Sau hơn 10 năm thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Thanh Hóa theo Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg ngày 16-01-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã mở rộng địa giới hành chính về phía đông, nối liền với thành phố Sầm Sơn, dân số, đơn vị hành chính và quy mô nền kinh tế đều tăng. Cùng với đó, ngày 25-10-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những cơ chế nổi trội dành cho thành phố, càng tạo cơ hội để thành phố vươn tầm cao mới.
Trước yêu cầu phát triển mới, đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số định hướng phát triển của thành phố sao cho phù hợp với xu thế chung và yêu cầu thực tiễn. Với sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ tích cực của tỉnh, các cơ quan chức năng trong tỉnh, sự phối hợp hiệu quả với các cơ quan ở Trung ương, cũng như quá trình chuẩn bị công phu và khoa học của thành phố, ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, một dấu mốc mở ra thời kỳ phát triển mới, cao hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn cho thành phố; cũng chính là một công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian theo địa giới, nhất là sau khi thành phố được mở rộng địa giới hành chính ra toàn bộ diện tích huyện Đông Sơn hiện nay.
Theo đó, Quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Thanh Hoá trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hoá, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; có kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, hướng tới thành phố thông minh, văn minh, hiện đại; là một động lực quan trọng góp phần đưa tỉnh Thanh Hoá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Về tính chất, chức năng, đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và vùng phía Nam Bắc bộ; đầu mối giao lưu của tỉnh Thanh Hóa với cả nước và quốc tế; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh; đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, nhất là dịch vụ chất lượng cao; phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa xứ Thanh.
Theo quy hoạch, quy mô đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634 ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2030 tăng lên 11.181 ha, chiếm 49% và đến năm 2040 tăng lên 14.019 ha, chiếm 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.
Về định hướng phát triển không gian, sẽ phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa kết nối với ý tưởng chủ đạo là tựa núi, cạnh sông Mã, hướng ra biển lớn. Trong đó, lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, phát triển đô thị hai bên bờ sông Mã, kết nối mạnh về phía đông, hướng ra biển. Lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Với việc xác định 3 trục phát triển - 6 trung tâm tích hợp - 1 hành lang sinh thái tự nhiên, các khu vực đô thị gắn với trung tâm hiện hữu cũng như định hướng rõ nét không gian xanh, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, Quy hoạch không chỉ là cơ sở pháp lý, mà còn là động lực dẫn dắt, thúc đẩy thành phố khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của mình, không chỉ nhằm xây dựng và phát triển thành phố thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh; mà còn phải là một trong những trung tâm lớn ở nhiều lĩnh vực của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Trước đó, tại Nghị quyết số 05/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế của tỉnh, một động lực phát triển của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2045 là thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước.
Đây là một sự kết hợp đồng bộ và thống nhất, vừa mang tính định hướng, vừa có sự dẫn dắt, đảm bảo về tính pháp lý. Cùng với những nội dung đề ra tại Nghị quyết số 05/NQ-TU, những mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch lần này, sẽ là cơ sở rất quan trọng, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, cũng là động lực, niềm tin, để cả hệ thống chính trị và Nhân dân TP. Thanh Hóa cùng vươn tới. Theo đó, trước tiên thành phố cần phải tập trung thực hiện tốt công tác triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trên cơ sở các nội dung Quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố cần rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố và huyện Đông Sơn, bảo đảm khoa học, có tầm nhìn dài hạn, thống nhất, đồng bộ, kết nối; khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các quy hoạch trước đây. Trên cơ sở các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tập trung thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Cùng với đó, khai thác và phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của khu vực, tạo động lực để góp phần đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Bắt đầu từ dấu mốc quan trọng năm 1994 khi công bố từ thị xã Thanh Hóa lên TP. Thanh Hóa, sau gần 3 thập kỷ nỗ lực chuyển mình, TP. Thanh Hóa đã rất nỗ lực để từ một đô thị loại III đã trở thành đô thị loại I; từ vị thế của một đô thị tỉnh lỵ chủ yếu đóng vai trò kết nối trong tỉnh, trở thành một thành phố năng động, tầm vóc, có vai trò, vị trí quan trọng trong sự liên kết, kết nối, phát triển vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ, cửa ngõ quan trọng ra phía Bắc và sang Lào… Tuy nhiên, với khát khao và nội lực của mình, thành phố có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn thế. Về quy mô, vóc dáng, dân số, sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn, TP. Thanh Hóa hoàn toàn có thể trở thành một “siêu thành phố” của khu vực. Về quy mô nền kinh tế cũng sẽ có sự tăng trưởng tương xứng, trong đó không chỉ có công nghiệp phát triển mạnh với 3 khu công nghiệp hiện tại là Lễ Môn, Hoàng Long, Đình Hương - Tây Bắc ga, mà còn có thêm những khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn huyện Đông Sơn hiện tại. Thành phố cũng sẽ có thêm những xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã được công nhận, có thêm những làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, có thêm những mô hình canh tác nông nghiệp kiểu mẫu, hiệu quả cao, diện tích nông nghiệp cũng sẽ lớn hơn, đóng góp cho nền kinh tế của thành phố nhiều hơn.
