Gặp Nguyễn Thị Dịu, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hoàng Dịu (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) đang vần từng chum mắm to ra sân phơi. Giữa cái nắng bỏng rát của mùa hè nhưng Dịu vẫn hào hứng làm việc, vừa làm Dịu vừa hăng say nói về quy trình làm mắm chuẩn vị Bắc của mình.
Với nước mắm truyền thống vị Bắc xưa, thời gian ủ chượp kéo dài từ 2-3 năm, mắm được ngâm ủ hoàn toàn bằng chum sành làm từ đất sét tự nhiên, có khả năng chứa đựng thực phẩm trong thời gian dài, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều muối như nước mắm mà không bị ăn mòn, biến chất. Chum sành chống ẩm và giữ nhiệt tốt, phù hợp với những địa phương có thời tiết nồm ẩm như Thanh Hóa. “Chum sành tượng trưng cho đất, muối mắm trong chum là sự kết hợp hài hòa giữa đất trời và biển cả”, Nguyễn Dịu cho biết.
Làm nước mắm chuẩn bị Bắc có khó khăn nhất định, đó là thời gian ủ chượp quá lâu, ảnh hưởng đến việc quay vòng vốn, chi phí đầu tư cơ sở vật chất nhiều, nếu không trường vốn sẽ không trụ được. Trong khi nghề mắm có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu nước mắm truyền thống, giữa mắm truyền thống và mắm công nghiệp. Với một bạn trẻ chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này, khởi nghiệp chỉ với 50 triệu đồng, đây có phải “nhiệm vụ bất khả thi” với Dịu? Trả lời cho câu hỏi này, Dịu kể lại câu chuyện vì sao mình chọn khởi nghiệp bằng nghề làm mắm.
Sinh ra và lớn lên ở quê có truyền thống làm mắm, nhưng nhiều năm qua Dịu nghe thấy những “tiếng thở dài” từ nghề , đó là việc các hộ làm mắm truyền thống ngày càng ít đi, thu nhỏ quy mô, hoặc chuyển sang làm nghề khác, thế hệ trẻ không mặn mà tiếp nối bởi nghề vất vả, không có lợi nhuận cao, trong khi sự xâm nhập của nước mắm công nghiệp ngày càng mạnh. “Mình có cuộc khảo sát nhỏ khi đứng tại cửa hàng tạp hóa gần nhà, cứ 10 người thì đến 7-8 người mua nước mắm công nghiệp, điều này thực sự buồn”. Nỗi buồn đó cứ ám ảnh Dịu, khiến cô thao thức hàng đêm mà suy tư. Dịu cũng hiểu phần nào nguyên nhân khiến thế hệ trẻ không mặn mà với nghề truyền thống bởi ai ai cũng mang tư duy “không ai giàu lên từ nghề làm mắm”. Nếu vậy, nghề mắm truyền thống bao đời nay của cha ông ta cứ thế mà mai một đi sao.
Và Dịu viết đơn xin thôi việc ở thành phố Quy Nhơn, cùng mức lương ổn định, quyết định về quê để giữ lấy nghề cha ông. Với quyết định này, Dịu biết rằng từ nay cô không còn là cô gái hiện đại, ăn mặc sang chảnh, thư giãn bên cốc cà phê cùng bạn bè vào cuối tuần mà sẽ là cô gái với làn da sạm đen vì nắng, gió biển, luôn đầu tắt mặt tối bên những vại mắm, luôn chạy đôn chạy đáo tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. “Mình biết khởi nghiệp nghề mắm rất vất vả, nhưng mình không giữ thì ai giữ”, Dịu nói lời tự tin, khẳng khái. Rất may quyết định của Dịu được sự ủng hộ của chồng.
Từ đó, hai vợ chồng đi sâu tìm hiểu thị trường, với những bài khảo sát về giá, vị giác, cảm giác, yêu cầu của người tiêu dùng, quyết định duy trì phương pháp truyền thống nhưng Dịu có nhiều cải tiến trong cách ngâm ủ, để mắm đạt chất lượng tốt hơn cả về mùi vị, độ trong và màu sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Phương pháp là của cha ông nhưng được làm bởi tư duy và kiến thức của người trẻ.
