Đã chuyển vào ở trong ngôi nhà mới kiên cố được chừng 5 tháng, nhưng với anh Nguyễn Văn Hải (thị trấn Thọ Xuân, Thọ Xuân), tất cả dường như vẫn như một giấc mơ. Cả gia đình từng phải sống chen chúc trên một chiếc thuyền chỉ rộng khoảng 5 đến 6 mét vuông, cuộc sống lênh đênh vô định trên những khúc sông, cơm ăn không đủ, con cái không biết đến con chữ... tất cả giờ đã là quá khứ. Bởi tháng 6/2023, được sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ tỉnh (50 triệu đồng), Quỹ Caritas (50 triệu đồng) và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, anh Hải đã xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, rộng 57m2 và khánh thành vào những ngày cuối của năm 2023. Anh Hải tâm sự: “Giờ đã có nhà trên bờ, trời mưa gió không còn phải lo lắng nữa. Vợ chồng dù còn phải đi làm thuê làm mướn nhưng cũng yên lòng khi để con ở nhà. Con cái được học hành là điều khiến vợ chồng tôi mãn nguyện hơn nữa. Nhờ ơn Đảng, chính quyền các cấp, cuộc sống gia đình tôi đã sang một trang mới. Giờ tôi chỉ mong được chuyển đổi ngành nghề, có việc làm ổn định để lo cho cuộc sống lâu dài”.
Huyện Thọ Xuân có 64 hộ/251 nhân khẩu sinh sống trên sông (thị trấn Thọ Xuân 23 hộ; Xuân Hồng 6 hộ; Xuân Lai 7 hộ; Xuân Thiên 6 hộ; Phú Xuân 2 hộ; Xuân Tín 20 hộ). Trong đó có 36 hộ đủ điều kiện cấp đất, hỗ trợ làm nhà (34 hộ đủ điều kiện cấp đất, hỗ trợ làm nhà và 2 hộ tự mua đất, đủ điều kiện hỗ trợ làm nhà); có 2 hộ liên quan đến TP Thanh Hoá đủ điều kiện cấp đất, hỗ trợ làm nhà có nhu cầu cấp đất tại TP Thanh Hoá (hiện TP Thanh Hoá đã nhập khẩu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ này).
Thực hiện Thông báo số 129-TB/VPTU, ngày 18/4/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc Thông báo kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 117-KH/HU, ngày 6/6/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc cấp đất ở và hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông xây dựng nhà ở, ổn định đời sống; Quyết định số 1026-QĐ/HHU, ngày 08/6/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp đất ở và làm nhà ở cho hộ đồng bào sinh sống trên sông. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo MTTQ huyện đấu mối, phối hợp với MTTQ tỉnh, Caritas Thanh Hoá và trích nguồn kinh phí của huyện, xã hỗ trợ, cùng nguồn kinh phí của gia đình, dòng họ xây dựng nhà ở cho các hộ, với tổng kinh phí 12,064 tỷ đồng. Với sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị, tổ chức có liên quan, đến thời điểm này, 36 hộ đồng bào sinh sống trên sông đã hoàn thiện việc xây dựng nhà và sinh sống ổn định trên bờ.
Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Đó là nguyên tắc xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ sở để xây dựng và ban hành các chính sách hướng đến con người, vì con người. Xuất phát từ yêu cầu đó, cùng với việc xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách quan trong trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Và một trong những chính sách mang đậm tính nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, đúng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” là Cuộc vận động hỗ trợ nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cuộc vận động được ra đời trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động đồng bào Công giáo nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống từ năm 2020 đến năm 2022. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 556-CV/TU, ngày 16/4/2022 về việc vận động, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Công giáo nghèo đang sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xuất phát từ nhu cầu thực tế là phần đa các hộ sinh sống trên sông có điều kiện kinh tế khó khăn và phải đối diện với các nguy cơ đói nghèo, dịch bệnh, thất học, thiên tai... Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 247 hộ đồng bào đang sinh sống trên sông (Thọ Xuân có 64 hộ/249 khẩu; Thiệu Hóa có 30 hộ/115 khẩu; Yên Định có 77 hộ/288 khẩu; Vĩnh Lộc có 4 hộ/15 khẩu; Thạch Thành có 5 hộ/23 khẩu; TP Thanh Hóa có 66 hộ/253 khẩu). Trong đó, có 183 hộ đủ điều kiện được cấp đất ở (Thọ Xuân 34 hộ, Thiệu Hóa 30 hộ, Yên Định 77 hộ, Vĩnh Lộc 4 hộ, Thạch Thành 5 hộ, Đông Sơn 1 hộ, TP Thanh Hóa 32 hộ). Trong số 183 hộ đủ điều kiện cấp đất ở, đã có 179 hộ được cấp đất ở; 1 hộ (huyện Đông Sơn) vận động gia đình bố trí đất ở; 2 hộ (huyện Thiệu Hóa) neo đậu thuyền tại TP Thanh Hóa (1 hộ tự mua đất tại thị trấn, đã được nhận tiền hỗ trợ làm nhà; 1 hộ ở một mình có cháu cam kết đưa về ở và xây thêm 1 phòng, đề nghị được hỗ trợ tiền); 1 hộ (huyện Yên định) không nhận đất do chính quyền quy hoạch.
