Từ trong dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã có vô số minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Trong chống giặc ngoại xâm, nếu không có một tinh thần Sát Thát quyết tiêu diệt kẻ thù tàn bạo và một tinh thần Diên Hồng nhằm thống nhất ý chí, tập hợp sức mạnh toàn dân và bàn quyết sách chống giặc, thì nhà Trần không thể 3 lần chiến đấu và chiến thắng thế lực ngoại bang hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ. Hay nếu không có “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, thì khởi nghĩa Lam Sơn – cuộc khởi nghĩa kéo dài 10 năm của Bình Định vương Lê Lợi – sẽ càng gian khổ, thậm chí khó lòng đi đến cái đích cuối cùng là trung hưng dân tộc...
Kế thừa và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết của cha ông ta, trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần ấy đã được đúc kết thành bài học vô giá và nâng lên trở thành phương châm hành động của toàn Đảng ta, toàn dân tộc ta: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Chính nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã đưa dân tộc Việt Nam đi qua vô vàn khắc nghiệt của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như đi qua những năm đổi mới đầy rẫy khó khăn, thách thức mà cập bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay.
Nhắc nhớ lại những bài học từ sâu trong lịch sử và mới mấy mươi năm đây thôi để thấy rằng, đoàn kết tạo nên sức mạnh – một sức mạnh kỳ diệu và vĩ đại được hun đúc từ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc. Bởi ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, không thể phủ nhận của tinh thần đoàn kết mà khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hơn một lần nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết: “Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các thế hệ với nhau”. Từ đó, khơi dậy sức mạnh toàn dân làm nền tảng để Thanh Hóa sớm đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, do vậy “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây cũng là điều đầu tiên Thủ tướng Chính phủ gửi gắm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đó là chú trọng “đoàn kết trong Đảng” gắn với coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chú trọng tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ...
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy rằng, chỉ khi Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong sạch, vững mạnh thì mới đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng mới – sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước. Đồng thời, khi Đảng bộ tỉnh vững mạnh sẽ càng củng cố thêm niềm tin, càng khơi dậy sâu sắc sức mạnh đại đoàn kết của hàng triệu người dân xứ Thanh. Với sức mạnh đoàn kết muôn triệu người như một có khả năng lướt qua mọi thác ghềnh của khó khăn, gian khổ; có thể phá tung mọi rào cản, trói buộc của sự lạc hậu, trì trệ; có thể khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những điều chưa từng có tiền lệ... để tạo nền tảng đưa Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vị thế của một vùng “đất căn bản” trọng yếu của quốc gia. Đồng thời, tạo ra “tấm lá chắn lòng dân” bền chặt để bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; cũng như góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Khẳng định những thành quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, có ý nghĩa to lớn và đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Song để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, thì trước hết Thanh Hóa phải thực hiện tốt “3 thông”, đó là: “cơ chế, chính sách thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản lý, sắp xếp, điều hành thông minh”. Đồng thời, nắm chắc 3 khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực cho phát triển
Cơ chế, chính sách được xác định là bộ công cụ quản lý tổng hợp, giúp Nhà nước thực hiện thành công các mục tiêu lớn, phức tạp trong khuôn khổ thời gian và nguồn lực có hạn. Do đó, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế. Muốn vậy, các cơ chế, chính sách – nhất là chính sách kinh tế - cần phải được xây dựng có chất lượng và thông thoáng.
Nắm vững điều đó, những năm gần đây, công tác xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng được tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả quan trọng. Nổi bật trong đó phải kể đến việc cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên và 3 chính sách về phân cấp, ủy quyền trong quản lý rừng, đất đai, quy hoạch đã được tỉnh triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương chủ động huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội...
Để trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì Thanh Hóa cần chú trọng đến khâu “điều khiển, sắp đặt”. Do đó, cùng với việc hoạch định và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách; thì việc lấy hoàn thiện thể chế làm khâu đột phá có thể xem là giải pháp tiền đề cho “quản lý, sắp xếp, điều hành thông minh” của cấp ủy, chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị. Bởi, chỉ có “điều khiển, sắp đặt” hiệu quả thì mới tạo ra cơ sở cho việc “cởi trói”, hay phá bỏ những rào cản trong phân công, phân cấp, phân nhiệm, loại bỏ lợi ích nhóm, ngăn chặn tình trạng tham nhũng chính sách...
Trước yêu cầu của Thủ tướng về “quản lý, sắp xếp, điều hành thông minh”, cũng là nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, tỉnh Thanh Hóa đã xác định việc đổi mới, kiểm soát chặt chẽ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất. Cùng với đó, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND chú trọng và ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện. Qua đó, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực hiện kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước; phát huy vai trò tự giác, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức; đồng thời, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan Nhà nước.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng quản trị, phục vụ Nhân dân là nhân tố bảo đảm cho sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững của nền kinh tế. Do đó, Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao các Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đồng thời, ban hành bộ tiêu chí và phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ngành, địa phương, cũng như nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cùng với “cơ chế, chính sách thông thoáng” và đột phá thể chế làm điểm tựa, thì “hạ tầng thông suốt” cũng là nhân tố cần phải “đi tắt đón đầu”. Bởi hạ tầng chính là bộ khung, là xương sống của nền kinh tế. Do đó, hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Để “thông suốt” về hạ tầng, trước hết Thanh Hóa chú trọng đến việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông – “mạch máu” của nền kinh tế - với trọng tâm là nâng cao năng lực vận chuyển, tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh và với các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh. Cùng với giao thông, thì hạ tầng công nghiệp mà trực tiếp là hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng được tỉnh hết sức quan tâm. Riêng Khu Kinh tế Nghi Sơn, tính từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn bố trí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là khoảng 4.747 tỷ đồng. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thương mại... cũng được đầu tư ngày càng đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng các đô thị lớn đang trở thành điểm nhấn trên bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, liên đô thị TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn đang được đầu tư kết nối để trở thành hạt nhân phát triển chủ đạo và liên kết với các đô thị trọng điểm Bỉm Sơn, Nghi Sơn và Lam Sơn - Sao Vàng.
Suy cho cùng thì, con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, cho nên trong mọi sự phát triển phải lấy con người làm trung tâm. Thực tế, chăm lo phát triển nguồn lực con người là một định hướng lớn trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ CNH, HĐH của Đảng ta. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; đồng thời “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của nhân tố con người, mà trực tiếp là nguồn nhân lực, nên khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh: Cùng với việc lấy nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho đổi mới và phát triển; Thanh Hóa cần chú trọng hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Ưu tiên đầu tư phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Để từ đó, phủ rộng “lưới an sinh” đến tất cả các đối tượng, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ, người lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... nhằm tạo thêm một điểm tựa để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Bài học của mọi sự thành công mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, rằng “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”, sẽ luôn luôn là bài học nằm lòng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay, khi khát vọng thịnh vượng cho mảnh đất này đang trở thành mục đích lớn lao, cao cả nhất. Bởi suy cho cùng thì, chỉ khi tư duy “đi trước mở đường” để dẫn dắt tinh thần và quyết tâm đổi mới, cũng như khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết từ Nhân dân, từ lòng dân; thì khi ấy mọi tiềm năng, lợi thế, thời cơ mới được nắm bắt và chuyển hóa như “mặt trời mùa xuân” soi rọi và thôi thúc hoa trái đơm kết thành quả ngọt ngào.