Giá trị thiêng liêng “không có gì quý hơn độc lập tự do” được khai mở từ tuyên ngôn của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; thêm vững tin và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là những điều rất cần suy ngẫm trong những ngày thu này. Bởi chỉ có những con người mới xã hội chủ nghĩa mới góp phần kiến tạo chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Lòng yêu nước hơn lúc nào hết cần tiếp tục nhận thức rộng và đào sâu để giàu thêm bản sắc, biến thành sức mạnh nội sinh, cố kết toàn dân tiến về phía trước; giành thêm những thắng lợi mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xây dựng nước ta giàu đẹp, hùng cường, văn hóa, văn minh. Đó là cảm nhận đến từ những cuốn sách nhỏ mà chúng ta có sau đây.
Trong cuốn “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn có trích dẫn: “Stein Tonnesson - Tiến sĩ, nhà sử học Na Uy, khi nghiên cứu về lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau chiến tranh Thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu”.
Cuốn sách nhỏ theo cách nói của tác giả chỉ làm việc khiêm tốn xâu chuỗi lại những sự kiện lịch sử xung quanh quá trình Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Qua nội dung cuốn sách, bạn đọc có những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là bản Tuyên ngôn ra đời từ tư duy của Hồ Chí Minh trải qua hành trình từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm, Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) được sự tham gia góp ý của một số Bộ trưởng là những trí thức uy tín trong Chính phủ lâm thời.
Theo tác giả Kiều Mai Sơn: Tuyên ngôn độc lập từ sản phẩm trí tuệ của một cá nhân đứng đầu Chính phủ đã trở thành tiếng nói đại diện cho toàn thể đất nước Việt Nam tuyên bố với toàn thế giới về nền Độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết: “Tân Trào - Ngọn sóng mới”, tác giả có nhắc tới một chi tiết rất cảm động. Tháng 8 năm 1945 tại chiến khu Tân Trào, tại lễ tuyên thệ của Ủy ban Dân tộc giải phóng trước Đại hội quốc dân, một đoàn đại biểu Nhân dân địa phương gồm già trẻ trai gái dắt một con bò và mang mấy sọt gạo đến mừng. Các ủy viên trong Ủy ban Dân tộc giải phóng ra bắt tay các đại biểu Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ vào một em bé cởi trần, bụng giun to tướng và nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé như em bé này được có cơm ăn, áo mặc, khỏe mạnh và học hành”.
Câu nói giản dị ấy khiến các đại biểu cảm động và ghi nhớ mãi; và cho đến tận hôm nay nhiệm vụ ấy còn nguyên giá trị.
Ở bài viết “Chất men trí thức”, tác giả Kiều Mai Sơn thêm một lần nữa để chúng ta hiểu hơn về cốt cách, phong cách Hồ Chí Minh. Bài viết có đoạn: ông Vũ Đình Huỳnh bình luận về người đứng đầu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Việc đầu tiên ông Cụ (chủ tịch Hồ Chí Minh) sau khi đặt chân lên đất Hà Nội là nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền Trung ương gồm những người có danh tiếng, đại diện cho tinh hoa đất nước. Với bản tính khiêm tốn, trọng kẻ sĩ, ông Cụ không tự coi mình cao hơn hết: “Chúng mình là cái men thôi, gây nên thành rượu là nhờ vào cơm nếp, phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng”. Ông Cụ coi nhân sĩ trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo họ về mình”.
Còn bài viết: “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả Kiều Mai Sơn cho biết thêm những câu chuyện tình cảm và xúc động những ngày tháng khi Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại số nhà 48 hàng Ngang. “Ông Cụ có cặp mắt sáng, mang trên mình chiếc áo nâu bạc… Những người giúp việc trong gia đình không biết ông Cụ cặm cụi ngồi làm gì. Mỗi khi có người tới hỏi Cụ cần gì không thì cụ quay lai mỉm cười và nói không cần gì cả”.
Phong thái ung dung, hiền từ của một con người cao quý từ trong cốt cách đã gây ấn tượng mạnh với cặp vợ chồng tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Họ cũng vô cùng ngạc nhiên mãi đến ngày 2/9 mới biết ông Cụ mà mình từng chăm sóc ở số nhà 48 hàng Ngang ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cái không khí mùa thu lịch sử, Hà Nội thay áo mới, à đúng hơn là mang một tâm hồn mới được thể hiện rất rõ trong hồi kí của thư kí Vũ Kỳ được tác giả Kiều Mai Sơn nhắc nhớ lại: “Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi… Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỉ nguyên mới cho dân tộc; kỉ nguyên Độc lập, tự do”.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do - đó là tư tưởng cách mạng cốt lõi, là lẽ sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam và của Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong cuốn sách: “Góp phần tìm hiểu tư tưởng độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của GS Đinh Xuân Lâm và PGS Lê Mậu Hãn”, trang 60 có đoạn: “Thực tiễn cách mạng Việt Nam những năm qua đã minh chứng Sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh khởi thảo là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng. Đó thực sự là cương lĩnh chính trị đúng đắn và sáng tạo, một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc nhuần nhuyễn về quan điểm dân tộc, quan điểm giai cấp, thấm đượm tính dân tộc và tính nhân văn”.
