Đồng chí Lê Anh Xuân:TP Thanh Hóa có vị trí rất quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa, cũng như khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung Bộ; là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật và quốc phòng - an ninh của tỉnh, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước. Không những thế, thành phố nằm ở trung tâm đồng bằng sông Mã, sông Chu - những trung tâm dân cư lớn và lâu đời nhất của cả nước, nắm giữ những giá trị lịch sử và nhân văn hết sức sâu sắc.
Sau hơn 10 năm thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg, thành phố đã mở rộng địa giới hành chính về phía Đông Nam và dọc hai bên bờ sông Mã theo hướng kết nối với thành phố Sầm Sơn. Trên cơ sở đó, ngày 29-2- 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP điều chỉnh địa giới để mở rộng địa giới hành chính TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa. Thời điểm này TP Thanh Hóa có 37 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường và 23 xã. Gần đây nhất, ngày 9-12- 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1108/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, theo đó, TP Thanh Hóa có 30 phường và 4 xã trực thuộc như hiện nay. Có thể khẳng định việc thực hiện Quy hoạch chung TP Thanh Hóa theo Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg, đã tạo ra bước chuyển mới về không gian đô thị, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là tạo bước đột phá về hạ tầng đô thị, góp phần quan trọng để TP Thanh Hóa trở thành đô thị loại I (tháng 11-2014) và là đô thị phát triển năng động trong khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ.
Trước yêu cầu mới, mang tính động lực cho phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông mới của quốc gia và sự tăng trưởng mạnh của tỉnh Thanh Hóa, đã đặt ra yêu cầu điều chỉnh một số định hướng phát triển của TP Thanh Hóa, sao cho phù hợp với xu thế chung và yêu cầu thực tiễn. Xuất phát từ yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2019/QĐ-TTg ngày 25-1-2019 về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Mục tiêu của Quy hoạch này là nhằm nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng Bắc bộ, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào, với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa vùng đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn...
Sau quá trình chuẩn bị công phu, bài bản và khoa học, ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới và tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai. Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp CNH, HĐH; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hoá, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đồng chí Lê Anh Xuân:Quy hoạch đô thị được hiểu là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Theo đó, TP Thanh Hóa có tính chất, chức năng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa; là một trong những trung tâm kinh tế xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và vùng phía Nam Bắc bộ; là đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh; Đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch văn hóa- lịch sử , du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh. Về quy mô dân số, dự báo đến năm 2030 có khoảng 780.000 đến 800.000 người; đến năm 2040 có khoảng 1.000.000 người.
Đặc biệt, Quy hoạch đã định hướng phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa, kết nối, với ý tưởng chủ đạo là: tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (sông Mã) - hướng biển (vịnh Bắc Bộ). Đồng thời, phát triển đô thị theo mô hình “tập trung, đa tâm”, với việc điều chỉnh mô hình “vành đai - xuyên tâm" thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm”. Lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm; lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị; lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “ 3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”.
Cụ thể, “3 trục phát triển” chính gồm: Trục truyền thống (Theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam); Trục phát triển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam (theo các trục đường QL45, QL47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam sông Mã, nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao đường bộ cao tốc Đông Xuân, qua trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn); Trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc (từ đường trung tâm thành phố đi Cảng hàng không Thọ Xuân qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới).
“6 trung tâm” tích hợp bao gồm: Trung tâm hiện hữu (chức năng trọng tâm là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố và của cả tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm Hàm Rồng - Núi Đọ (chức năng trọng tâm là trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái); Trung tâm Đông Nam (chức năng trọng tâm là trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh, trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm đô thị mới theo hướng liên kết TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn); Trung tâm Đông Bắc (chức năng trọng tâm là dịch vụ thương mại khu vực Bắc sông Mã và trung tâm đô thị mới; liên kết TP Thanh Hóa với vùng đô thị hóa huyện Hoằng Hóa và vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm phía Tây (chức năng trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ đầu mối nông lâm sản; liên kết TP Thanh Hóa với các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa); Trung tâm phía Tây Nam (chức năng trọng tâm là nông nghiệp đô thị và trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao; liên kết với các huyện Quảng Xương, Nông Cống và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa).
“1 hành lang sinh thái tự nhiên” hai bên sông Mã: hình thành các công viên sinh thái dọc sông Mã, phù hợp thủy văn và cảnh quan bên sông.
Đồng chí Lê Anh Xuân:Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040, xác định tầm nhìn: “Xây dựng phát triển đô thị Thanh Hóa trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn”.
Do đó, việc triển khai thực hiện Quy hoạch phải được tiến hành từng bước, với lộ trình và nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, bài bản, nghiêm túc, khoa học, đồng bộ và hiệu quả. Trước hết là triển khai một loạt các công việc liên quan đến việc sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Việc sáp nhập 2 địa phương dựa trên cơ sở của sự phù hợp về văn hóa, lịch sử; phù hợp về không gian phát triển đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính. Đồng thời, việc sáp nhập huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa là phù hợp với Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Ngoài ra, thành phố sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị, lập thiết kế đô thị các tuyến đường, trục cảnh quan đô thị quan trọng; tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Thanh Hoá. Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Thanh Hoá cho phù hợp với Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tổ chức lập mới các quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Đông Sơn...
Đồng chí Lê Anh Xuân:Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040 phải được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở kế thừa các quy hoạch trước đây. Đồng thời, việc điều chỉnh thay đổi phải đánh giá tác động và phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan. Không gây thất thoát, lãng phí, tính toán bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường và bảo đảm sự đồng thuận của cộng đồng dân cư, phát triển hài hòa, giữ gìn cảnh quan môi trường, đáp ứng về an ninh quốc phòng... Qua đó, đưa TP Thanh Hoá trở thành một cực động lực phát triển của tỉnh Thanh Hóa, theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Thỉnh ủy, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá giàu đẹp, văn minh, hiện đại và kiểu mẫu của cả nước.