Với vị trí địa lý đặc thù nên trong trường kỳ lịch sử dân tộc, Thanh Hóa luôn được xem là một yếu địa, giữ vai trò và vị thế rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của quốc gia – dân tộc. Hẳn là, xuất phát từ thực tiễn lịch sử ấy mà Thanh Hóa đã và luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó nhiều trọng trách lớn, đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và tinh thần sẵn sàng hy sinh. Đặc biệt, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm và dành nhiều sự quan tâm cùng kỳ vọng, rằng Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Để rồi, suốt 75 năm kể từ lần đầu tiên đón Bác về thăm, Thanh Hóa hôm nay đang tạo dựng được tiềm lực và vị thế chưa từng có, để không phụ sự tin tưởng của Người. Có lẽ, cũng từ những duyên cớ hết sức đặc biệt ấy mà điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm, làm việc tại Thanh Hóa của đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác là Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa). Bởi trước anh linh Người và trong không khí thiêng liêng của những ngày thu lịch sử, hậu thế như càng được tiếp thêm sức mạnh để đạp bằng gian khó, nắm giữ vận hội, đưa cơ đồ quốc gia - dân tộc vươn dậy theo thế rồng bay!
Thanh Hóa từ khởi nguyên của lịch sử đã gắn bó bền chặt cùng vận mệnh dân tộc. Bởi vậy mà con người được sinh ra trên mảnh đất này đã sớm được “định hình” với những đặc tính, những phẩm chất nổi trội là cần cù, sáng tạo trong lao động và trung dũng, kiên cường trong chiến đấu. Nhờ đó, quân và dân Thanh Hóa đã lập nên vô số chiến công hiển hách và thành tựu quan trọng, góp phần làm rạng rỡ thiên sử vàng dựng nước và chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đây là điều đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh khi phát biểu tại khởi công Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đồng thời, nhắc nhớ lại sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt, một quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây tròn 68 năm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - vốn là cựu học sinh miền Nam tập kết, không khỏi bồi hồi xúc động. Xúc động bởi tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc như anh em ruột thịt của đồng bào miền Bắc trong những tháng năm gian khổ. Trong tình cảm ấm áp và sâu nặng nghĩa tình ấy, Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung, đã để lại ấn tượng không thể nào quên. Bởi “trong những năm tháng sống tại Thanh Hóa, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã sát cánh cùng quân dân Thanh Hóa, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tiến vào miền Nam giải phóng quê hương; hàng trăm trẻ em gốc người miền Nam được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của con người xứ Thanh và luôn hướng về quê nhà” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng xuất phát từ ý nghĩa của sự kiện ngày ấy mà từ lâu, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết đã bày tỏ niềm mong mỏi sẽ có một công trình ghi dấu để gợi nhắc những người còn sống và cả hậu thế về sau. Rằng, trên mảnh đất gian khổ mà anh hùng này từng chứng kiến một đoạn lịch sử dẫu không dài nhưng lại đan cài trong đó nhiều bài học vô cùng giá trị về tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, thủy chung, nghĩa đồng bào ruột thịt. Và rằng, không phải vật chất đủ đầy mà chính tình yêu thương, sự đồng cảm giữa người với người mới trở thành mảnh đất mỡ màu dưỡng nuôi nên thế hệ những “hạt giống đỏ” cho dân tộc. Gợi nhắc điều này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa của Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đối với tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, đưa khu lưu niệm trở thành một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường.
Nếu truyền thống là trụ đỡ thì những thành quả đạt được hôm nay sẽ là lực đẩy để Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng phát triển. Song, cần có quyết tâm và khát vọng để hiện thực hóa các mục tiêu, dù là mục tiêu lý tưởng nhất. Bởi, lịch sử vốn là thành quả của hành động; hay như lý giải của một học giả thì lịch sử không được viết bởi tình cảm mà được khắc từ hành động của con người. Trong chuyến công tác tại Thanh Hóa lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn dự 2 sự kiện lớn là khánh thành và vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và khởi công đường Vạn Thiện đi Bến En. Trong đó, tuyến đường Vạn Thiện đi Bến En có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối Vườn Quốc gia Bến En với mạng lưới giao thông khu vực, đặc biệt là kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển cho tỉnh về phía Tây Nam. Đặc biệt, dự án này sẽ mở ra cơ hội chưa từng có để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch Vườn Quốc gia Bến En – di sản thiên nhiên được ví như Hạ Long đang “say ngủ”. Bởi khi hạ tầng giao thông được thông suốt thì khi ấy mới thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực lớn, mà trước mắt sẽ là sự hiện diện của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời, với Dự án Quần thể Khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En có quy mô gần 800 ha và tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Sự hiện hữu của những công trình nghìn tỷ trên mảnh đất gian khó mà kiên cường là minh chứng cho quyết tâm và khát vọng phát triển của Thanh Hóa; cũng là một minh chứng sống động về một Thanh Hóa đang chuyển mình và vươn dậy mạnh mẽ cùng cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc gia – dân tộc. Mỗi người dân Thanh Hóa hôm nay có quyền tự hào về những thành quả được ấp ủ qua hàng thập kỷ, với vô vàn khó khăn mới có thể đơm kết. Cơ hội đang mở ra trước mắt, song thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa về tinh thần đoàn kết. Rằng cần đoàn kết một lòng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, có quyết tâm và khát vọng vươn lên nhằm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp.
Có người đã nói rằng, truyền thống dù chỉ một “lượng” nhỏ cũng tốn “lượng” lịch sử vô tận để tạo ra. Thanh Hóa không chỉ là “sân khấu của những bản anh hùng ca”; mà còn là cái nôi di sản dân tộc. Nơi đây không chỉ có dấu vết của loài người nguyên thủy; mà còn là trung tâm của văn hóa Đông Sơn – một trong những nền văn hóa nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Chưa hết, Thanh Hóa không chỉ là đất quý hương của nhiều triều đại phong kiến; mà còn là nơi sinh ra nhiều bậc anh hùng hào kiệt, văn nhân tài hoa. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thanh Hóa đã cùng với quân, dân cả nước đánh đuổi những tên thực dân, đế quốc sừng sỏ bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX, để khảng khái định chủ quyền dân tộc trên bản đồ nhân loại… Có lẽ, để đắp bồi nên bề dày truyền thống yêu nước, cách mạng vô cùng rạng rỡ và hết sức vẻ vang ấy, không ai có thể đong đếm hết cái “vô lượng lịch sử” mà cha ông ta đã đổ xuống mảnh đất này. Song làm thế nào để biến truyền thống hào hùng ấy trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, thậm chí trở thành một “đòn bẩy Acsimet”, để nâng tầm vóc và vị thế của mảnh đất này, thì lại là một câu hỏi đang và luôn cần được đặt ra.
Còn về phía mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại dành sự tin tưởng và kỳ vọng rằng, với truyền thống lịch sử, văn hóa nghìn năm của vùng đất cổ xứ Thanh, cùng truyền thống yêu nước, cách mạng và tinh thần đoàn kết từ trong mỗi người, Thanh Hóa sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn!