết để tạo đà cho những bước tiến xa hơn, hít một hơi dài chuẩn bị tâm thế để đối diện với những gì hiển nhiên xảy đến.

Mùa trăng cuối, ánh trăng thanh thanh soi sáng cả một vạt cỏ lau phía sau hè. Hoa lau thế mà lại hay, đến hẹn lại lên, chẳng vì ai mà tàn, cũng chẳng vì ai mà nở rộ. Hoa lau cứ thế báo hiệu một năm thăng trầm sắp qua đi, còn ta có lẽ cũng đã cháy hết mình cho những gì hằng mơ ước.

Có thể một năm là quá nhanh, có thể ta chưa hoàn thành tốt những dự định, nhưng thật may mắn là bản thân chưa từng từ bỏ. Mùa trăng cuối, cảm ơn chính mình vì đã cố gắng, những vất vả trong một năm rồi cũng có ngày trổ nên quả ngọt. Đã đến lúc nói lời tạm biệt với mùa trăng cuối, rồi mai trời xuân chan hòa, ta lại đồng hành cùng những mùa trăng rực rỡ giêng hai.

Nội dung: Kim Loan

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ hoạ: Mai Huyền