Khi những ánh nắng bắt đầu xuyên qua ô thoáng giếng trời tỏa hơi ấm vào căn nhà, tôi bắt đầu thức dậy. Một ngày đẹp nắng giữa mùa đông lạnh, không còn ẩm ướt dư vị rét. Nhoài người mở tấm rèm cửa sổ nhìn ra con đường trước nhà thấy những nong, những nia trắng một màu bột. Tôi nhớ là cô hàng xóm nói mượn hiên nhà, thì ra để phơi bột. Một trời ký ức cứ thế ùa về. Ký ức về những nong bột tết.
Phàm những người sinh ra ở nông thôn, nhất là ở những vùng quê chiêm trũng trồng lúa đều biết đến bột tết. Đó là một nguyên liệu không thể thiếu cho mâm cỗ cúng ngày tết. Bột có thể dùng làm bánh rán, bánh nhè, bánh trùng, bánh trôi, bánh mật, bánh tro. Có nơi dùng cả bột khô để làm bánh lá.
Những nong bột sau ngày nắng lên đóng thành từng bánh khô, được đập ra cất vào những chiếc túi ni lông để tết dùng. Để có những túi bột ấy là cả một công đoạn, từ chọn gạo, ngâm gạo, xay bột cầu kỳ. Ở nông thôn nhiều nhà có cối đá để xay bột nước. Trước tết chiếc cối được chủ nhân vần từ góc bếp ra giếng ngâm rửa kỹ, dùng lá thơm và lá chuối xanh đánh sạch, phơi khô, hôm sau mới dùng để xay bột tết. Nhà tôi không có cối, mỗi tết mẹ lại dạm trước với nhà hàng xóm xem hôm nào xay bột để cùng làm. Mẹ chọn thứ gạo trắng nhất được giã kỹ hơn đem ngâm. Khi mẹ xay bột, chúng tôi lăng xăng chạy quanh chiếc cối đá, thỉnh thoảng lại dừng lại bắt chước người mua bột, nói rằng: Năm hết, tết đến, chúng tôi qua nhà mua bột về cúng ông bà, mong bà bán cho ít bột. Một đứa lấy tập lá mít ra làm tiền, đứa khác đưa chiếc bát sứt ra để hứng bột, mẹ vừa xay bột vừa cười, lấy chiếc gáo dừa múc cho chúng tôi một ít ví dụ. Lũ trẻ sau khi có bột lại lăng xăng sang góc sân mô phỏng những động tác làm bánh, rồi cười sung sướng. Cứ đầu tháng chạp chúng tôi lại mong được đi nghỉ học, được chơi, trong đó có cả việc lăng xăng xem người lớn chuẩn bị món bột tết.
Không chỉ có bột khô, nhiều nhà còn dùng cả bột nước để làm bánh lá. Bột nước phải dùng trong ngày, thường được xay từ tờ mờ sáng ngày 30 tháng chạp hoặc mùng một tết. Mẹ không muốn tôi thua thiệt lũ trẻ nhà hàng xóm nên sáng 30 năm nào cũng vậy, thường dậy thật sớm sang nhà hàng xóm để xay bột nhờ. Đem bột về nhà, mẹ cẩn thận giáo bột thật kỹ. Nồi bột đặt trên bếp lửa liu riu, vài phút mẹ lại dụi cho lửa tắt đi, chỉ để khúc củi gộc đỏ than. Tay mẹ liên hồi dùng đôi đũa bếp giáo bột. Để có nồi bánh ngon công đoạn giáo bột là quan trọng nhất. Giáo sao cho bột sánh nhưng không chín, để chiếc bánh gói ra mịn, đều và dẻo.
Trước kia tết ở nông thôn không có nhiều món, mỗi nhà chủ yếu chỉ có nồi cá mè kho khô, một hai chiếc giò mỡ nhỏ, còn bánh thì có nhiều hơn, từ bánh lá đến bánh mật, bánh rán... Để món bánh tết ngon, nhiều nhà rất chú ý đến khâu làm bột. Mẹ là người điển hình cho sự chuẩn bị điều đó, khiến chúng tôi luôn hào hứng với tết.
Mẹ đã thành người thiên cổ lâu rồi, món bột tết cũng đã theo mẹ ra đi. Sau khi tôi trở thành cư dân đô thị, mỗi tết nhà tôi thường chuẩn bị ít bột để làm bánh cúng gia tiên, nhưng là bột mua sẵn. Ở phố Cao Thắng, TP Thanh Hóa có một đoạn ngắn chuyên bán bột khô. Bột bây giờ có đủ loại, có những thứ bột cao cấp được xay lẫn với những nông sản đắt tiền để phục vụ đối tượng khách ở phân khúc cao. Nhiều nhà đã quen với nguồn cung cấp bột như thế, chả mấy ai còn nhớ đến mùi vị của ký ức xưa cũ lăng xăng quanh cối bột tết và háo hức chờ những chiếc bánh thành phẩm sau khi nong bột tết phơi xong được người lớn cho vào những chiếc túi ni lông cất kỹ.
Tôi bước ra khỏi nhà đặt tay vào những nong bột tết mà hàng xóm phơi trước sân nhà. Hàng xóm mới ở quê chuyển xuống. Cô chú đem theo lối sinh hoạt của làng quê xưa xuống phố. Để có những nong bột ấy, cô chú đã gần như thức trắng đêm qua, mặc kệ những đứa con ngăn cản. Công việc của cô chú vất vả nhưng là biểu thị cho sự nhớ nhung một thời quá vãng. Những nong bột tết phơi trên hè phố có phần nhếch nhác, nhưng nó giúp đánh thức một trời ký ức của nhiều người ngang qua.
Tôi đứng cạnh nong bột miên man nghỉ về tuổi thơ mình, về một thời bột tết xốn xang.