Miền Trung đang những ngày thu dịu ngọt, và món quà đến với tôi thật bất ngờ, là gói cốm mơ gửi vào từ Thủ đô bởi một người quen cũ. Khi mùi cốm thơm lừng tỏa khắp căn phòng, đứa con gái nhỏ vội vã xúc ăn, miệng khen không ngớt. Còn tôi chưa vội, ngồi yên tận hưởng. Cái mùi nhung nhớ năm nào tưởng đã lãng quên trong khướu giác, giờ lại hiện hữu ngay trong căn phòng này.
Tôi nhón từng hạt cốm vàng mơ để hít hà hương quê. Hình ảnh những bông lúa nếp ngậm đòng lắc lư trong những cơn gió chiều cứ chờn vờn trước mặt. Rồi những đôi bàn tay nâng chày giã xuống chiếc cối dội vào thính giác những âm thanh rất khó để quên. Ôi nhớ làm sao hương cốm lúc thu sang.
Giã gạo, giã cốm, giã rau chuối... gần như là những khái niệm rất xa lạ với các bạn trẻ bây giờ. Mỗi khi nhắc đến việc xay lúa, giã gạo, mắt tôi cứ rưng rưng cho cảnh cơ cực mà bà và mẹ đã trải qua. Để có được hạt gạo nấu cơm khi ấy chẳng có máy móc nào ngoài đôi bàn tay mà hầu hết là của những người phụ nữ. Những đứa trẻ thường nước mắt lưng tròng khi bị mẹ sai làm cái việc nhọc công mà chẳng lấy gì làm thú vị này. Những cánh tay uể oải giật đẩy gọng chiếc cối xay. Những bàn tay phồng rộp nắm lấy chiếc chày nhẵn bóng nâng lên hạ xuống trong mệt nhọc. Nhưng trong những ngày xưa ấy, có những thứ giã làm trẻ con háo hức, người lớn thì rất vui, ấy là khi giã cốm. Mỗi khi nghe mấy từ “tối nay giã cốm” bao nhọc nhằn dường như tan biến.
Hạt cốm xưa chẳng phải được làm bằng công nghệ, và thành một thương phẩm bày bán như bây giờ. Nó chỉ là món quà quê lúc nông nhàn chờ lúa vào chính vụ thu hoạch. Thông thường, vụ hè thu nhiều nhà dành riêng một khoảnh ruộng hay vài luống trong thửa lớn để trồng lúa nếp làm nguyên liệu cho bao thứ bánh dịp cuối năm, vào tết. Những thân lúa nếp được cấy đều tăm tắp chứ không phải gieo sạ như bây giờ, vươn lên cao lêu nghêu trong tiết trời thu. Vì được chăm bón kĩ nên ruộng lúa nếp nhà ai cũng tươi tốt.
Có lẽ được ngậm những hạt sương mai lúc đầu ngày, được nắng thu dịu vàng sưởi ấm và những cơn mưa thu nhẹ rơi tưới tắm cho, mà những thân lúa nếp đã sớm làm đòng, ngậm sữa. Những chiều đi thăm ruộng, đám trẻ con cứ mân mê những giẽ lúa mong sao chúng sớm cúi đầu để lại được ăn cốm. Một thời cốm là thứ quà quê nhà nhà đều thích, cả trẻ con lẫn người lớn. Ấy thế nhưng cũng thi thoảng thôi, vì nếp còn phải để dành cho bao việc khác nữa.
Để có cốm ăn là cả một quá trình chuẩn bị từ khâu chọn nếp, đập nếp lấy hạt cho đến rang, giã. Nhất là khâu rang, giã cốm đòi hỏi sự cầu kỳ. Nồi rang tốt nhất là bằng đất nung. Kỹ thuật rang sao cho hạt nếp vừa chín tới chứ không bị nổ, thì chỉ có những người phụ nữ kinh nghiệm mới làm được. Lúc đổ nhanh vào cối, vài nhịp chày đầu nhè nhẹ cho cốm dẹp ra và phải nhanh và mạnh tay ở những loạt giã tiếp theo nếu không hạt nếp nguội sẽ tróc vỏ trấu mà không thành cốm được. Tiếng chày đôi cứ nện huỳnh huỵch hòa cùng tiếng chiếc đũa cả chọc vào lòng cối khuấy cho đều, tạo nên những âm thanh vui nhộn. Trong đêm thu mưa rả rích, nghe tiếng chày khua vang lên đâu đó là biết người ta đang giã cốm. Những hạt nếp to tròn dẹt ra thành những hạt cốm vàng mơ, dẻo thơm nằm trong vuông lá chuối đã hơ qua lửa trông thật bắt mắt.
Giữa màn mưa thánh thót rơi thành từng giọt qua mái tranh và trong ánh sáng của chiếc đèn dầu leo lét, hương của món quà quê đầu mùa lan ra khắp gian bếp nhỏ, tràn ngập hơi ấm của không khí gia đình đoàn viên sau những giờ lao động vất vả. Những hạt ngọc trời chắt chiu tinh túy từ đất, từ nước, từ những ngọt ngào của thu và từ những mặn chát của bao giọt mồ hôi người nông dân mà tạo nên thứ mùi hương đặc trưng của cốm.
Những đứa con quê bước qua lũy tre làng ra đi mang theo bên mình bao mùi hương của ruộng đồng trong đó có hương cốm mùa thu - thứ hương ướp lấy cảm xúc của những ai đã từng lớn lên cùng nó. Để rồi ngày nào đó, giữa phố xá nhộn nhịp ta lại bắt gặp chút hương xưa, được nhấm nháp hương vị ngọt thơm của cốm mà lòng nhớ về một thuở.
Nhón từng hạt cốm bỏ vào miệng ta như nghe đủ cả sự ngọt mềm của đất trời, tiếng rì rào của sóng lúa, và cả sự mát lạnh của những giọt thu ngưng đọng nơi vị giác. Còn với tôi, như nghe văng vẳng câu ca dao ông hay nhắc năm nào: “Giã gạo thì ốm, giã cốm thì khỏe”.