Từ xã Sơn Thủy, chẳng có con đường nào khác thuận lợi hơn để lên bản Mùa Xuân, ngoài đi qua địa giới xã Na Mèo. Dù có xa xôi ngoằn ngoèo dốc núi, nhưng được đi trên con đường bê tông kiên cố ấy đã là một hạnh phúc lớn lao với cả những người đến và người ở trên triền đất biên cương này. Bởi cách chưa xa, trước năm 2020, nó vẫn là con đường đất tạm bợ chênh vênh trên miệng vực sâu hun hút, đưa đẩy bản Mùa Xuân như một chỉ dấu xa xôi trên biển báo, bị chia cắt, cô lập triền miên cả tháng ròng mùa mưa núi sạt đất vùi. Những thầy giáo tôi gặp năm cũ, trên chiếc xe bọc xích sắt quanh lốp chở theo những gạo, cá khô, mì tôm... đôi tay bám đầy vết chai sần như thợ rèn quai búa. Con đường ấy buộc họ phải ghì chắc tay lái khi qua những bãi lầy, hay cài số 1, rướn mình lên phía trước vít mỏi tay ga, chỉ sơ sẩy đã là sự sống còn.

Đường đi đã khó, lại không có điện lưới, sóng vô tuyến, cuộc sống của đồng bào Mông bản Mùa Xuân đằng đẵng trong bộn bề túng thiếu. Từ ngày di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) về lập bản năm 1989, họ quen bìu díu vào rừng, gặp cây to thì chặt, cây nhỏ thì phát, quần quật lam lũ chỉ cố tạo cho được đất trống làm nương rẫy. Tra xong hạt ngô, hạt lúa... họ quẳng lại đó, trông cậy ở mẹ trời, được chăng hay chớ. Vài mùa mưa qua, đám đất ấy bị rửa trôi, bạc phếch, họ đi sâu hơn vào rừng, trèo lên non cao, tiếp tục đốn hạ những thân gỗ, chỉ để lấy chỗ cho hạt lúa, hạt ngô nảy mầm...

Cuộc sống cứ thế trôi đi, những mái nhà chưa kịp kín đã xiêu vẹo trong mưa hắt gió luồn. Những đứa trẻ lít nhít bị quẳng lại cho người già, vạ vật trong đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả con chữ. Còn người lớn, qua mùa tra hạt, số ít về trung tâm xã, xuống khu vực Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo còng lưng chặt nứa, vầu lấy công. Còn lại, họ sang Lào, hoặc lên Mường Lát làm thuê. Có tiền, có cả tật, nhiều trai tráng người Mông đu mình theo “ả phù dung”, rồi mang “cái chết trắng” về bản nghèo. Năm 2015, bản Mùa Xuân rệu rạo, khổ đau vì ma túy và cả những hủ tục bủa vây...

Giờ khác lắm! Trước mắt chúng tôi đã là bản Mùa Xuân dập dìu đông vui với những ngôi nhà gắn số, đường mang tên. Bước chân người cũng vội hơn trong ồn ào âm thanh của đủ loại động cơ, xe máy, ô tô, máy xay xát, máy bào gỗ làm nhà, tiếng của tivi... Con đường nhỏ dẫn từ trục chính vào những mái sa mu cổ cũng đã được bê tông chắc chắn.

Trên lưng chừng con dốc, vợ chồng Thao Văn Công - Vi Thị Liên đã xây dựng được một quầy hàng tạp hóa rộng rãi chẳng khác siêu thị phố núi, với đủ các mặt hàng gia dụng, lương thực, thực phẩm. Lúc tôi đến, chị Liên đang bận rộn cân đong những gạo, thịt, mắm, muối cho bà con lo bữa cơm trưa. Chị nói: “Từ ngày có đường, có điện, việc kinh doanh, buôn bán của gia đình em thuận lợi lắm. Giá cước vận chuyển hàng hóa giảm nhiều, nên bà con cũng giảm được chi phí mua hàng hóa”.

Vi Thị Liên sinh năm 1986, là người Thái, cũng là người dân tộc khác đầu tiên theo lên bản Mùa Xuân làm dâu. Ngày trước chưa có đường bê tông, chị phải địu con xuôi gần chục cây số xuống bản Ché Lầu (xã Na Mèo) để điện thoại gọi hàng lên và phải chi 5 triệu đồng cước vận tải một chuyến hàng. Giờ đường sá thênh thang, buôn bán thuận lợi, vợ chồng chị đã mua được chiếc xe bán tải. Đó cũng là chiếc xe ô tô đầu tiên của đồng bào bản Mùa Xuân. Và trong gian hàng ấy, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đã được ăn kem vừa lấy ra từ ngăn tủ lạnh. Điều mà chỉ vài năm trước vẫn là ước mơ xa xỉ của chúng.

Bí thư, Trưởng bản Sung Văn Cấu nói: “Năm 2021, được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo cho đường, cho điện, bản ta vui lắm. Rồi từ đó, cán bộ huyện, cán bộ xã lên, cùng với chi bộ, ban quản lý bản đi tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ hủ tục trong tang ma, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, rồi dạy cách trồng lúa nước hai vụ, trồng nứa vầu, nuôi thêm con lợn, con bò...”.

Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kết luận 684) là chủ trương đúng đắn, kịp thời, mở hướng đi tươi sáng cho bà con bản Mùa Xuân. Nhưng việc đưa chủ trương ấy vào cuộc sống lại là chuyện chẳng dễ dàng gì, dẫu biết đó là đúng đắn. Là người con của bản Mông, khi được đảng ủy xã phân công phụ trách chỉ đạo thực hiện Kết luận 684, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy Thao Văn Công biết đó là việc khó như lên trời. Bởi bình sinh, bà con đã thế, muốn đông con nhiều cháu, trong khi kinh tế chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô, của cải làm ra không đủ lót dạ. Bởi thế mà cả bản có 122 hộ nhưng có tới 564 nhân khẩu. Cuộc sống rủi ro, trong nhà chẳng may có người mất, túng thiếu thì vay mượn, phải mổ đủ trâu bò cúng ma. Thi thể không được đưa vào quan tài, quàn quấn vào cái cáng treo trên vách nhà cả tuần trời, hơi lạnh, xú khí bốc lên. Tang chủ kiệt quệ, sau đám còn đổ bệnh, lại thuốc thang... lại nghèo thêm. Nhưng rồi, khi quyết tâm, anh Công và chi bộ bản đã nghĩ ra cách...

Anh nói: “Trồng lúa hai vụ, hay làm kinh tế, bà con thấy lợi sẽ làm theo. Điều khó khăn nhất là làm thế nào để bà con cho người chết vào quan tài tổ chức tang ma nhiều nhất chỉ trong hai ngày. Mình và chi bộ, ban quản lý bản đã bàn bạc và làm nhiều cách, nhiều người muốn theo, nhưng vẫn sợ bị trách tội bất hiếu, sợ bị con ma bắt. Sau đó, chúng tôi đã vận động các trưởng dòng họ Mông trong bản. Họ đã đi vận động cùng ban quản lý bản, nói với bà con, nếu ai trách tang chủ bất hiếu, hoặc ma có bắt tội, thì hãy trách rồi bắt họ”. Thế rồi, từ một hai nhà làm theo, dần dần thấy không tốn kém, hợp vệ sinh, lại không đánh mất phong tục tập quán, nên tất thảy đám tang gần đây trong bản đều được tổ chức theo nếp sống mới.

Lúc tôi đến, trong căn nhà rộng rãi còn nồng hương gỗ sừng sững trên lưng đồi, vợ chồng ông Thao Nhe Co và Hơ Thị Xía (cùng sinh năm 1967) đang sửa soạn bữa cơm trưa, thơm phức mùi của thịt kho. Dù vừa tổ chức đám tang cho người mẹ quá cố chưa lâu, nhưng trong nhà ông lúa ngô vẫn còn nhiều, xếp thành đống chạy dọc theo vách gỗ. Ông Co kể: “Mình nghe cán bộ trồng cái lúa nước hai vụ, cái khoai mán sọ, nuôi thêm con bò. Thứ nào cũng đẹp, cũng ngon, ăn không hết, mình mang xuống cái chợ bán nên có được đồng tiền. Khi mẹ mình mất, mình cũng nghe cán bộ, đưa bà vào quan tài, làm đám chỉ hai ngày thôi. Có con ma nào bắt mình đâu”.

Ngày trước, nhà ông Co thuộc diện khó khăn nhất bản. Lúc những đám ma còn linh đình vắt vẻo qua cả tuần trời, ông cũng gật gù trong những cơn say với đàn ông trong bản. Khi cán bộ huyện, xã về vận động, tập huấn, cầm tay chỉ việc trồng lúa nước hai vụ, nhưng cái bụng ông Co chưa tin. Chỉ khi thấy đảng viên trong bản làm, ông mới làm theo. Giờ thì vợ chồng ông đã có cơ ngơi kha khá. Thấy tôi hỏi, ông còn bảo vợ mở bao tải khoe tài sản của gia đình mình. Đó là hạt nếp Cay Nọi, vỏ màu đen nhạt, hạt tròn mẩy, thơm ngai ngái, loại lúa đã được huyện Quan Sơn xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sung Văn Cấu cười tươi: “Bản ta giờ đã có hơn 8 ha đất lúa hai vụ, 63 ha nứa vầu. Nhà nào cũng có lúa, có bò, lợn, gà, ti vi, tủ lạnh... Nghe theo Đảng, Nhà nước, tập trung làm ruộng làm đồi, phát triển chăn nuôi, kinh tế dần phát triển, dân bản biết đó là con đường đi đúng, không phá rừng làm nương rẫy nữa. Năm ngoái, bản có 4 hộ thoát nghèo và năm nay có thêm 5 hộ nữa. Dần dần, bản mình sẽ khá lên thôi".

Tôi tin lời của bí thư, trưởng bản người Mông. Trên đường về, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ giờ tan trường bất giác khiến tôi ngoảnh lại nhìn bản Mùa Xuân còn bảng lảng trong sương, khi khói bếp đã vương trên mỗi nóc nhà. Ở nơi đó, dưới những mái sa mu thanh bình, đã đổi thay những phận đời lam lũ, từng bị ràng rịt, chìm đắm trong đói nghèo, hủ tục. Họ đang bước đi trên con đường mới với suy nghĩ mới, cách làm mới, như con đường thênh thang dẫn về phố thị phồn hoa...

Nội dung và Ảnh: Đỗ Đức

Đồ họa: Mai Huyền