Đặc biệt, với sự tích hợp không gian văn hóa Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa cũng sẽ mở ra cơ hội lớn hơn để thành phố phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là khai thác các giá trị văn hóa truyền thống từ vùng đất cổ Đông Sơn, các nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong sinh hoạt nông nghiệp của vùng đất Đông Sơn xưa, để phát triển du lịch, hiện thực hóa các mục tiêu về du lịch mà thành phố đã đề ra.
Bên cạnh đó, với quan điểm định hướng phát triển không gian lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị, tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã càng tạo cơ hội cho thành phố khai thác hết các giá trị văn hóa của mình và vùng phụ cận để phát triển. Trong đó, dãy núi Nưa là trầm tích văn hóa không chỉ gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và còn được xem là một trong những huyệt đạo của đất nước. Địa danh núi Nưa đã rất nổi tiếng trong và ngoài nước, nếu biết khai thác yếu tố văn hóa đặc biệt của nơi “thành phố tựa lưng vào” cùng với đó là tầm nhìn hướng ra biển lớn theo dòng sông Mã - dòng sông chở nặng phù sa văn hóa và những giá trị về nguồn lợi từ thủy sinh… sẽ tạo cho thành phố một vị thế văn hóa và một giá trị tâm hồn, để thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đáng nói nữa là với việc xác định các trục cảnh quan, không gian văn hóa cộng đồng mang tính công ích, sẽ tạo điều kiện cho thành phố huy động thêm quỹ đất và nguồn lực để thực hiện. Đây là một vấn đề khó, dù thành phố đã nhiều lần triển khai nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý. Với việc quy hoạch rõ ràng các không gian phát triển, trong đó có những trục cảnh quan, sẽ là cơ sở để thành phố tính toán, sắp xếp, thực hiện một cách hợp lý hơn, mở thêm những không gian phát triển, giải trí mới góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện để người dân thành phố và du khách được hưởng thụ các giá trị từ công năng của những hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Có thể nói, Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh và thành phố có thêm cơ sở, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn, từ đó nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa là lõi của vùng đô thị trung tâm tỉnh Thanh Hóa thịnh vượng, hiện đại, sinh thái, giàu bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn. Thông qua Quy hoạch nhằm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, cũng như mức thụ hưởng văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Việc thành phố nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một Nghị quyết riêng với cơ chế đặc thù có tính nổi trội. Và giờ đây, thành phố lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một quy hoạch khá toàn diện, với tầm nhìn dài hơi, là tiền đề rất quan trọng để thành phố khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, biến dư địa phát triển thành những giá trị vật chất, hạ tầng kỹ thuật, càng tạo thêm thế và lực cho thành phố trong hành trình phát triển sắp tới. Một thời kỳ mới đang mở ra, một giai đoạn tăng tốc cao hơn, toàn diện hơn đã bắt đầu. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, càng đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố phải có một quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn. Nhiệm vụ có thể khó khăn hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, sự quyết tâm và đồng lòng trên dưới, nhưng tin rằng một thành phố với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, luôn có những cách làm hay, sáng tạo, với những bước đi đột phá đã được khẳng định trong thời gian qua, sẽ sáng tạo hơn nữa, huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, để các định hướng quy hoạch sớm trở thành hiện thực, đưa thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng là trái tim của cả tỉnh, một đầu tàu phát triển của khu vực trong giai đoạn phát triển mới cao hơn.