Xuân qua hạ đến, cũng là lúc miên man ruộng bậc thang ở các huyện vùng cao phía tây xứ Thanh vào mùa, dân miền xuôi bắt đầu mơ về núi. Những chuyến lên non cao, thử thách bản thân, trải lòng cùng sương gió bụi đường đã dần trở thành quen thuộc.
Điểm “nóng” của "mùa chơi" năm nay trên cung đường núi, sẽ mang tên Pù Luông. Pù Luông nghĩa là đỉnh cao nhất của làng, theo tiếng đồng bào Thái, thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Để đến được với vùng đất này, chúng ta có thể liên hệ với những công ty du lịch, sẽ có ô tô đón tận nhà tới nơi nghỉ dưỡng; còn ai thích chuyến đi thêm phần trải nghiệm, hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe máy, chặng đường không quá nguy hiểm đối với những tay lái "cứng", nhưng cũng đủ tạo sự phấn khích với con đường quanh co nơi đại ngàn hùng vĩ.
Pù Luông đón khách bằng cái nắng dịu dàng, e ấp chạy dọc trên sườn núi, trải dài trên những thủa ruộng bậc thang, như một thiếu nữ vùng cao lần đầu hò hẹn. Từng cơn gió mang theo cái mát lành của đại ngàn hùng vĩ mơn man da thịt, ngấm vào tận chân tơ, kẽ tóc. Trên đỉnh Pù Luông nhìn xuống, những ruộng bậc thang lượn vòng từng tầng, từng bậc; những ngôi nhà sàn tô điểm giữa không gian, giữa màu xanh biếc của lúa, của cây, thoang thoảng những làn khói lam chiều bay lên… Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Báng, bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Đôn (xã Thành Lâm)… hiện lên mộc mạc, dung dị nhưng đẹp bình yên đến nao lòng. Chiều về, mây núi bảng lảng trên không trung, vắt ngang những ngọn núi, sà xuống thung lũng khiến cho không gian trở nên huyền ảo, thơ mộng.
Từ lâu bản Đôn - khu vực phần lớn đồng bào dân tộc Thái sinh sống, được coi là trung tâm của quần thể du lịch Pù Luông, cũng là nơi có những cánh đồng lúa chín rực rỡ nhất, đã trở thành một trong những điểm dừng chân lí tưởng của những ai lên lịch trình đi Pù Luông. Khi lúa chín rộ, toàn bộ lòng chảo này được nhuộm vàng một màu kéo dài tít tắp đến chân các rặng núi cao cùng với những làn khói trắng giăng ngang mờ ảo tựa cảnh thiên đàng trong những câu chuyện cổ tích.
Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân đến thung lũng Kho Mường thì chưa được coi là đã đến Pù Luông. Khi chưa đến, có người hình dung ra một cánh đồng Kho Mường đầy sương mù nằm dưới thung lũng. Riêng tôi, đó là một "góc” với những khoảnh khắc thanh bình êm ả. Nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Kho Mường hầu như vẫn giữ được nguyên nét hoang sơ vốn có. Ở đây 60 hộ dân tộc Thái với hơn 200 nhân khẩu sống quây quần bên những ruộng lúa, nương ngô và cách biệt với các bản khác trong vùng. Cuối bản Kho Mường có hang Kho Mường là địa hình nổi bật nhất trong quần thể hang động tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nơi này có những khối nhũ đá vôi tuổi đời tới 250 triệu năm với đủ hình thù kỳ lạ mang nhiều màu sắc khác nhau.
Một điểm đến hấp dẫn khác ở Pù Luông là thác Hiêu, ở bản Hiêu. Thác Hiêu có chiều dài khoảng 800m không chảy theo một đường thẳng mà bị tách 2 nhánh tại lưng chừng núi, sau khi chảy 2 hướng khác nhau về cuối dòng lại hợp lại làm một như một vòng tay ôm. Nước chảy từ thác Hiêu có nhiều chất đá vôi nên trong xanh và tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Cách đó không xa, bản Hiêu nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông, từ đầu bản đến cuối bản có 5 thác nước nằm dài gần 1 cây số. Những ngôi nhà sàn của người Thái cứ rải rác dọc hai bên bờ suối. Mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà cũng dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác - nhà sàn đẹp như một bức tranh.
Những năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được mệnh danh là một trong những "địa chỉ vàng” cho du khách trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên rừng núi, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc cùng chung sống đan xen, hòa hợp, đoàn kết, trong đó đồng bào dân tộc Thái đen chiếm tới hơn 90%. Người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát… Giờ đây họ còn làm du lịch. Chỉ tính riêng huyện Bá Thước đã có hàng chục hộ dân làm du lịch cộng đồng, tập trung tại bản Hiêu (xã Cổ Lũng); bản Đôn (xã Thành Lâm); bản Báng, bản Kho Mường (xã Thành Sơn); các bản Nủa, Kịt, Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao). Ngoài ra, nhiều khu nghỉ dưỡng, homestay cao cấp… cũng được các “ông lớn” từ những nơi khác đến đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành. Điều này đã kéo theo một lượng khách lớn đến du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa…
Nếu so sánh về giá dịch vụ thì tại Pù Luông không phải là đắt đỏ, mà ngược lại chuyến đi có sự tính toán lại là vừa túi tiền. Ngại di chuyển nhiều nhưng vẫn check-in vạn góc sống ảo, bạn có thể chọn khu nghỉ dưỡng làm nơi lưu trú. Chỉ với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/đêm là đã có chỗ nghỉ ngơi trong những khu nhà sàn cộng đồng tại Homestay Pù Luông RiceRoad, Pù Luông Tree house, Thơ Hà, Dũng Xuân, Pù Luông Hostel... Nếu tài chính cho phép, với mức giá từ 500.000 - 2 triệu đồng/đêm/người, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những nơi nghỉ chân tuyệt đẹp với view rừng, ruộng bậc thang ở Ebino Pù Luông, Puluong Retreat, Pù Luông Eco Garden, The Palm Puluong Homestay & Restaurant, Puluong Natura Bungalows, Ciel De Puluong, Pu Luong Jungle Lodge...