Độc lập dân tộc chính là tư tưởng cốt lõi, là viên ngọc quý nhất được khảm trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - Cương lĩnh Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ở bài viết: “Từ tư tưởng độc lập tự do đến chiến lược Đại đoàn kết”; nhóm tác giả đã cho rằng: Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm văn hiến. Dân tộc Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí độc lập tự chủ, kiên cường bất khuất, đoàn kết thủy chung - đó là bản sắc vô cùng quý giá và vững bền. Nó được gìn giữ, kế tục và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là lẽ sống, là sức mạnh để chiến đấu và dựng xây, để bảo tồn và phát triển dân tộc.
Đối với Nhân dân Việt Nam, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa còn rất mới mẻ, do đó càng thêm khó khăn. Lúc này, chỉ với chủ nghĩa yêu nước truyền thống là không đủ, mà yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là phải vươn tới chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa. Nhận thức sâu sắc điều này nên chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.
Hơn bao giờ hết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập và đứng đầu, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được phát huy cao độ. Yêu nước trong giai đoạn hiện nay đối với người Việt Nam là phải nỗ lực phấn đấu xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa Việt Nam tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến.
Trong cuốn “Chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Logic - Đổi mới và phát triển” của TS Nhị Lê, tác giả nghiên cứu và khẳng định: “nếu giai đoạn 30 năm đổi mới đầu tiên (1986-2016) là cuộc nỗ lực thức dậy về tư duy; đổi mới về cơ chế, chủ động trong hội nhập toàn cầu thì giai đoạn 30 năm đổi mới tiếp theo tới năm 2045 sẽ được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc đột phá về đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc; thâu thái sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và bền vững; với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và phồn vinh, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế”.
Hiện nay hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng là: chỉ phát triển toàn diện bền vững chúng ta mới có tiếng nói thực sự.
Theo dự báo của TS Nhị Lê, với công cuộc không ngừng đổi mới sáng tạo, sẽ xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; một nước công nghiệp, hiện đại, phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam - nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, thành viên của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể toàn vẹn hoàn cầu.
Bài học lớn từ những năm đổi mới từ 1986 cho đến nay cho thấy: đổi mới tư duy là nhân tố mở đường và quyết định cho những thay đổi căn bản và phát triển mạnh kinh tế xã hội. Cái quyết định nhất có tính tiên quyết nhất, vẫn là bản lĩnh. Ở đó không chỉ thể hiện lòng dũng cảm mà kết tinh cốt cách, khí phách Việt Nam.
Cũng theo TS Nhị Lê, gần 80 năm thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa khởi đầu và đi từ thể chế dân chủ cộng hòa, nhất là gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang tiến những bước dài trong lịch sử của mình và hội nhập quốc tế.
Nhưng nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới giữa điều kiện toàn cầu hóa, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật 5 mệnh đề lớn nhất trong công cuộc đổi mới hiện nay, không thể không tiếp tục trả lời:
Một là tự do. Đất nước độc lập nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế nếu giữ gìn giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn thì phát triển tự do luôn đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai. Song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đó là tiền đề của nền dân chủ chân chính.
Hai là dân chủ. Hơn 75 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dân chủ là việc trước hết và là mục tiêu cuối cùng: dân là gốc của nước.
Ba là pháp quyền. Dân chủ không thể không được bảo đảm bằng pháp quyền. Đó là bản chất Nhà nước dân chủ của ta, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1922 đã khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu thơ: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Việt Nam yêu cầu ca).
Bốn là đạo đức: Quốc pháp vô thân, quốc pháp thượng tôn. Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung.
Năm là phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội, văn minh và hiện đại. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng đất nước CNH, HĐH. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới.
Trong rất nhiều bài nghiên cứu có giá trị mà cuốn sách của TS Nhị Lê mang tới, tôi - thế hệ trẻ hôm nay đặc biệt chú ý tới bài viết “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ đội ngũ đảng viên”. Tôi thấy mình trong đó. Đồng ý với quan điểm của tác giả: “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc”; rất tâm đắc với nội dung “trước hết và trực tiếp từ người đứng đầu cấp ủy”. Song, nếu với tinh thần đối thoại; tôi cũng mong muốn làm rõ hơn hàm ý “xây dựng và thực thi những phương pháp, cách thức lãnh đạo văn minh, dân chủ và nhân văn, trở thành nghệ thuật của nền chính trị Việt Nam hiện đại”.
Đúng như Lê nin đã từng nói: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào” (V.I. Lênin: toàn tập, tập 4, tr473).
Biết ơn những người đi trước, Người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; biết ơn Nhà lý luận xuất sắc, vị Tổng Bí thư đáng kính của tất cả chúng ta ngay trong thời đại này - Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta hiểu con đường phía trước của cả dân tộc Việt Nam còn đầy gian nan, song cũng đầy niềm tin và kiêu hãnh. Bởi “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”. (Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Việc cần làm lúc này, không thể khác, cần tiếp tục hoàn thiện kho tàng lý luận. Ánh sáng dẫn lối trên con đường ấy chính là “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học.” (Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).