Quá trình khởi nghiệp chỉ với 50 triệu đồng. Khó khăn, chông gai hai vợ chồng trẻ gặp phải có thừa, có lúc xưởng mắm đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không đủ vốn duy trì nhưng lời hứa với chính bản thân “mình không giữ thì ai giữ” lại trở thành động lực để hai vợ chồng Dịu vượt qua. Đến nay, xưởng mắm Hoàng Dịumỗi năm xuất bán được khoảng 10.000 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Hiện tại, công việc của Dịu không liên quan đến ngành nghề đào tạo, hình ảnh cô gái hiện đại thuở nào cũng không còn nhưng ngược lại Dịu rất vui vẻ, hạnh phúc vì “mình đang đi đúng mục tiêu của cuộc đời”.
Nhiều người biết đến Lê Minh Cương (SN 1992), Giám đốc Công ty TNHH Spico (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) cùng câu chuyện khởi nghiệp với trái ớt. Hiện tại, công ty của anh mỗi năm xuất bán khoảng 30.000 chai tương ớt các loại, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng. Tương ớt Spico đang trên đường xây dựng thương hiệu riêng “Ớt Việt – hồn Việt” và đã xuất hiện trên kệ ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn
Nhưng ít ai biết được một trong những nguyên nhân khiến Cương quyết chí về quê lập nghiệp bắt đầu từ khi là du học sinh bên Singapore. Lúc đó, trong mỗi lần giao lưu sinh viên quốc tế, được thầy cô hỏi về sản vật văn hóa đặc trưng của đất nước, các bạn sinh viên đều đưa ra sản vật đặc trưng của nước họ cùng bài thuyết trình rất hay. Cương tâm sự “Lúc đó tôi nghĩ Thanh Hóa mình có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, trách nhiệm của mình là nâng tầm sản phẩm đó, để thế hệ trẻ tiếp theo có thể tự hào đứng giữa sinh viên quốc tế kể câu chuyện quê hương mình”. Vì vậy, nỗ lực học tập của Cương không phải để tìm được việc làm “ngon” ở thành phố lớn mà “đi để trở về” cống hiến cho quê hương. Chưa vội về quê sau khi ra trường, Cương đi làm nhiều công việc khác nhau tại các công ty lớn lấy kinh nghiệm, hầu hết các vị trí Cương làm đều có mức lương cao, đãi ngộ tốt nhưng những điều đó không níu chân được chàng trai trẻ với trái tim nhiệt huyết luôn muốn cống hiến cho quê hương.
“Nhiều người vẫn tưởng tương ớt là gia vị du nhập từ phương tây, nhưng thực chất từ xa xưa cha ông ta đã biết ngâm ủ ớt cùng gia vị cho lên men rồi lọc, nghiền nhỏ thành nước sền sệt”, theo đó Cương đã nghiên cứu kỹ lưỡng về phương pháp làm tương ớt của người Việt xưa. Dựa vào phương thức cha ông kết hợp cùng tri thức tuổi trẻ về sản phẩm hữu cơ, an toàn sức khỏe, vừa giữ bản sắc vừa hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Điểm khác biệt của tương ớt Spico là sản phẩm có nhiều vị riêng như tương ớt vị Bắc, tương ớt vị Nam, tương ớt ít cay, từng vị cho từng miền khác nhau bởi từ xưa đến nay khẩu vị của người dân từng miền là khác nhau.
Quan sát, người tiêu dùng thấy mẫu mã bao bì sản phẩm đều mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Đó là câu đối, danh thắng nổi tiếng Việt Nam hay những cái tên tương ớt Phúc, Lộc, Thọ.
Hiện tại, kể câu chuyện về trái ớt quê Thanh, Cương tự hào vì vùng nguyên liệu của anh đã không còn cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận của một người trẻ luôn hướng về quê hương
Câu chuyện về quê khởi nghiệp của Lê Trương Trường (Hoằng Hải, Hoằng Hóa) với mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo bắt đầu từ mong muốn mang đến giá trị mới cho sức khỏe mọi người.