Để Cuộc vận động hỗ trợ nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Đồng thời, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như Công văn số 719-CV/TU, ngày 3/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào đang sinh sống trên sông; Công văn số 1164-CV/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp đất ở và hỗ trợ nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông”... Đặc biệt, hằng quý, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ trì giao ban để đánh giá kết quả công tác triển khai thực hiện; định hướng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là trong công tác bố trí đất ở, ở khu, điểm tái định cư tập trung cho đồng bào sinh sống trên sông.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, hướng dẫn “Thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, miễn giảm tiền sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho đồng bào sinh sống trên sông”; hướng dẫn “Nguyên tắc, đối tượng, tiêu chí, điều kiện các hộ dân đang sinh sống trên sông được hỗ trợ đất ở hạn mức hỗ trợ về đất ở, kinh phí xây dựng nhà ở”; hướng dẫn “Triển khai phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào sinh sống trên sông sau khi lên bờ ổn định cuộc sống”; các căn cứ pháp lý, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn để các đơn vị thực hiện trong quá trình tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đã ban hành kế hoạch thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông. Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa và Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện có đồng bào sinh sống trên sông đều ban hành kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Để thu hút các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa, Ban Thường vụ các huyện có đồng bào đang sinh sống trên sông đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ chủ trì phát động, xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào. Định mức hỗ trợ thêm ngoài nguồn của Ủy ban MTTQ tỉnh chuyển về và nguồn của Ủy ban Caritas giáo phận Công giáo Thanh Hóa (đối với hộ Công giáo nghèo) không quá 50 triệu đồng/nhà. Kết quả, tính đến ngày 20/12/2023, kinh phí các đơn vị bố trí đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở cho khu, điểm tái định cư tập trung là 18.821 tỷ đồng; kinh phí huy động hỗ trợ xây nhà cho đồng bào sinh sống trên sông là 52,428 tỷ đồng, để xây dựng 182 nhà.
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở, các địa phương cũng chú trọng triển khai các chính sách an sinh xã hội để ổn định cuộc sống cho đồng bào. Theo đó, các đơn vị đã rà soát, thống kê, phân loại các đối tượng lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề. Phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn, tổ chức các hội nghị tư vấn việc làm và học nghề; giới thiệu các lao động trong độ tuổi đi làm việc tại công ty may mặc, giầy da, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn; kết nối cho số lao động cao tuổi nhận việc của cơ sở sản xuất nghề tiểu thủ công nghiệp (mây giang xiên, làm mi mắt giả...) về làm tại nhà; bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ... Cùng với đó, rà soát, ra quyết định và cấp sổ cho 138 hộ nghèo và 5 sổ hộ cận nghèo, để đối tượng này được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế cũng như được tạo điều kiện hưởng các phúc lợi sau khi lên bờ, ổn định đời sống.
Các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các nhà trường rà soát các hộ đồng bào sinh sống trên sông. Qua đó, có 308 học sinh trong độ tuổi đến trường và được thực hiện đầy đủ chính sách miễn giảm học phí, các khoản đóng góp và một số chính sách khác. Đặc biệt, các trường đều xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng đối với các học sinh yếu ít nhất 2 tiết/tuần để giúp các em vươn lên trong học tập; cũng như hỗ trợ một phần chi phí học tập, hoạt động giáo dục cho các em. Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND, ngày 4/10/2022 của UBND tỉnh về “Triển khai phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào sinh sống trên sông sau khi lên bờ ổn định cuộc sống”, UBND các huyện, thành phố có đồng bào sinh sống trên sông đã xây dựng kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện.
Có thể khẳng định, Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính sách được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, với sự đồng lòng, ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã phản ánh tinh thần “tương thân, tương ái” cao đẹp của dân tộc ta. Từ chính sách này, đã mở ra một trang mới đầy phấn khởi và tin tưởng vào tương lai tươi sáng cho cuộc đời của nhiều con người từng lấy sông nước là nhà.