Pù Luông như một cộng đồng lớn, ở đó mỗi một bản làng là một sắc thái khác nhau, đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ… nhưng tựu trung ở sự mến khách, gần gũi. Người dân địa phương luôn sẵn lòng làm hướng dẫn viên giới thiệu về vẻ đẹp hoang sơ cùng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; dẫn du khách đi thăm các bản trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nếu du khách có nhu cầu khám phá hệ sinh thái phong phú của núi rừng; tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn; trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa…
Gắn bó, cống hiến cho mảnh đất này, ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cảm nhận: “Ở đây, điều tôi cảm nhận rõ nhất là tình người. Họ chân chất, giản dị và mến khách, ai đến cũng yêu, cũng quý. Cái hơn là con người tôn trọng nhau, tôi đến nhà anh chắc chắn là anh không để tôi ra về không. Ít nhất anh phải mời tôi một bữa cơm, mời tôi ngủ làm khách một đêm để chuyện trò tâm sự… Đặc biệt, ở vùng đất này không phải gửi xe ô tô, xe hạng sang hay bất kỳ xe nào cũng có thể để qua đêm tại vị trí đỗ mà không bị mất cắp phụ tùng. Nếu bạn bị hỏng xe, người dân có thể giúp đỡ sửa hộ xe hoặc bơm xe miễn phí… Đất và người Pù Luông đã tạo ra và mang nhiều cơ hội để mọi người tìm đến nắm bắt lấy nó”.
Ở đây họ hỗ trợ nhau để phát triển. Điều này, du khách có thể cảm nhận rõ nhất ở những phiên chợ vùng cao, ví dụ như chợ phiên phố Đoàn hoạt động vào buổi sáng thứ 5, chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi giao thương hàng hóa và giao lưu đời sống của bà con các dân tộc Kinh, Thái, Mường trên địa bàn. Ở chợ, người quen hay không quen, thân hay không thân cũng có thể ăn với nhau, uống chén rượu, chuyện trò tâm giao tâm sự. Việc mua bán chỉ là một phần trong cái chợ đó mà thôi.
Ngất ngây với cảnh đẹp và con người, du khách khi kết thúc ngày dài rong ruổi, bữa cơm cuối ngày lại thêm bất ngờ thú vị đến từ những món ăn dân dã, như: xôi ngũ sắc, măng nhồi thịt, gà đồi, thịt nướng lá mắc mật, nộm rau dớn, rau bồ khai xào tỏi, nộm hoa chuối, vịt Cổ Lũng, ốc núi, cá suối, cá ruộng bậc thang... Trong đó, món vịt Cổ Lũng nổi tiếng có xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả tự nhiên, kiếm thức ăn bên dòng suối Nủa, nên thịt có vị thơm ngon đặc biệt. Vào mùa lúa, mâm cơm bản sẽ có thêm đĩa cá ruộng chiên. Cá ruộng được nuôi dưới ruộng bậc thang, ăn bông lúa, côn trùng hại lúa, con nào con nấy béo mập. Cá chỉ bằng cỡ hai ngón tay trở lại, dài không quá lòng bàn tay, bỏ nguyên con đem chiên giòn. Chưa hết, cá ruộng mùa vàng còn được kẹp thanh tre đem nướng trui qua lửa, mộc mạc, dân dã, nhưng đượm đầy phong vị núi rừng, từ mùi khói than, mùi lúa mới… Cá ruộng ăn chán chê, ta có thể chuyển vị sang cá suối kho lá rừng. Chỉ với nắm lá rừng, lót đáy nồi, kho cùng mớ cá suối. Trong men rượu ngọt dịu, tiếng hát trầm bổng vang lên giữa không gian của núi rừng khiến cho du khách thêm phần hưng phấn.
So với trước đây, Pù Luông đã thay đổi rất nhiều. Những tuyến đường bê tông, trải nhựa rộng mở về với bản, với làng. Nơi chân núi, triền đồi ngút ngàn cam, quýt, chè xanh gọi nắng, lúa đầy bồ, ngô thêm hạt cùng những rừng keo, mỡ, quế; từng công trình, nhà cửa mọc lên, phố núi, bản làng điện sáng thay sao, rộn ràng tỏa sáng… Để có được thành quả như ngày hôm nay, mỗi người con núi rừng đang từng bước đóng góp xây dựng nơi này ngày một to đẹp, đàng hoàng hơn.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Pù Luông có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong những chuyến du lịch mà tôi đã từng đi. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã hơn một lần đến đây, được hít thở bầu không khí luôn trong lành trong không gian bình yên ấy, thảnh thơi chiêm nghiệm về nhiều điều mà có lúc mình lãng quên giữa những hối hả, xô bồ của cuộc sống.