Trong XDNTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có phong trào hiến đất. Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh và các cơ quan truyền thông đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Các địa phương trong tỉnh cũng triển khai chương trình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền.
Một số huyện còn ban hành chủ trương riêng về hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, điển hình như: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 22/7/2022 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn; Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 2/2/2023 về tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, để mở rộng đường giao thông nông thôn; Huyện ủy Thiệu Hóa có Công văn số 536-CV/HU ngày 26/11/2021 về phát động phong trào “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh”…
Các cơ quan, sở ngành cấp tỉnh cũng vào cuộc để tạo thành phong trào sâu rộng ở khắp nơi: Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia. Tính từ năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động Nhân dân hiến trên 544 nghìn m2 ha đất, đóng góp trên 361 nghìn ngày công để sữa chữa và xây dựng 235 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi.
Tỉnh Đoàn tiếp tục triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM”; đảm nhận thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn, đường điện thắp sáng đường quê. Đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã sửa chữa được 99,5 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 10 km đường điện thắp sáng đường quê; trồng mới 101 tuyến đường cây thanh niên với 458 nghìn cây xanh, hoàn thành 75 tuyến đường tranh bích họa, cột điện nở hoa; triển khai xây dựng mới 21 tuyến đường sáng – xanh - sạch - đẹp, văn minh, an toàn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng và nhân rộng các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”; “Đường hoa, đường tranh, hàng cây”; trồng 851 nghìn cây xanh các loại dọc các tuyến đường.
3 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, tổ chức cho nông dân hiến hơn 342.300 m2 đất; tu sửa và làm mới gần 3.250 km đường giao thông nông thôn. Các cấp Hội Cựu chiến binh triển khai, vận động hội viên và Nhân dân hiến 28.350 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; tham gia cứng hóa 185 km đường liên thôn với 14.500 ngày công.
Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương thông tin, tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến về hiến đất trong XDNTM tại các địa phương nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa.
Từ đó, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM tại các địa phương. Đến nay, điển hình như: Nhân dân huyện Triệu Sơn đã hiến hơn 350 nghìn m2; Nhân dân huyện Quảng Xương hiến hơn 111 nghìn m2, Nhân dân huyện Đông Sơn hiến hơn 90 nghìn m2 đất các loại... Nhiều huyện miền núi, mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng người dân vẫn nhiệt tình tham gia hiến đất để XDNTM, như: Nhân dân huyện Thạch Thành hiến hơn 83 nghìn m2; Nhân dân huyện Như Xuân hiến hơn 99 nghìn m2; Nhân dân huyện Ngọc Lặc hiến gần 95 nghìn m2...
Đó còn là kết quả của những cách làm hay, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh. Xác định phát triển hạ tầnglà khâu đột phá trong XDNTM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nên UBND tỉnh và một số địa phương đã ban hành chủ trương hỗ trợ xi măng cho các xã làm cơ sở hạ tầng, tạo động lực, khuyến khích Nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng các tuyến đường theo tiêu chí NTM các cấp độ.
Từ phong trào chung, ở khắp nơi đều xuất hiện những tấm gương không tiếc những “tấc vàng” vì sự phát triển chung của quê hương, như: Hộ gia đình ông Lê Quang Hòa, thôn Thạch Khê Tiên, xã Đông Khê (Đông Sơn) đã hiến 150 m2 đất ở, cùng ngôi nhà ở cấp bốn diện tích 50 m2, nhà máy xay xát gạo 40 m2, nhà bếp và 50 m tường rào, với tổng trị giá 300 triệu đồng để mở rộng đường thôn. Gia đình ông Phan Xuân Thịnh, thôn 5, xã Đông Minh (Đông Sơn) hiến hơn 250 m2 đất ở, giá trị trên 2 tỷ đồng, đồng thời động viên con cháu, người thân trong gia đình hiến đất và các công trình trên đất, góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM kiểu mẫu của thôn và xã. Gia đình ông Phạm Sỹ Giới, thôn Hiền Đông, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) đã tự giác tháo dỡ hơn 50 m tường rào, hiến hơn 100 m2 đất để xây dựng lại tường rào; gia đình còn bỏ ra 250 triệu đồng để đổ đường bê tông vào khu dân cư với chiều dài 105 m. Tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa), ông Quản Văn Dũng, trưởng thôn Quản Xá đã tự nguyện hiến 30 m2 đất ở để mở rộng đường, đồng thời vận động bố đẻ hiến hơn 70 m2 đất ở để mở rộng đường giao thông nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương…
Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600 nghìn m2, đất khác gần 900 nghìn m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình (gồm tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh... trị giá hơn 90 tỷ đồng). Không chỉ vậy, Nhân dân còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590 nghìnngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn.
Theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa: “Sau khi mở rộng đường, hầu hết các địa phương đã huy động nguồn lực từ Nhân dân xây dựng mới cổng, tường rào, mương thoát nước, di dời cột điện, đổ bê tông, nhiều tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, điện chiếu sáng mang lại cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; diện mạo nông thôn thay đổi cơ bản, nhiều vùng quê trở nên đáng sống, đặc biệt Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước”.
Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, bằng các nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ XDNTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo gần 3.600 km đường giao thông nông thôn; 1.042 km kênh mương và rãnh thoát nước; 339 công trình thủy lợi; 3.495 phòng học các cấp; 1.682 km đường điện, 418 trạm biến áp; 85 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 1.052 nhà văn hóa thôn; 92 chợ nông thôn; 105 trạm y tế xã; chỉnh trang hơn 58.800 nhà ở dân cư... Từ đó, góp phần tạo ra diện mạo khang trang, sạch đẹp, hình thành nên nhiều miền quê đáng sống.
Hơn 2 năm gần đây, Thọ Vực là điển hình của huyện Triệu Sơn trong thực hiện phong trào hiến đất. Tại các thôn trong xã thời điểm này, những người nơi khác đến đều ấn tượng trước cảnh quan - môi trường sạch đẹp. Những tuyến đường quê từ 3 - 4 m trước kia, nay đã thênh thang rộng mở trên dưới 10 m. Trên địa bàn toàn tỉnh, không khó để tìm ra những vùng quê đáng sống với diện mạo nông thôn thay đổi tích cực nhờ phong trào hiến đất. Những tuyến đường khang trang gắn điện cao áp, hệ thống thoát nước có nắp đậy, cây cảnh chạy dài... được bắt gặp ở các thôn: Xa Thư (xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương), Quang Trung (xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa), Nguyên Tiến (xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa), Là Thôn (xã Định Long, huyện Yên Định), Trung Tiến (xã Nga Hải, huyện Nga Sơn)...
“Chìa khóa trong phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng, nhất là mở rộng hệ thống giao thông ở Thanh Hóa chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Những công trình, phần việc liên quan đến vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong Nhân dân. Từ đó, các ngành đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều phong trào liên quan như cải tạo cảnh quan môi trường, mở rộng và trồng cây xanh, trồng hoa dọc đường làng ngõ xóm” - ông Cao Văn Cường cho biết thêm.