Trong thời gian làm cho một công ty, Trường biết đến đông trùng hạ thảo tinh dưới dạng lỏng, thời điểm này đông trùng hạ thảo chưa được nhiều người tiêu dùng Việt biết đến. “Sản phẩm thường xuyên được người nước ngoài dùng, mình thử tìm hiểu và biết sản phẩm có rất nhiều công dụng, là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm tốt thế này nhưng thị trường Việt là chưa nhiều”, Trường cho biết.
Chỉ vài tháng sau khi biết đến đông trùng hạ thảo, Trường viết đơn xin nghỉ việc. “Biết tin, bố mẹ phản ứng dữ dội, bạn bè gọi điện khuyên ngăn bảo đừng có theo trào lưu về quê khởi nghiệp, ai cũng phân tích rằng ở quê có gì đâu mà khởi nghiệp, dẫn chứng bao nhiêu thanh niên về quê đều thất bại”, Trường chia sẻ. Ai cũng cho rằng đây là quyết định điên rồ của Trường, chỉ riêng Trường hiểu “Dám nghĩ mà không dám làm thì không thể khởi nghiệp thành công”.
1 năm đầu sau khi học thành nghề, cú sốc khởi nghiệp đầu tiên với những lứa nuôi thất bại. 500 triệu đồng nguồn vốn đầu tư vay mượn mất hơn một nửa. Suy sụp, chán nản, lo lắng là tâm trạng của Trường trong suốt một năm đầu khởi nghiệp. Bước sang năm thứ 2, rút kinh nghiệm từ những lần nuôi thất bại trước, Trường linh hoạt trong công thức, chú ý đến môi trường và nguồn nước, là hai yếu tố đảm bảo nguồn nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đó, những lứa nuôi sau luôn đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%. Sản phẩm sinh trưởng đồng đều, màu đẹp, đươc khách hàng đánh giá cao.
Hiện tại, Trường đã xây dựng cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo khép kín với quy mô nuôi 4.000 lọ/lứa, với đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, gồm: 1 phòng vô trùng, 1 phòng lạnh, phòng cấy nấm. Mỗi lứa nuôi anh đang duy trì số lượng khoảng 4.000 lọ, mỗi lứa có khoảng 2.800 đến 3.500 lọ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, sấy khô thu khoảng 14 đến 16 kg. Với giá bán 35-40 triệu đồng/kg, lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/lứa.
Theo quan điểm của Trường, không chỉ riêng anh mà rất nhiều thanh niên muốn về quê khởi nghiệp nhưng rào cản với họ quá lớn. Thanh niên với kinh nghiệm thực tế, từng trải cuộc sống họ hiểu rõ những bấp bênh, áp lực trên con đường khởi nghiệp, nhất là áp lực về tiền. Đặc biệt, thanh niên trong thời đại mới có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng cũng như kiến thức trên con đường mình chọn đi. Điều quan trọng là họ có dám “xé rào” hay không.
Đánh giá cao những thanh niên mạnh dạn về quê khởi nghiệp, chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết “Rất nhiều thanh niên về quê khởi nghiệp thành công, bởi họ đã tạo nên những mô hình gắn liền với đặc thù sản xuất của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ, họ cũng đã thất bại nhưng họ đứng dậy ngay sau đó, tiếp tục con đường khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tạo điều kiện, quan tâm đến vấn đề thanh niên khởi nghiệp bằng những hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn vay, mặt bằng…”
Giống như Cương, Dịu và Trường, “bỏ phố về quê” là tâm tư của nhiều bạn trẻ hiện nay, chọn trở về quê gắn bó vói công việc nhà nông như trồng sau sạch, lúa sạch, tham gia vào chuỗi phân phối nông sản, kinh doanh sản phẩm làng nghề, dịch vụ… nhưng đó không phải là hành động nhất thời, cũng không phải trào lưu của những người sợ áp lực, chán nản cuộc sống nơi phố thị, mà việc trở về xuất phát từ tình yêu với quê hương, khát khao mang những trí thức học được, góp bàn tay xây dựng cuộc sống làng quê ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, với thế hệ trẻ thời đại 4.0, sự trở về của họ không phải là “hai bàn tay trắng” mà đã có sự chủ động tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp, phương pháp, kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Con đường khởi nghiệp không phải ai cũng thành công nhưng tinh thần “dám nghĩ dám làm” cùng nhiệt huyết tuổi trẻ là động lực giúp người trẻ vượt qua thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp.